Hài hòa trong bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên phạm tội và người chưa thành niên bị hại

Thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu thuộc Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương) nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, tuy nhiên, đề nghị cần rà soát, bảo đảm hài hòa giữa việc bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên vi phạm pháp luật với người chưa thành niên là người bị hại trong vụ án hình sự.

Cho ý kiến về chính sách hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu rõ, về hỗ trợ pháp lý, hiện nay, Luật Trợ giúp pháp lý đang quy định những nạn nhân bị mua bán trở về phải là những người khó khăn về mặt hành chính thì mới hỗ trợ và trợ giúp pháp lý.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý vì nạn nhân có những người bị mua bán rời xa Tổ quốc nhiều năm, rất khó khăn trong việc yêu cầu họ chứng minh bản thân thuộc đối tượng khó khăn tài chính, diện hộ nghèo. Vì vậy, đại biểu đề nghị, nên quy định chỉ cần là nạn nhân bị mua bán trở về và đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là nạn nhân thì được trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, những nạn nhân mua bán người trở về sinh sống ở địa phương thì họ cũng rất cần những giấy tờ về mặt pháp lý, xác định nhân thân, thậm chí là các thủ tục khác để đi tìm việc làm, cho con của họ được đi học... Do đó, những trợ giúp về mặt pháp lý ban đầu của Nhà nước đối với họ là rất quan trọng.

Ngoài ra về hỗ trợ vay vốn, Nhà nước cũng có chính sách rất nhân đạo, đó là hỗ trợ vay vốn cho những nạn nhân bị mua bán trở về. Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật, họ phải nằm trong diện đối tượng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng: đã là nạn nhân mua bán người là đối tượng cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để chính sách này phát huy tác dụng trên thực tế.

Quang cảnh thảo luận Tổ 19

Quang cảnh thảo luận Tổ 19

Về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đánh giá, đây là sáng kiến pháp luật rất hay và ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đại biểu khẳng định, Đảng, Nhà nước ta và mọi thành viên trong xã hội đều quan tâm đến trẻ em, trẻ em là tương lai của đất nước. Khi trẻ em là bị hại trong các vụ án hình sự hay là những người phạm tội trong vụ án hình sự thì đều cần phải được quan tâm.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là đối với người chưa thành niên trong các vụ án hình sự. Lĩnh vực dân sự, kinh tế không điều chỉnh trong dự án Luật này. Đồng thời nhất trí với mục đích, quan điểm chỉ đạo như đã nêu trong Tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, trong quan điểm chỉ đạo cũng phải bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa việc bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên vi phạm pháp luật với người chưa thành niên là người bị hại trong vụ án hình sự; cũng như phải bảo vệ trật tự an toàn xã hội nói chung. Không nên thiên về quá bảo vệ cho người chưa thành niên phạm tội mà lơ là việc bảo vệ người chưa thành niên bị hại.

ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) phát biểu

ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) phát biểu

Cũng đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) đề nghị, nếu đã quy định chỉ trong lĩnh vực hình sự thì nên chăng rà soát xem xét điều chỉnh tên của dự án Luật thành “Luật Tư pháp hình sự người chưa thành niên” vì tư pháp nói chung không chỉ bao gồm hình sự.

Tin và ảnh: Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hai-hoa-trong-bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-va-nguoi-chua-thanh-nien-bi-hai-i374970/