Hài hòa lợi ích để đạt mục tiêu kép
Tuần qua, khi thảo luận tổ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các ĐBQH nhấn mạnh yêu cầu hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đây là bài toán khó nhưng phải giải cho được để đạt mục tiêu kép: kiểm soát tiêu dùng và tạo nguồn thu ngân sách mà không làm tổn hại đến doanh nghiệp, người dân, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ quan trọng để Nhà nước kiểm soát các hành vi tiêu dùng có hại cho sức khỏe, môi trường hoặc mang tính xa xỉ. Tuy nhiên, việc sửa đổi chính sách thuế này luôn đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong việc hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Bởi lẽ, trong khi Nhà nước mong muốn tăng nguồn thu ngân sách và đạt các mục tiêu xã hội như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tác động môi trường thì doanh nghiệp cần mức thuế phù hợp để duy trì khả năng cạnh tranh, ổn định sản xuất kinh doanh. Người dân, với vai trò là người tiêu dùng cuối cùng, lại mong rằng có thể tiếp cận sản phẩm với giá cả hợp lý mà không bị ảnh hưởng quá lớn từ chính sách thuế. Cân bằng các lợi ích khác biệt này là yêu cầu các ĐBQH đặt ra nhưng không dễ giải quyết.
Câu chuyện xe bán tải và điều hòa nhiệt độ
Một trong những vấn đề gây tranh luận trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này là đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe bán tải (pick-up). Theo đề xuất, thuế suất của dòng xe này sẽ tăng lên 60% so với mức áp dụng cho xe chở người 9 chỗ trở xuống có cùng dung tích xi-lanh. Mục tiêu của chính sách là điều chỉnh hành vi tiêu dùng và bảo đảm công bằng thuế giữa các dòng xe. Xe bán tải có kích thước lớn và mức xả thải tương đương xe con, nhưng lại đang chịu thuế suất thấp hơn.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tổ vừa qua, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) nhấn mạnh rằng, xe bán tải chủ yếu được sử dụng cho mục đích sản xuất, đặc biệt ở khu vực nông thôn, nên không phù hợp để chịu thuế tiêu thụ đặc biệt - một loại thuế vốn dùng để điều chỉnh tiêu dùng. Ông cũng cảnh báo, tăng thuế có thể đẩy giá xe lên cao, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ lẻ và người lao động phụ thuộc vào loại phương tiện này.
Còn theo báo cáo của KPMG, (một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nếu áp dụng chính sách tăng thuế từ năm 2026, ngân sách trong giai đoạn 2026 - 2030 có thể giảm hơn 7,6 nghìn tỷ đồng do thị trường ô tô suy giảm 36%. Hơn nữa, doanh nghiệp lắp ráp xe bán tải trong nước có thể phải thu hẹp đầu tư hoặc dừng sản xuất, dẫn đến mất hàng nghìn việc làm. Đó là chưa tính tới khả năng các nhà đầu tư khác có thể ngần ngại xây dựng nhà máy tại Việt Nam, làm giảm cơ hội việc làm và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Tương tự, phiên thảo luận tổ đã “nóng lên” với việc dự thảo Luật đề xuất áp thuế với “máy lạnh”. Cách đây hàng chục năm, máy điều hòa nhiệt độ đúng là hàng xa xỉ nhưng giờ đã trở thành vật dụng sinh hoạt phổ biến. Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào danh mục hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt? Nhiều đại biểu chung nỗi băn khoăn như vậy với ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) và cho rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ là không hợp lý, thay vào đó có thể xem xét áp thuế bảo vệ môi trường.
Những quan ngại về thuế rượu, bia
Với mặt hàng bia rượu, một số ĐBQH ủng hộ tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng cũng đề nghị cân nhắc thêm tác động tiêu cực tiềm ẩn.
ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết 63% lượng tiêu thụ rượu tại Việt Nam là từ đồ uống có cồn phi chính thức, không qua quản lý. Giá thành của rượu phi chính thức thường thấp, mức độ gây hại nghiêm trọng hơn so với rượu được quản lý hợp pháp. Trong bối cảnh như vậy, nếu tăng thuế quá cao có thể tạo cơ hội cho sản phẩm nhập lậu, hàng giả gia tăng, đồng thời người tiêu dùng, nhất là người thu nhập thấp, sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm lậu có giá rẻ hơn. Kéo theo đó là áp lực lên các cơ quan quản lý thị trường và ngành y tế để giải quyết những hệ lụy do dùng rượu lậu, rượu tự chế.
Một khía cạnh nữa được các đại biểu đề cập, đó là các doanh nghiệp rượu bia đã đóng góp lớn cho ngân sách và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn, có nhà máy đã phải đóng cửa. ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) lo ngại việc tăng thuế đột ngột có thể khiến doanh nghiệp không kịp điều chỉnh công suất, dẫn đến giảm sản lượng và tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động. Do đó, cần có lộ trình tăng thuế phù hợp để hạn chế tối đa những xáo trộn này.
Đặc biệt, việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, mà còn lan tỏa tới các ngành phụ trợ và chuỗi cung ứng. ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho biết, ngành rượu bia liên quan mật thiết đến sản xuất bao bì, vận chuyển, du lịch và ẩm thực. Chính sách tăng thuế nếu không tính toán hợp lý có thể làm giảm cầu đối với các ngành này, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế.
Cần lộ trình hợp lý và tham vấn đa chiều
Tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Chắc chắn câu chuyện hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sẽ được đặt ra, bởi đây là yêu cầu bắt buộc để đạt được mục tiêu kép: kiểm soát tiêu dùng và tạo nguồn thu ngân sách mà không làm tổn hại đến doanh nghiệp, người dân, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Để tìm được điểm cân bằng về lợi ích giữa các bên cả trong ngắn hạn và dài hạn, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá tác động toàn diện. Trong đó, phân tích kỹ lưỡng bằng phương pháp định lượng để xác định mức thuế hợp lý, tránh gây áp lực quá lớn lên doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, xây dựng lộ trình rõ ràng và phù hợp, tốt nhất là áp dụng dần dần để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thời gian thích nghi.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều quốc gia cũng đưa ra lộ trình thực hiện để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với năm kế hoạch tài chính của doanh nghiệp và kỳ tính thuế thu nộp ngân sách nhà nước", ĐBQH Tạ Thị Yên cho biết.
Đặc biệt, trong tiến trình hoàn thiện dự thảo Luật để xem xét thông qua vào Kỳ họp tháng 5.2024, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục duy trì tham vấn ý kiến đa chiều: thu thập ý kiến từ các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp, người dân và các chuyên gia kinh tế, để xây dựng được mức thuế và lộ trình áp dụng hợp lý, khả thi.
Không chỉ là một thách thức, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt còn là cơ hội để xây dựng chính sách công bằng và bền vững hơn. Với sự cân nhắc kỹ lưỡng và cách tiếp cận toàn diện, bài toán khó này hoàn toàn có thể được giải quyết, mang lại lợi ích lâu dài cho cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.