Dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị kiệt sức vì công việc
Đau đầu, mất ngủ, hay quên, thiếu cảm hứng làm việc... là những dấu hiệu chứng tỏ bạn đang kiệt sức vì công việc và cần thêm thời gian nghỉ ngơi.
Nếu bạn thấy mình ở trong tình trạng căng thẳng về mặt cảm xúc và mệt mỏi thể chất kéo dài thì rất có thể bạn đang bị kiệt sức vì công việc (burnout). Hiện tượng này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công việc, sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ trong cuộc sống.
Theo Trung tâm Sức khỏe tâm trí Anh quốc, nếu liên tục phớt lờ các dấu hiệu kiệt sức vì công việc, rất có thể bạn sẽ bị suy giảm sức khỏe thể chất và dễ mắc bệnh trầm cảm.
Tiến sỹ Emma Palmer-Cooper, chuyên gia tâm lý, giải thích: “Kiệt sức vì công việc không chỉ là căng thẳng mà là lúc cơ thể lên tiếng rằng không thể tiếp tục tình trạng này thêm nữa. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người chịu áp lực công việc cường độ cao".
Tiến sỹ tâm lý Manpreet Dhuffar-Pottiwal cho biết tình trạng kiệt sức vì công việc do phản ứng căng thẳng vượt ngưỡng gây nên. Những yêu cầu quá mức của cấp trên đôi khi khiến hệ thần kinh bị quá tải.

Kiệt sức vì công việc không dễ nhận biết nhưng để lại tác hại nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Unsplash)
Các yếu tố khác như làm việc nhiều giờ mà không được đánh giá cao hay hỗ trợ, bị đối xử không công bằng tại nơi làm việc, giao tiếp kém từ phía lãnh đạo... cũng có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Các dấu hiệu kiệt sức vì công việc bao gồm mệt mỏi về mặt cảm xúc, cảm thấy cuộc sống không tách biệt với công việc, các triệu chứng về thể chất như đau đầu, mất ngủ, gặp vấn đề về dạ dày hoặc cảm giác không khỏe. Nỗi sợ dai dẳng, mất tập trung và thiếu hứng cũng là những dấu hiệu cho thấy một người đang bị kiệt sức vì công việc.
Nilou Esmaeilpour, chuyên viên chăm sóc sức khỏe giải thích: “Đôi khi bạn có thể cảm thấy không còn quan tâm đến công việc đang làm. Về mặt thể chất thì bị ốm thường xuyên hơn do hệ miễn dịch yếu hơn, công việc vẫn chất chồng nhưng không còn cảm hứng làm gì. Mọi thứ từ niềm vui dần trở thành nghĩa vụ".
Nhiều người từng hòa đồng, sẵn sàng và nhiệt tình trong công việc có thể sớm trở nên khép kín và ít nói hơn. Thậm chí, họ còn có những suy nghĩ, chỉ trích tiêu cực về bản thân, công việc và đồng nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, người bị kiệt sức vì công việc cũng thường không hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn, quên những việc nhỏ hoặc hoặc thậm chí dễ khóc.
Không có cách khắc phục nhanh chóng cho hiện tượng này, TS Palmer-Cooper cho biết. “Bạn cần xây dựng lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thực hành những thói quen tốt đem đến năng lượng tích cực. Nghỉ ngơi thực sự rất quan trọng. Đó không chỉ là ngủ, mà còn là thời gian để thoát khỏi trách nhiệm và thư giãn".
Những người thấy mình bị kiệt sức vì công việc nên nhờ sự trợ giúp từ người khác, đây sẽ là bước đầu để bản thân dần hồi phục.
Tiến sỹ Dhuffar-Pottiwal nói thêm: “Phục hồi đòi hỏi phải hiệu chỉnh lại rất nhiều điều như ưu tiên nghỉ ngơi, thiết lập ranh giới công việc, cuộc sống hoặc thử các bài tập thiền, thể dục nhẹ nhàng".
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dau-hieu-chung-to-ban-dang-bi-kiet-suc-vi-cong-viec-ar937871.html