Hà Tĩnh khắc phục khó khăn để 'tỏa sáng' trên bản đồ du lịch Việt Nam
Thị trường du lịch Hà Tĩnh đang dần 'nóng' lại với nhiều tín hiệu vui, hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách trong tương lai.
Sau thời gian dài bị “đóng băng” bởi dịch COVID-19, ngành du lịch Hà Tĩnh đang nỗ lực vượt khó với hàng loạt chương trình kích cầu, giảm giá nhằm thu hút khách du lịch.
Thị trường du lịch Hà Tĩnh đang dần “nóng” lại với nhiều tín hiệu vui, hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách trong tương lai.
Nỗ lực “hâm nóng” thị trường du lịch
Nằm trên tuyến hành lang Đông-Tây với các nước trong khối ASEAN, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đặc biệt, với bờ biển dài 137km, Hà Tĩnh sở hữu nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn như Thiên Cầm, Xuân Thành, Cửa Sót, Kỳ Xuân.
Đến với Hà Tĩnh, du khách sẽ được ngắm nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như núi Hồng-sông La, hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi-Cẩm Trang, Rừng quốc gia Vũ Quang, suối Nước Sốt-Sơn Kim, quần thể Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, Hoành Sơn Quan, thác Vũ Môn …
Mảnh đất Hà Tĩnh còn là nơi có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng, quê hương của nhiều danh nhân kiệt xuất, gắn liền với các di tích lịch sử-văn hóa như di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, đền thờ Chiêu trưng Đại Vương-Lê Khôi và các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị được UNESCO vinh danh như Dân ca Ví-Giặm, Ca trù, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ.
Những năm gần đây, ngành du lịch Hà Tĩnh đã có sự phát triển đáng kể về cơ sở hạ tầng cũng như sản phẩm dịch vụ du lịch. Nghị quyết số 06/NQ-BCH ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo đã xác định “Phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và từng thời kỳ, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.”
Tỉnh Hà Tĩnh cũng thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư du lịch tại địa phương.
Sáu tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng lượng khách đến Hà Tĩnh giảm mạnh, đạt 260.772 lượt người, giảm khoảng 75% so với cùng kỳ năm trước đó. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 340 tỷ đồng, bằng 28,2 % so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói ưu đãi, khuyến mãi, cam kết giảm giá và giữ vững chất lượng.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh còn chỉ đạo ngành du lịch yêu cầu các đơn vị đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch cho du khách, người lao động và cộng đồng địa phương.
Ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tín dụng cho khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh; gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, đồng thời có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân.
Tỉnh hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh (giảm 10% giá điện cho các cơ sở lưu trú trong 2 tháng Năm và Sáu vừa qua); giảm phí đăng ký doanh nghiệp, phí công bố thông tin doanh nghiệp, phí thẩm định cấp phép lại hoạt động bưu chính...
Nhờ đó, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các công ty lữ hành, đơn vị quản lý, khai thác sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra đồng loạt các ưu đãi để kích cầu du lịch như: giảm giá từ 10-30% các chương trình du lịch trọn gói; áp dụng mức giá ưu đãi lớn đối với đơn vị, đại lý có số lượng khách lớn...
Những tín hiệu vui
Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động đã mang lại cho du lịch Hà Tĩnh nhiều khởi sắc sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Ghi nhận tại các điểm du lịch ở Hà Tĩnh trong thời gian này cho thấy, lượng khách đăng ký lưu trú tăng, nhiều nơi kín phòng, nhất là vào các ngày nghỉ. Du khách đã dần chọn Hà Tĩnh là “điểm dừng chân” thay vì chỉ là “điểm đến” như trước kia.
Chị Nguyễn Khánh Thương, khách du lịch, thường trú tại tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình đến Hà Tĩnh và rất bất ngờ với mảnh đất này.
