Hai cuộc hôn nhân ảo của điệp viên 'Stasi'

Trong giới tình báo, ngay từ thời cổ đại, đã tồn tại cái gọi là hoạt động 'gián điệp tình yêu'. Bất kỳ cơ quan tình báo nào cũng luôn luôn đánh giá cao những điệp viên phù hợp với vai người tình quyến rũ.

Trong các cuốn hồi ký của mình, Markus Wolf, nhà lãnh đạo nổi tiếng của Bộ An ninh Quốc gia (Stasi) của Cộng hoàn Dân chủ Đức, giải thích rằng do hoàn cảnh, các điệp viên Đông Đức chủ yếu là nam giới trẻ, đẹp trai, thường độc thân. Họ được giao nhiệm vụ định cư tại các thành phố lớn của Tây Đức và thâm nhập vào các cơ quan quan trọng. Những bạn trẻ này không thể sống ẩn dật. Lối sống đó có thể khiến họ bị nghi ngờ. Vì lợi ích công việc, họ đã làm quen với các nữ thư ký và nhân viên tốc ký của các cơ quan quan trọng, thường là những phụ nữ độc thân, mặc dù giữ chức vụ nhỏ, nhưng họ vẫn được tiếp cận với những thông tin có tính chất mật, bởi vì vào thời kỳ đó, tất cả các tài liệu đều được đánh bằng máy chữ.

Nhà lãnh đạo nổi tiếng của “Stasi” - Markus Wolf.

Nhà lãnh đạo nổi tiếng của “Stasi” - Markus Wolf.

Cũng cần phải nói rằng đối với những “Juliette” đã phản bội nghĩa vụ của mình trước sự tấn công dữ dội của tình cảm, yếu tố tư tưởng không có ý nghĩa quan trọng. Các cô gái này chỉ phản bội vì tình yêu đối với người đàn ông “định mệnh”. Một số “Juliette” yêu cầu chính thức hóa tình cảm: “Hoặc anh kết hôn với em, hoặc anh sẽ không nhận được bất kỳ bí mật nào!”.

Sĩ quan tình báo của “Stasi” Herbert Schrotter, mật danh "Krantz", đã hai lần rơi vào tình huống như vậy. “Krantz” đến Paris dưới vỏ bọc một nhân viên chào hàng để săn tìm nữ thư ký. Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả. Vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều nhân viên trẻ của các bộ ở Tây Đức, chủ yếu là đại diện của phái đẹp, được cử đi thực tập tiếng Pháp tại các trường ở Paris.

Bầu không khí của “thành phố tình yêu”, cũng như những cám dỗ của cuộc sống tự do, đã khiến tâm hồn các cô trở nên lãng mạn, biến họ thành những con mồi ngon. “Săn lùng” những cô gái như vậy ở thủ đô Paris hoa lệ đơn giản hơn và thậm chí còn an toàn hơn so với ở Bonn cầu kỳ, kiểu cách, hoàn toàn “lộ liễu”. Herbert không được giới thiệu đối tượng cụ thể nào cho cuộc săn lùng tình yêu của mình.

Khi gặp cô Gerda Ostenrieder, 19 tuổi, ngay lập tức Herbert nhận ra rằng linh cảm của một điệp viên -người tình đã không phản bội anh. Quả đúng như vậy, Gerda đang được đào tạo để làm việc tại bộ phận mã hóa của Bộ Ngoại giao Tây Đức, nơi tất cả các công văn từ các đại sứ quán nước ngoài của Đức đổ về dưới dạng băng teletype. Một nguồn thông tin thật đáng mơ ước!

Mặc dù không sở hữu một nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, nhưng ở Gerda có cái gì đó rất dễ thương. Hơn nữa, cô vốn có thiên hướng ưa phiêu lưu mạo hiểm, và chỉ riêng điều này đã hứa hẹn một vụ tuyển mộ thành công. Nhưng điều quan trọng nhất là bản thân Gerda đã phải lòng Herbert ngay từ cái nhìn đầu tiên! Thân hình cao lớn, vạm vỡ, cá tính độc lập, nụ cười duyên dáng, dịu dàng nhưng cũng hơi vụng về - đó chính là hình mẫu người đàn ông lý tưởng mà cô hằng mong ước.

Các nhân viên trẻ, đẹp trai, độc thân của “Stasi”.

Các nhân viên trẻ, đẹp trai, độc thân của “Stasi”.

Sau khi tin tưởng chắc chắn rằng “cá đã cắn câu”, Herbert thú nhận với tình nhân rằng anh đang làm việc cho cơ quan tình báo của một nước láng giềng: “Liệu anh có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của em không, em yêu?”.

