Hải Dương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Chiều 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Báo cáo tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, từ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đến Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập sớm và thường xuyên được kiện toàn theo quy định; Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới được thực hiện thường xuyên, sâu rộng, từ cán bộ huyện, thành phố cho tới lãnh đạo các xã, thôn, chi bộ, hợp tác xã. Công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Việc tổ chức triển khai được thực hiện sáng tạo, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, đã tạo thành phong trào rộng khắp.
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, toàn tỉnh Hải Dương đạt bình quân 6,7 tiêu chí/xã, xã đạt tiêu chí cao nhất là 14 tiêu chí; Thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn năm 2010: 14,2 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2010 là 12,2%.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Đến nay, 100% các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 43/178 xã đạt chuẩn nâng cao; 4 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2011 - 2021 tổng kinh phí để thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh là 58,4 nghìn tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách chỉ chiếm 20,1%, còn lại là nguồn vốn đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của doanh nghiệp.
Về công tác lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, đến hết năm 2015, 100% các xã trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; 12/12 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành tiêu chí quy hoạch.
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, ngày càng đồng bộ, khang trang. Nhiều tuyến đường đã có đầy đủ vỉa hè, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông… đảm bảo đạt chuẩn, nhiều nơi vượt chuẩn. Hiện 100% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh được tưới chủ động; Hầu hết các huyện, thành phố, thị xã có áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.
Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS trong tỉnh đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ xã có đủ cơ sở vật chất văn hóa tăng nhanh. Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đã có bước phát triển cả về số lượng và quy mô. Hạ tầng viễn thông được đầu tư phát triển rộng khắp đến các thôn, xã trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực, hiện toàn tỉnh đã có 234 sản phẩm OCOP được chứng nhận. Các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai có hiệu quả và được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Nhiều tiêu chí về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non đạt cao, vượt trội so với toàn quốc; thành tích học sinh giỏi quốc gia trong tốp đầu cả nước. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường; cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh tiếp tục được đầu tư, áp dụng. Chất lượng các dịch vụ hành chính công được nâng cao; hệ thống chính trị ở cấp xã và các khu dân cư thường xuyên được củng cố, kiện toàn.
Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao (dự kiến 107 xã); 20% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu (dự kiến 36 xã); 3 huyện đạt chuẩn nâng cao; năm 2025 thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt ít nhất từ 76 - 80 triệu đồng/người/năm...
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Thủ tướng chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả trong xây dựng nông thôn mới mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã đạt được.
Để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045.
Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, kết liên xã, liên huyện; nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, đổi mới tư duy, chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; phát triển mạnh sản phẩm OCOP.
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; bảo đảm an ninh và trật tự xã hội. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ hỗ trợ...
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, đón nhận quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là vinh dự, là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài; là quá trình thường xuyên và liên tục, Hải Dương sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu quyết tâm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng được nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.