Ban đầu, đoàn của mình chỉ định ghé qua Hà Tĩnh ở một vài điểm thôi, nhưng với ấn tượng về cảnh sắc cũng như con người nơi đây, chúng mình đã quyết định nghỉ ngơi tại Hà Tĩnh. Ở đây không chỉ có biển đẹp, sạch, hải sản tươi ngon mà du lịch tâm linh cũng rất tuyệt vời. Mình vô cùng ấn tượng với chùa Hương Tích và Ngã ba Đồng Lộc.”
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Công ty cổ phần lữ hành quốc tế Đại Dương Hải Phòng chia sẻ: Chúng tôi cảm thấy rất yên tâm về chất lượng dịch vụ khi dẫn các đoàn khách đến với Hà Tĩnh.
Các tour, tuyến kết hợp giữa địa chỉ đỏ như Ngã ba Đồng lộc với du lịch biển rất thu hút du khách. Mặc dù tình hình phát triển du lịch ở các tỉnh miền Trung trong dịp này gặp khó khăn, nhưng lượng khách đăng ký về Hà Tĩnh lại khá đông.
Có mặt tại Khu du lịch biển Thiên Cầm vào dịp này có thể thấy không khí tấp nập, bên cạnh khách ngoại tỉnh thời gian gần đây khách nội tỉnh về Thiên Cầm nghỉ dưỡng cũng rất đông.
Ông Hoàng Xuân Hướng, Trưởng ban quản lý Khu du lịch biển Thiên Cầm, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết: “Khu du lịch biển Thiên Cầm có 21 khách sạn, nhà nghỉ với công suất 820 phòng và 64 nhà hàng, ki ốt đều đang tấp nập khách trong thời điểm này.
Đa số khách khi quay lại với Thiên Cầm đều bày tỏ hài lòng với chất lượng các dịch vụ bởi trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi đã tập trung chỉnh trang cơ sở vật chất, đào tạo lại đội ngũ nhân lực để sẵn sàng đón khách.
Một số khách sạn như Sông La, Nhà nghỉ Bộ Công an đã được cải tạo, nâng cấp để đón khách. Đến thời điểm này, Khu du lịch biển Thiên Cầm đã đón gần 96.000 lượt khách, đạt doanh thu 67 tỷ đồng.”
Những năm gần đây, với sự đầu tư quảng bá du lịch, thông qua các hoạt động kết nối tour, tuyến của các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành, lượng khách về Hà Tĩnh ngày càng đông. Công ty cổ phần lữ hành Thành Sen (Thành Sen Travel) là một trong những đơn vị tiên phong hình thành các tour, tuyến đưa khách ngoại tỉnh và khách nước ngoài về tham quan Hà Tĩnh.
Anh Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc Công ty cổ phần lữ hành Thành Sen cho biết sau dịch COVID-19, công ty đã tung ra nhiều gói ưu đãi nhằm kích cầu du lịch với mức giảm lên đến 40% cho các sản phẩm dịch vụ. Nhờ đó đến nay, Thành Sen Travel đã đón gần 20 đoàn khách nội, ngoại tỉnh đến tham quan, du lịch Hà Tĩnh.
Khách hàng rất hài lòng với những sản phẩm mới như du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh mà chúng tôi mang đến. Trong đó, các tour nội tỉnh đang nhận được nhiều phản hồi tích cực như tour “Ngược dòng sông Ngàn Phố,” “Khám phá chùa Hương Tích,” “Khám phá Kỳ Anh, thưởng thức mực nhảy vũng Áng”…
Bà Võ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh chia sẻ: sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành du lịch Hà Tĩnh đã nghiêm túc nhìn nhận lại mình và tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ.
Mùa du lịch không còn dài nên thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào thị trường nội địa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, giá thành hợp lý để thu hút khách.
Với những nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh và ngành du lịch nói riêng, Hà Tĩnh sẽ biến những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thành tiền đề để địa phương “tỏa sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam, trở thành điểm đến “An toàn-Thân thiện-Hấp dẫn” cho du khách./.