Hà Tĩnh: Những đám cưới 'đặc biệt' thoát khỏi hiểm họa hôn nhân cận huyết thống

Đám cưới của họ được xem là những 'đám cưới đặc biệt' đã phá vỡ 'lệ làng' mở đầu cuộc cách mạng văn hóa để thoát khỏi hiểm họa hôn nhân cận huyết thống.

Đám cưới của Thanh Mai và Xuân Công

Đám cưới của Thanh Mai và Xuân Công

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, sự cản trở từ gia đình, cuối cùng bằng tình yêu chân thành và mãnh liệt, những cô gái, chàng trai người dân tộc Chứt đã có một kết thúc có hậu bằng những đám cưới với người ngoại tộc.

Những “đại hỷ” của đồng bào Chứt

Vào một ngày cuối tháng 11/2017, trong cái lạnh buốt giá đầu đông, tại bản Rào Tre, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), người dân địa phương này vui mừng chứng kiến thêm một “đám cưới lịch sử” giữa chàng rể người dân tộc Chứt và cô dâu người dân tộc Kinh được tổ chức. Đây là đám cưới thứ 5 của các bạn nam, nữ bản Rào Tre lấy người ngoại tộc trong 2 năm lại nay. Đám cưới tiếp tục mở ra niềm hy vọng đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống tại bản Rào Tre. Đó là đám cưới của cú rể Hồ Sỹ - con trai gia đình ông bà Hồ Sen ở bản Rào Tre (dân tộc Chứt) kết duyên cùng cô gái Nguyễn Thị Thành Vinh con gái một gia đình ở xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (dân tộc Kinh).

Theo lời kể của gia đình, sau một thời gian vào làm việc tại Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa (xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà), anh Hồ Sỹ quen biết với chị Thành Vinh, bước đầu hai bên gặp nhiều trắc trở nhưng cuối cùng đã đơm hoa kết trái. Nhận thấy tình cảm của đôi bạn trẻ là thật lòng, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng bản Giàng đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa trực tiếp động viên, thuyết phục gia đình để bạn được đến với nhau. Đám cưới do Tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên phòng bản Giàng phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Hương Liên tổ chức.

Những đám cưới đặc biệt góp phần xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống

Những đám cưới đặc biệt góp phần xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống

Trước đó, đám cưới của đôi bạn trẻ Nguyễn Đình Nhân (20 tuổi) người dân tộc Kinh và Hồ Thị Mỹ Duyên (20 tuổi) dân tộc Chứt cũng được tổ chức tại bản Rào Tre. Chuyện tình của đôi bạn cũng trải qua nhiều rào cản nhưng cuối cùng một đám cưới đặc biệt đã được tổ chức, trước sự vui mừng của chính quyền và người dân nơi đây. Đám cưới này đã tiếp thêm hy vọng, hạn chế tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt tại bản Rào Tre. Đám cưới chỉ là một bữa tiệc nhỏ nhưng đầy đủ, đúng theo nghi thức. Các chiến sĩ Biên phòng, người dân, chính quyền ai cũng cũng vui mừng trước sự việc hiếm có này. Đám cưới trên không chỉ là niềm vui riêng của các cô gái, chàng trai mà là thắng lợi bước đầu trong công cuộc chống hôn nhân cận huyết của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng và các ngành chức năng Hà Tĩnh.

Trước đó, vào năm 1991, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện và đưa nhóm người Chứt trong hang đá trên dãy Trường Sơn về định cư, lập nên bản Rào Tre. Sau 25 năm, từ 90 người Chứt được tìm thấy, không tên, không tuổi, được đưa về chia thành 18 hộ dân và đều mang họ Hồ. Từ trước tới nay, người dân nơi đây đã quen với cảnh “trai làng mình lấy gái làng mình, anh em chú bác lấy nhau” không lấy người ngoài. Những cuộc hôn nhân cận huyết, có quan hệ máu mủ không quá 3 đời đã khiến không ít người dân tộc Chứt phải “nếm trái đắng”, những đứa con vô tội sinh ra không chết non thì dị tật, cụt chân, cụt tay khiến dân tộc Chứt rơi vào tình trạng tuyệt dần nòi giống, tuy nhiên, để việc thay đổi nhận thức của đồng lại là một việc làm rất khó. Các chàng trai, cô gái trong bản rất ít khi được kết hôn với người ngoài.

