Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Hạ thân nhiệt là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở trẻ sinh non, do quá trình điều hòa thân nhiệt bị mất cân bằng - quá trình sinh nhiệt và quá trình tản nhiệt.

1. Nguyên nhân gây hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

Hạ thân nhiệt là một tình trạng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ, đặc biệt là ở những độ tuổi nhỏ.

Nội dung

1. Nguyên nhân gây hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

2. Triệu chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

3. Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh có lây không?

4. Phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

5. Điều trị hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

Hạ thân nhiệt là khi nhiệt độ của trẻ < 35 độ C (95 độ F).

Mức độ hạ thân nhiệt:

Nhẹ: Nhiệt độ 32 – 35 độ C.

Nặng: Nhiệt độ < 32 độ C.

Hạ thân nhiệt trẻ sơ sinh thường do các nguyên nhân sau:

Trẻ sinh non: Tỉ lệ diện tích da/cân nặng lớn hơn trẻ đủ tháng, dẫn đến trẻ sinh non dễ bị hạ thân nhiệt. Lượng mỡ dưới da, đặc biệt là lớp mỡ nâu ít sẽ dễ dẫn đến khả năng sinh nhiệt kém. Thiếu năng lượng để chuyển hóa và sinh nhiệt. Dễ mắc suy hô hấp do các vấn đề ở phổi.

Trẻ sinh ngạt gây thiếu oxy cho chuyển hóa tế bào. Trẻ sinh hoặc nuôi trong môi trường lạnh: Nhiệt độ trong phòng lạnh, gió lùa, trẻ không được ủ ấm, tã bị ướt do tiểu tiện, đại tiện, tắm trẻ quá lâu, nước tắm lạnh.

Cấp cứu hồi sức hoặc tiêm truyền cho trẻ trong thời gian kéo dài mà trẻ không được ủ ấm.

Trẻ bị nhiễm trùng và bệnh lý khác làm cho trẻ bị cạn kiệt năng lượng và hạ thân nhiệt.

Nghiên cứu cho thấy những trẻ bị sinh non và có cân nặng thấp lúc mới sinh sẽ có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao nhất. Đặc biệt khi trẻ được sinh ra khi chỉ mới đạt 28 tuần tuổi và những em bé có cân nặng dưới 3,3 kg có khả năng bị rối loạn thân nhiệt cao hơn tử 31 - 78%. Tỷ lệ mắc bệnh của nhóm trẻ này cao chủ yếu do cơ thể của bé quá nhỏ nên không thể tự giữ nhiều nhiệt trong cơ thể như trẻ lớn hoặc người trưởng thành.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của trẻ: Thiếu hụt lượng chất béo có thể giữ ấm cho cơ thể; Hệ thần kinh của trẻ vẫn đang phát triển.

Hạ thân nhiệt là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ sơ sinh.

Hạ thân nhiệt là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ sơ sinh.

2. Triệu chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

Tùy vào mức độ hạ thân nhiệt mà trẻ sơ sinh có những biểu hiện sau:

Hạ thân nhiệt nhẹ: Trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ như da ấm, mồ hôi, hoặc da có thể hơi lạnh nhưng không có dấu hiệu khác. Trong trường hợp này việc cung cấp nước uống và môi trường mát mẻ có thể giúp trẻ hồi phục.

Hạ thân nhiệt vừa: Trẻ có biểu hiện rõ ràng về việc hạ thân nhiệt như da lạnh, cơ thể run rẩy, hay bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến việc mất nhiệt. Trong trường hợp này thì việc làm ấm nhanh bằng cách sử dụng chăn ấm hoặc áo ấm và tìm một nơi ấm hơn là cần thiết.

Hạ thân nhiệt nặng: Đây là tình trạng cấp tính và nguy hiểm, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như rối loạn tiêu hóa, tình trạng nguy kịch, thậm chí là tử vong. Trẻ có thể hiện các dấu hiệu như da xanh, hôn mê, hoặc hơi thở chậm. Trong trường hợp này việc gọi cấp cứu, cung cấp sự ấm nhanh chóng và chăm sóc y tế chuyên môn là cần thiết.

Việc nhận biết và xử lý kịp thời các mức độ hạ thân nhiệt ở trẻ là điều quan trọng để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho bé. Đồng thời việc tăng cường kiến thức và nhận thức của cộng đồng về vấn đề này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và xử lý tình trạng này.

Mức độ hạ thân nhiệt được biểu hiện:

Đối với tim mạch

Giai đoạn đầu: Tăng nhịp tim, co mạch ngoại biên để duy trì tưới máu cơ quan.

Giai đoạn sau: Nhịp tim chậm, rung nhĩ, rung thất …

Đối với hô hấp: Lúc đầu trẻ thở nhanh, khi hạ thân nhiệt nặng trẻ thở chậm dần.

