Hải Dương khai hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc
Ngày 13/2, tại khu di tích Côn Sơn (Chí Linh), tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ khai hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc; tưởng niệm 691 năm Ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334-2025); kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn và phát động Tết trồng cây.
![Các đại biểu dâng hương, dâng hoa tại chùa Côn Sơn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_14_51465062/ace261ba51f4b8aae1e5.jpg)
Các đại biểu dâng hương, dâng hoa tại chùa Côn Sơn.
Dự Lễ, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Mở đầu Lễ khai mạc là hoạt cảnh “Hải Dương in dấu chân Người” tái hiện lại câu chuyện Bác Hồ về thăm Côn Sơn ngày 15/2/1965. Hoạt cảnh có thời lượng 30 phút, với sự tham gia của hơn 60 diễn viên Nhà hát Chèo và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương.
Đây là một nội dung có ý nghĩa được xây dựng kịch bản, biên tập dàn dựng và tập luyện công phu tri ân tình cảm của Bác Hồ dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương nhân kỷ niệm 60 năm Người về thăm Côn Sơn.
Sau diễn văn khai hội, các đại biểu dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nơi trong nước thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị Tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm.
Những năm cuối đời, Huyền Quang về trụ trì tại chùa Côn Sơn, xây dựng tòa Cửu phẩm liên hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Hằng năm, ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn. Từ đó, di tích Côn Sơn luôn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo xứ Đông xưa.
![Hoạt cảnh Côn Sơn in dấu chân Người.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_14_51465062/be2061785136b868e127.jpg)
Hoạt cảnh Côn Sơn in dấu chân Người.
Tiếp đó, tại khuôn viên tam quan nội chùa Côn Sơn, Ban tổ chức Lễ hội giới thiệu với nhân dân và du khách tình cảm của Bác Hồ khi Người về thăm Hải Dương và thăm Côn Sơn cách đây 60 năm.
Thông qua trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân Người” giới thiệu với du khách 60 ảnh tư liệu về 5 lần Bác Hồ về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương và 55 ảnh tư liệu giới thiệu tóm tắt về quê hương, gia đình, thời thơ ấu của Bác, những dấu mốc chính trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời quảng bá hình ảnh, giá trị của di tích Côn Sơn trong quá trình UNESCO đang xem xét công nhận quần thể di tích “Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc” là di sản thế giới.
Trong ngày khai hội tại Khu di tích chùa Côn Sơn còn diễn ra nhiều hoạt động nổi bật như: Khai mạc Tuần văn hóa du lịch và xúc tiến thương mại, Giải cờ tướng, Giải vật dân tộc cùng nhiều trò chơi dân gian giàu bản sắc văn hóa.