Đám cưới của Đình Nhân và Mỹ Duyên

Đám cưới của Đình Nhân và Mỹ Duyên

Cặp đôi viết nên chuyện cổ tích giữa núi rừng

Đó là câu chuyện tình của Hồ Thanh Mai (23 tuổi) cũng là người con gái dân tộc Chứt và chàng trai Lê Xuân Công (23 tuổi), ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (người dân tộc Kinh). Cặp đôi này đã yêu nhau 4 năm, tuy vậy khoảng thời gian 4 năm yêu nhau đó cả hai gặp rất nhiều trắc trở nhưng cuối cùng đã có một kết thúc đẹp.

Công là con một trong gia đình, tuổi thơ gặp nhiều bất hạnh, cha mẹ ly hôn khi Công mới 2 tuổi. Hơn 20 năm, 2 mẹ con Công dựa vào nhau sống qua ngày. Năm 2009, Công lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ra quân, Công lại về quê sống với mẹ. Còn Mai là chị cả trong một gia đình có 4 chị em. Trong bản Rào Tre, Mai là một trong số thiếu nữ rất hiếm hoi được học cao. Mai học đến lớp 11 tại Trường Nội trú ở Hương Khê, sau đó về bản và trở thành “cô giáo” dạy chữ cho các em nhỏ trong bản của mình.

Đám cưới giữa Hồ Sỹ - ở bản Rào Tre và Thành Vinh (huyện Can Lộc)

Đám cưới giữa Hồ Sỹ - ở bản Rào Tre và Thành Vinh (huyện Can Lộc)

Năm 2011, trong một lần đi dự giao lưu Công tình cờ gặp Mai và kết bạn. Công cho biết: "Ban đầu, Mai ngại ngùng nhưng trò chuyện nhiều, cô ấy dần tin tưởng mình, bọn em đã yêu nhau sau gần một năm tìm hiểu dù có lúc bị phản đối. Khi tình yêu vừa được “nhen nhóm” thì chúng em lại phải xa nhau. Em phải vào miền Nam làm ăn, còn Mai tiếp tục ở lại bản…”. Tưởng rằng thời gian, khoảng cách sẽ đẩy 2 trái tim ra xa nhưng chính lúc này tình yêu mãnh liệt, chân thành của họ càng được minh chứng. "Mỗi năm bọn em chỉ gặp nhau được 1, 2 lần nhưng cả 2 đều tin tưởng nhau, quyết tâm vun đắp tình yêu…" - Công cho biết.

Khi biết con trai yêu một cô gái người Chứt, mẹ Công cùng một số người thân đã phản đối. "Mình là con trai một, người Chứt là tộc người nguyên sơ, từ trước tới giờ chưa có một người Kinh nào kết hôn với dân tộc Chứt. Bởi vậy, mọi người rất lo lắng khi biết mình yêu Mai", chàng trai 23 tuổi nhớ lại.

Sau những rào cản trong tình yêu và phản đối từ gia đình cuối cùng vào tháng 4/2015, hôn lễ của cặp đôi này cũng đã được tổ chức. Đám cưới rất đơn sơ chỉ là một bữa “tiệc ngọt” được tổ chức ngay tại bản Rào Tre. Không gian ấm cúng với sân khấu do Bộ đội Biên phòng Bản Giàng dựng. Cô dâu, chú rể có một ngày vui chỉ với trầu cau, bánh kẹo trong tiếng cười, lời ca của người dân trong bản và Bộ đội Biên Phòng.

Phan Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ngot-ngao/ha-tinh-nhung-dam-cuoi-dac-biet-thoat-khoi-hiem-hoa-hon-nhan-can-huyet-thong-372580.html