Hà Tĩnh sẵn sàng ứng phó bão số 3

Mặc dù thời tiết ở Hà Tĩnh vào sáng 21/7 tương đối thuận lợi, trời yên, biển lặng nhưng công tác phòng chống bão số 3 không vì thế mà chủ quan. Ngư dân, bà con vùng biển đã chủ động ứng phó với mưa bão suốt nhiều ngày qua.

Ngư dân ở cảng Cửa Sót (xã Lộc Hà, Hà Tĩnh) chủ động neo đậu tàu thuyền, gia cố tài sản để ứng phó với bão số 3. Ảnh Hạnh Nguyên.

Ngư dân ở cảng Cửa Sót (xã Lộc Hà, Hà Tĩnh) chủ động neo đậu tàu thuyền, gia cố tài sản để ứng phó với bão số 3. Ảnh Hạnh Nguyên.

Ghi nhận của PV tại cảng Cửa Sót (xã Lộc Hà, Hà Tĩnh), tất cả các hoạt động đánh bắt, buôn bán hải sản đã dừng lại, thay vào đó là việc sắp xếp trên cảng cá, neo đậu tàu thuyền. Bên trong âu tránh trú bão, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh tập trung neo đậu an toàn. Để bảo vệ tài sản của mình, ngư dân chằng néo cẩn thận tàu thuyền, gia cố ngư lưới cụ, căng bạt che chắn bảo vệ các vật dụng trên thuyền.

Tranh thủ lúc thời tiết yên bình, ngư dân Nguyễn Văn Lâm – chủ tàu cá NA 78486 TS (quê ở phường Quỳnh Mai, Nghệ An) sửa lại bộ tời của máy. “Nghe thông tin có bão nên tôi đã tấp thuyền vào đây đã 3 ngày. Tàu cũng chằng néo cẩn thận rồi nên tôi tận dụng thời gian rảnh để sửa lại máy móc. Hy vọng bão qua nhanh để ra khơi đánh bắt”, ngư dân Lâm nói.

Ngư dân Hà Tĩnh chủ động gia cố tàu thuyền để ứng phó với bão. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Ngư dân Hà Tĩnh chủ động gia cố tàu thuyền để ứng phó với bão. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Khu dân cư bên cạnh cảng cá Cửa Sót, sau khi cất đặt vật dụng để đề phòng mưa bão, người dân chăm chú vá lưới, đưa hải sản đông lạnh ra rã đông để cung ứng cho thị trường trong lúc biển động. Công tác ứng phó với bão số 3 được ngư dân địa phương chủ động thực hiện để tránh thiệt hại không đáng có.

Liên tiếp trong 2 ngày (19 và 21/7), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra công điện về việc khẩn trương ứng phó với bão số 3. Đến nay đã có 69/69 xã, phường đã thành lập ban chỉ huy PCTT và TKCN; 25/69 xã phường đã phê duyệt phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.

Ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: Thời điểm này, tất cả các chủ tàu thuyền trên địa bàn đã nhận được thông tin cảnh báo. Các hoạt động phòng chống bão số 3 được đơn vị triển khai đồng bộ, kịp thời.

Tại cảng Cửa Sót hiện có 262 tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Tại cảng Cửa Sót hiện có 262 tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Riêng các cảng cá, tổng cộng có 635 phương tiện tàu, thuyền nội và ngoại tỉnh đã neo đậu an toàn tại các âu thuyền trên địa bàn. Cụ thể: Cảng Cửa Sót 262 tàu, thuyền; Cảng Xuân Hội 42 tàu, thuyền; Cảng Cửa Nhượng 191 tàu, thuyền; Cảng Cửa khẩu Kỳ Hà 140 tàu, thuyền.

Thống kê của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh, tổng số tàu đang neo đậu tại các bến, bãi (không ra khơi) là 3.979 phương tiện với 10.979 lao động. Có 4 phương tiện/15 lao động đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về bão số 3.

Diện tích thủy sản đang nuôi khoảng 7.045 ha, trong đó diện tích nuôi ngọt 4.577 ha; diện tích nuôi mặn lợ 2.468 ha (nhuyễn thể 422 ha). Sản lượng chưa thu hoạch ước khoảng trên 5.000 tấn có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.

Các hoạt động đánh bắt, buôn bán hải sản trên cảng cá Cửa Sót đã dừng lại. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Các hoạt động đánh bắt, buôn bán hải sản trên cảng cá Cửa Sót đã dừng lại. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Hiện trên địa bàn tỉnh đang có 4 hồ chứa đang thi công (hồ Kẻ Gỗ, hồ Kim Sơn, đập Phú Tân, đập Khe Nải). Hiện tại mực nước các hồ chứa lớn đang ở mức trung bình; tuy nhiên đề phòng lượng mưa lớn bất thường có thể xảy ra, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa chủ động triển khai các biện pháp an toàn đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

30 hành khách và 4 thuyền viên chìm tàu du lịch ở biển Thiên Cầm đã được cứu hộ thành công, an toàn. Ảnh: BP.

30 hành khách và 4 thuyền viên chìm tàu du lịch ở biển Thiên Cầm đã được cứu hộ thành công, an toàn. Ảnh: BP.

Hiện tồn tại 4 trọng điểm đê điều xung yếu cần quan tâm (đê Hội Thống đoạn qua xã Đan Hải, đê Tả Nghèn đoạn qua xã Lộc Hà, đê Cẩm Nhượng xã Thiên Cầm, đê Hải Hà Thư đoạn qua xã Hải Ninh). UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai phương án bảo vệ trọng điểm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện để xử lý khi có sự cố xảy ra.

Âu tránh trú bão Kỳ Hà cũng đầy đủ tàu cá vào neo đậu. Ảnh: TS.

Âu tránh trú bão Kỳ Hà cũng đầy đủ tàu cá vào neo đậu. Ảnh: TS.

Trước đó, thống kê sơ bộ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh cho biết, dông lốc tối 19/7 khiến 2 người mất tích, trong đó có 1 thuyền viên (Hoàng Văn Minh, SN 1967, trú tại thôn Đông Tây, xã Cổ Đạm) và 1 người dân nghi tắm biển bị cuốn trôi (Lê Huy Chiến, SN 1987, trú tại phường Trần Phú). Hiện địa phương đang tổ chức lực lượng tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa tìm kiếm được.

Lực lượng phối hợp nỗ lực kéo thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm lên bờ. Ảnh Hạnh Nguyên.

Lực lượng phối hợp nỗ lực kéo thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm lên bờ. Ảnh Hạnh Nguyên.

Trận giông lốc trong đêm cũng khiến 58 tàu cá bị đánh chìm, trong đó 5 tàu chưa được kéo lên bờ. Đặc biệt, một tàu du lịch chở 30 hành khách và 4 thuyền viên bị chìm tại đảo Bớc (xã Thiên Cầm) đã được ứng cứu thành công, toàn bộ người trên tàu an toàn. Toàn tỉnh có 154 nhà dân và một dãy phòng học hai tầng bị tốc mái, nhiều ha hoa màu, cây cối gãy đổ, một số cột viễn thông và điện hư hỏng.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-tinh-san-sang-ung-pho-bao-so-3-10310824.html