Đối với thần kinh trung ương: Tưới máu não giảm nên giai đoạn đầu trẻ kích thích, bứt rứt, sau thì trẻ sẽ li bì, hôn mê, co giật…

Đối với thận: Giai đoạn đầu trẻ bị tăng bài niệu, giai đoạn sau trẻ sẽ bị thiểu niệu, tăng ure máu, hoại tử ống thận.

Đối với huyết học: Giảm bạch cầu, tiểu cầu, rối loạn đông máu, xuất huyết phổi.

3. Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh có lây không?

Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh là bệnh không lây nên không lây nhiễm.

4. Phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

Duy trì nhiệt độ môi trường thích hợp là bước quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng nhiệt độ trong phòng sinh phải từ 25 đến 28°C, trẻ sơ sinh phải được làm khô ngay lập tức, đặt tiếp xúc da kề da với người mẹ và được bao bọc.

Khi mới sinh trẻ sơ sinh phải được lau khô ngay lập tức và sau đó quấn (bao gồm cả đầu) trong chăn ấm để tránh mất mát do bay hơi, dẫn truyền và đối lưu. Đối với trẻ sinh non, việc đặt vào túi polyetylen ngay sau khi sinh đã được chứng minh là giúp duy trì nhiệt độ của trẻ, một số bác sĩ lâm sàng không làm khô trẻ sơ sinh trước khi đặt vào túi vì độ ẩm tăng lên có thể có lợi.

Trẻ sơ sinh cần được hồi sức hoặc theo dõi phải được đặt dưới thiết bị sưởi ấm bức xạ mà không có vật gì cản nhiệt cho trẻ sơ sinh, chẳng hạn như chăn, để tránh mất nhiệt do bức xạ.

Trẻ sơ sinh bị bệnh cần được duy trì nhiệt độ môi trường tối ưu để đảm bảo giảm thiểu tối đa mất năng lượng cho chuyển hóa nhiệt. Nhiệt độ lồng ấp thích hợp thay đổi tùy theo cân nặng khi sinh và tuổi thai của trẻ. Ngoài ra, chế độ sưởi của lồng ấp hay giường sưởi nên được đặt ở chế độ tự động để đảm bảo duy trì nhiệt độ da của trẻ ở 36,5°C.

Ngoài ra, cần chú ý chăm sóc và quản lý thai nghén để hạn chế tình trạng sinh non.

5. Điều trị hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

Tùy từng mức độ hạ thân nhiệt ở trẻ mà các bác sĩ sẽ có các xử trí khác nhau:

Nếu hạ thân nhiệt nhẹ: Đặt trẻ trong phòng ấm ( 26 – 28 độ C), có lò sưởi hoặc đèn sưởi. Cởi bỏ áo, tã ướt. Lau khô người trẻ, lau khô đờm dãi, các chất tiết.

Áo, tã, mũ, tất tay chân, chăn được làm ấm ở nhiệt độ 38 – 40 độ C trước khi mặc vào cho trẻ. Ủ ấm trẻ theo phương pháp da kề da.

Đo thân nhiệt của trẻ 1 giờ/lần và theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm.

Hạ thân nhiệt nặng làm tương tự như 3 bước đầu ở phần hạ thân nhiệt nhẹ.

Đặt trẻ vào lồng ấp: Đặt nhiệt độ lồng ấp cao hơn thân nhiệt trẻ 1 - 1.5 độ C.

Kiểm tra nhiệt độ lồng ấp mỗi giờ một lần trong vòng 8 giờ đầu sau đó 3 giờ một lần. Đo thân nhiệt của trẻ 1 giờ một lần.

Nếu thân nhiệt của trẻ tăng thêm 0.5 độ C/1 giờ và liên tục trong 3 giờ là tiên lượng tốt. Khi thân nhiệt của trẻ ổn định trong giới hạn bình thường phải theo dõi tiếp 3 giờ/lần trong 12 giờ.

Nếu thân nhiệt của trẻ không tăng hoặc tăng dưới 0.5 độ C/giờ, hãy kiểm tra hệ thống sưởi, tăng nhiệt độ lồng ấp 0.5 độ C/giờ.

Điều trị nguyên nhân và các hỗ trợ khác

Điều trị suy hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng.
Đảm bảo năng lượng, dinh dưỡng.
Cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn bú được.
Nếu trẻ không bú được thì cho trẻ ăn qua ống thông dạ dày.
Truyền dịch nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, theo dõi chặt đường máu, không để hạ đường máu.

Chú ý: Dịch nuôi dưỡng, sữa, chế phẩm máu đều phải làm ấm 40 – 42 độ C trong suốt quá trình truyền cho trẻ.

Tóm lại: Hạ thân nhiệt là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, do quá trình điều hòa thân nhiệt bị mất cân bằng. Khi nhiệt độ của trẻ dưới 35°C gọi là hạ thân nhiệt trẻ sơ sinh. Vì vậy, luôn luôn theo dõi các dấu hiệu của trẻ, khi trẻ có bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào thì hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

BS. Nguyễn Thị Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-than-nhiet-o-tre-so-sinh-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169250326205808249.htm