Không chút do dự, Gerda đồng ý: “Em sẵn sàng giúp anh từ A đến Z, anh yêu, nhưng chỉ với điều kiện anh phải trở thành người chồng hợp pháp của em!”.

Ồ, không gì có thể đơn giản hơn! Anh chỉ là một nhân viên tình báo, sống bằng giấy tờ giả. Họ đăng ký kết hôn theo đầy đủ phong tục ở Tây Đức và từ đó bắt đầu sống như một gia đình bình thường. Cuộc hôn nhân bình yên của họ kéo dài 8 năm, từ 1965 đến 1973. Nói rằng Gerda, người mang mật danh “Rita”, là trợ lý trung thành của chồng mình là chưa đủ. Cô mang hàng túi thông tin mật theo nghĩa đen của từ này ra khỏi cơ quan của mình. Tất nhiên là rất mạo hiểm, nhưng mọi thứ lại diễn ra tốt đẹp một cách đáng ngạc nhiên.

“Krantz” giờ đây quả là không còn thời gian để nghỉ ngơi, vì gần như suốt ngày đêm anh phải giải mã các tài liệu nhận được, chỉ thỉnh thoảng rời ra để làm “nghĩa vụ đàn ông” với người bạn đời chung thủy của mình.

Chỉ một lần duy nhất Gerda cảm thấy vô cùng lo lắng. Trong cơ quan của cô có một nữ nhân viên bị bắt với tội danh cung cấp thông tin mật cho người yêu của cô, một điệp viên KGB. Gerda chờ đợi mình sẽ bị kiểm tra, vạch mặt, còng tay. Nhưng chồng cô trấn an: Đừng lo lắng, em yêu, mọi việc sẽ ổn thôi!

Quả đúng như vậy. Sau khi chắc chắn rằng ở cơ quan, vẫn như xưa mình không bị nghi ngờ gì, Gerda lại bắt đầu cung cấp cho chồng các công văn ngoại giao. Và lại mang về những túi đầy. Không biết mối tình gián điệp này sẽ kéo dài bao lâu, nếu năm 1973, Gerda không bị điều động sang công tác tại Đại sứ quán Tây Đức ở Warsaw. Giữa “Stasi” và tình báo Ba Lan xảy ra một số xích mích, và “Kranz” không thể theo dõi vợ mình.

Một cặp tình nhân gián điệp.

Một cặp tình nhân gián điệp.

Không có sự hỗ trợ của một bàn tay đàn ông mạnh mẽ, Gerda trở nên buồn chán, rồi bắt đầu bị lương tâm dằn vặt, và cô tìm cách lãng quên trong rượu. Kết quả là cô đã lọt vào tầm ngắm của Cơ quan Tình báo Tây Đức (BND). Một hôm, tại quán bar, một người đồng hương, một nhà báo Tây Đức làm việc cho BND, đến ngồi cạnh cô. Sau khi bị chuốc say, rượu đã làm cho Gerda trở nên cởi mở và cô đã thú nhận tội lỗi của mình với anh ta. Người bạn mới nhận lời giúp đỡ cô sửa chữa sai lầm, nếu cô tự nguyện trở về tổ quốc và khai báo một cách thành khẩn.

Ngay tối hôm đó, Gerda gọi điện thoại cho Herbert: “Chúa ơi, em đã làm gì vậy, anh yêu! Em đã phản bội anh!”.

“Krantz” không chỉ chạy trốn trót lọt mà còn kịp thời thông báo cho người lãnh đạo của mình về trường hợp khẩn cấp. Dù sao, Wolf vẫn kịp thời đạt được thỏa thuận với tình báo Ba Lan. Khi hai điệp viên BND đưa Gerda lên máy bay, họ bị chặn lại. Gerda được mời cư trú chính trị ở Ba Lan.

Gerda suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu. Ở Tây Đức, cô bị kết án ba năm tù. Phiên tòa được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Những bức ảnh của “Kranz” cũng được đăng tải khắp nơi. Cuộc hôn nhân của họ bị coi là bất hợp pháp.

Tưởng như sau khi Herbert Schrotter “xuất hiện” ở Tây Đức, sự nghiệp nhà tình báo chuyên nghiệp của ông kết thúc vĩnh viễn. Nhưng Markus Wolf không quen lãng phí cán bộ của mình, nhất là những người giàu kinh nghiệm. Đã từng có thông lệ gửi các “Romeo” bị phát hiện sang các khu nghỉ dưỡng ở Bulgaria. Vấn đề là vào thời kỳ đó nhiều người Tây Đức thích đi nghỉ ở những bãi biển vàng của đất nước xã hội chủ nghĩa này. Dù dịch vụ ở đây có hơi kém, nhưng giá cả thấp hơn nhiều so với các nước Tây Âu, chưa nói đến thiên nhiên tuyệt vời.

