Hạc Thành - TP Thanh Hóa hướng tới đô thị thông minh, giàu bản sắc
Với tầm nhìn chiến lược vượt thời gian, mùa xuân năm 1804, vua Gia Long ra chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hóa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa (nay là phường Thiệu Dương thuộc TP Thanh Hóa) về làng Thọ Hạc và gọi là Hạc Thành. Quyết định dời trấn thành của vua Gia Long đã mở ra 'con đường' vươn tới của vùng đất Hạc Thành.
Khu vực phía Đông TP Thanh Hóa được quy hoạch phát triển thành các đô thị, khu dịch vụ năng động. Ảnh: Lê Đồng
Vốn được hình thành trên nền văn minh của người Việt cổ ra đời và phát triển trải qua hàng chục vạn năm tại núi Đọ thuộc phường Thiệu Khánh, lại nằm ở trung tâm đồng bằng sông Mã, sông Chu, vùng đất Hạc Thành không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa, mà còn là “cầu nối” giữa khu vực Bắc bộ với Bắc Trung bộ. Theo dòng chảy của lịch sử, Hạc Thành đã nhiều lần được đổi tên, mở rộng địa giới hành chính qua các thời kỳ.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Thanh Hóa vẫn là một thị xã nhỏ bé và kết cấu hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ. Ðể phát huy và nâng cao vai trò, vị thế của trung tâm tỉnh lỵ của một tỉnh thuộc hàng lớn nhất cả nước, ngày 1/5/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 37/CP-TTg nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên TP Thanh Hóa với 15 phường, xã. Nối tiếp là Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 29/2/2012 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn và Quảng Xương để mở rộng địa giới hành chính thành phố và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa”.
Từ đây, “thành phố bên bờ sông Mã” liên tục được khoác “áo mới” và những người con xứ Thanh đi xa trở về đều không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay trên từng góc phố, con đường. Minh chứng cho bước đột phá về hạ tầng đô thị tạo nên dáng vóc của TP Thanh Hóa hiện hữu trên những tuyến đại lộ, các khu đô thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây mới hiện đại. Đó là Đại lộ Nguyễn Hoàng, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Nam sông Mã kết nối với thành phố biển Sầm Sơn, Đại lộ Đông - Tây, tuyến đường Đông - Tây, đường CSEPD... Hay các khu đô thị Vinhomes Star City Thanh Hóa, khu đô thị Eurowindow Garden City, với quần thể công trình nhà ở mang phong cách châu Âu trở thành nơi “đáng sống” của người dân xứ Thanh.
Quảng trường Lam Sơn TP Thanh Hóa. Ảnh: H.B
Hướng đến tương lai với khát vọng “bay cao, bay xa”, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định lộ trình chiến lược: Đến năm 2025, TP Thanh Hóa nằm trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước; đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Với tinh thần “thành phố vì cả tỉnh, cả tỉnh vì thành phố”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tiếp thêm xung lực để hiện thực hóa mục tiêu đưa TP Thanh Hóa trở thành “Thành phố hội tụ, kết nối phát triển”, ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Như Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân từng khẳng định: “Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra tầm nhìn mới và tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của TP Thanh Hóa trong tương lai”.
TP Thanh Hóa bằng việc kết hợp hài hòa, sáng tạo giữa các cơ chế, chính sách đặc thù mà tỉnh dành cho mình với việc khơi thông nguồn lực bên trong để xây dựng, kiến thiết thành phố thật sự xứng tầm là “trái tim” của cả tỉnh. Giai đoạn 2021-2023, tổng huy động vốn đầu tư cho phát triển của thành phố đạt 93.867 tỷ đồng, đạt 52,15% kế hoạch của nhiệm kỳ. Đặc biệt, Nghị quyết số 303/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về “Thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thanh Hóa", ví như “cú huých” tạo động lực mới cho kinh tế - xã hội TP Thanh Hóa phát triển. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của thành phố đạt 10,6%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 84,67 triệu đồng, cao hơn 14,67 triệu đồng so với năm 2020, gấp 1,53 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh. Những con số “biết nói” ấy như lời khẳng định TP Thanh Hóa luôn là “đầu tàu” kinh tế của quê hương Thanh Hóa.
Từ mốc son lịch sử mùa xuân năm 1804, trải qua 220 năm với bao thăng trầm, Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa ngày nay, luôn là vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi, truyền thống, ý chí, khát vọng của người dân xứ Thanh. Đó cũng là ngọn nguồn sức mạnh, thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố nói riêng và cả xứ Thanh nói chung cùng quyết tâm hành động xây dựng TP Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp CNH, HĐH; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Hơn thế là thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc.