Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Thời gian qua, khái niệm 'công nghiệp văn hóa' được nói đến nhiều. Điều đó còn thu hút dư luận hơn khi Hà Nội có chủ trương di dời nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực trung tâm. Nhiều người hy vọng rằng những diện tích đất quý đó sẽ được dành để xây dựng các công viên văn hóa sáng tạo.
Kể từ khi Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (ngày 8/9/2016), công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới.
Số liệu của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công bố tại Hội nghị đánh giá sau 5 năm triển khai, 12 ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. 12 lĩnh vực gồm: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.
Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, con đường mang tên “công nghiệp văn hóa” vẫn còn không ít điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Chiến lược phát triển CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu, đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP. Nói như PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) thì nếu đã có tầm nhìn và có quyết tâm rồi thì cần phải có cấu trúc ngành nghề. Phải hình thành mô hình “3 nhà”: nhà đầu tư - nhà nước - và nhà sáng tạo, thì mới tạo ra được sự chuyển động.
Còn theo TS Lư Thị Thanh Lê (Đại học quốc gia Hà Nội), để phát triển CNVH phải thay đổi nhận thức từ đó thay đổi hành động. “Ví dụ TP Hà Nội tổ chức thường niên “Lễ hội thiết kế sáng tạo” với chuỗi các sự kiện, ở đó người dân được thưởng thức văn hóa nghệ thuật, được trải nghiệm hoạt động văn hóa, được chiêm ngưỡng và mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từ đó hình dung được CNVH, tức là thúc đẩy nâng cao nhận thức về CNVH bằng những sự kiện, sản phẩm cụ thể” - theo bà Lê.
Hà Nội cũng chính là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó mục tiêu đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thủ đô.
Trở lại với việc quỹ đất Hà Nội có được sau khi một số cơ sở công nghiệp được di dời (hay dừng hẳn hoạt động), có nên dành để xây dựng CNVH hay không? hay là để phục vụ các công trình công cộng, hoặc xây chung cư thương mại.
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, các công trình, cơ sở công nghiệp minh chứng cho quá trình phát triển đô thị, cũng có thể dành để tổ chức các không gian văn hóa sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn cần hết sức cẩn trọng.
Ông Nghiêm nhấn mạnh, Hà Nội là một trong mười hai thành phố trên thế giới có lịch sử phát triển liên tục suốt hàng ngàn năm, việc quy hoạch đô thị, chuyển đổi chức năng các công trình hạ tầng trên địa bàn càng cần phải thận trọng. Nguyên tắc là bảo tồn văn hóa nhưng vẫn không kìm hãm phát triển, đáp ứng các hạ tầng quan trọng để ngày càng nâng cao chất lượng sống của người dân.
“Nội thành Hà Nội có hơn 160 cơ sở công nghiệp nhưng trong quá trình phát triển đô thị những năm vừa qua, gần 90 địa điểm đã bị phá hủy hoặc thay đổi chức năng. Vừa rồi, Hà Nội đã có phương án khai thác lại một số công trình nhằm phục vụ cho CNVH và được dư luận hoan nghênh” - ông Nghiêm nói đồng thời lưu ý cơ quan quản lý cần có tầm nhìn dài hạn: một mặt đưa ra phương án bảo tồn kết hợp khai thác một số công trình, cơ sở công nghiệp cũ thành các không gian sáng tạo văn hóa; mặt khác, quy hoạch và phát triển các công trình nhằm đáp ứng và nâng cao chất lượng sống của người dân sở tại như không gian xanh, vườn hoa, sân chơi, công viên…
Không chỉ là các nhà máy di dời, KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng nêu ý kiến về khái niệm bảo tồn di sản, mà cụ thể là đối với khu phố cổ Hà Nội. Theo ông Nghiêm, các chuyên gia trong nước đưa ra khoảng 1.200 công trình nhà ở có giá trị, nhưng phía chuyên gia Nhật Bản chỉ lựa chọn hơn 500 cái. Chuyên gia Italy cũng có con số lựa chọn khác. “Đối với đô thị có quá trình phát triển lịch sử hàng ngàn năm, vấn đề là phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn phát triển và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Có như vậy, các đô thị này mới đạt tới mức phát triển bền vững” - ông Nghiêm nói.
Về việc ứng xử với cầu Long Biên, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, tại một cuộc hội thảo, chuyên gia trong và ngoài nước đều ủng hộ việc biến cầu Long Biên trở thành một cầu đi bộ, khai thác không gian trên cầu như một bảo tàng sống. Trục cảnh quan cầu Long Biên sẽ kết nối giữa cây cầu này với các không gian vườn hoa, công viên cây xanh, văn hóa, nghệ thuật bãi giữa sông Hồng. Ở phía bên kia, từ cầu Long Biên đi vào không gian văn hóa kết hợp thương mại ở phố cổ: chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào… Ông Chính cũng cho rằng đối với các công trình kiến trúc, cơ sở công nghiệp tương tự Tháp nước Hàng Đậu hay Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tùy từng trường hợp cụ thể mà đưa ra phương án bảo tồn phù hợp, thay vì dỡ chúng đi. Đó là những không gian giúp bảo tồn ký ức của Hà Nội.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hai-hoa-giua-bao-ton-va-phat-trien-10268959.html