Những quý bà độc thân từ Tây Đức thường đến đây để nghỉ ngơi đã lọt vào tầm ngắm của các nhân vật - người tình của “Stasi” vẫn thường xuyên túc trực ở khu nghỉ dưỡng này. Mùa hè năm 1976, Herbert cũng xuất hiện trên một bãi biển đông đúc ở ngoại ô thành phố Varna. Lần này, anh được giao một nhiệm vụ đơn giản hơn: chiếm được niềm tin của một “khách hàng” phù hợp, và sau đó “sang tên” cho một điệp viên khác “chưa bị lộ”.

Thành phố Varna trong những năm 1970.

Thành phố Varna trong những năm 1970.

Nhưng sự việc lại diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn bất ngờ. Nạn nhân tiếp theo của chàng “thợ săn” là người đẹp Dagmar Kelig-Scheffler, một cô gái Đức từng trải, đã qua tuổi tam tuần. Ngày nọ, trong phòng ngủ của cô, nhà tình báo nhìn thấy trên bàn một cuốn tạp chí từ ba năm trước, khiến anh cảm thấy lo lắng. Tranh thủ lúc Dagmar rời đi đâu đấy, anh vội vàng lướt qua cuốn tạp chí. Chiếm trọn một trang tạp chí là bài phóng sự về phiên tòa xét xử Gerda, nơi có đăng bức ảnh của anh.

Dagmar đã đọc bài báo chưa? Cũng có thể không phải ngẫu nhiên mà cô để cuốn tạp chí trên bàn? “Kranz” quyết định hành động ngay lập tức. Khi người phụ nữ quay lại, anh trò chuyện tâm tình với cô và thừa nhận rằng anh đang làm việc cho tình báo của CHDC Đức. “Krantz” hỏi thẳng liệu cô có sẵn sàng giúp đỡ anh không.

Có vẻ như “Kranz” đã quyết định đúng đắn. Im lặng một lúc lâu, Dagmar trả lời rằng cô không lên án nghề nghiệp của anh, nhưng cô không thể giúp anh kể cả khi cô muốn, vì cô không được tiếp cận bất kỳ tài liệu mật có giá trị nào.

“Đừng lo lắng” - anh nói. “Sẽ có những người ở Tây Đức giúp em làm việc đó”. “Em có thể đồng ý, nhưng chỉ với điều kiện chúng ta kết hôn. Việc đăng ký phải diễn ra tại CHDC Đức, để mọi chuyện không diễn ra như với cô gái bất hạnh kia”, - vừa nói Dagmar vừa hất đầu chỉ bức ảnh của Gerda trên cuốn tạp chí.

Chẳng bao lâu, họ đăng ký kết hôn tại một phòng hộ tịch ở Đông Berlin với tất cả các thủ tục - trao nhẫn, ký vào cuốn sổ đăng ký trong tiếng nhạc của Mendelssohn.

Chỉ có một điều Dagmar không nhận ra. Ngay sau khi cặp vợ chồng mới cưới rời khỏi “Lâu đài hạnh phúc”, trang giấy họ vừa ký đã được cẩn thận gỡ ra khỏi cuốn sổ. Dagmar được mang mật danh “Inga”, và không kịp nhận ra mình đã trở thành nhân viên của “Cục 211” thuộc Văn phòng Tổng thống Đức, cơ quan giám sát các vấn đề an ninh đối ngoại của Tây Đức.

Giờ đây, những bí mật quốc gia quan trọng nhất đã được chuyển qua bàn làm việc của cô, và các bản sao của chúng sớm được chuyển đến Đông Berlin. Cô phải sống ly thân với chồng, vì nếu cố tình xâm nhập vào lãnh thổ Tây Đức, Herbert sẽ bị bắt ngay lập tức. Nhưng họ thường gặp nhau ở Thụy Sĩ hoặc Áo, nơi Dagmar lái xe đến. Và vợ chồng Roger, những người định cư gần đó dưới vỏ bọc kiều dân Đức sẽ làm liên lạc cho cô.

Tuy nhiên, “mối tình gián điệp” này không kéo dài được lâu. Mùa xuân năm 1977, cơ quan phản gián Tây Đức đã theo dõi cặp vợ chồng Roger. Dagmar bị bắt vào ngày 4/5 cùng năm. Còn “Krantz” lại kịp thời cao chạy xa bay, và lần này có thể là mãi mãi.

Cả hai cuộc hôn nhân của anh đều chỉ là hư ảo.

Trần Hậu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/hai-cuoc-hon-nhan-ao-cua-diep-vien-stasi-i735592/