Hai khâu đột phá - hai mũi giáp công xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, hiện đại - Bài 3: Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc về đích (tiếp theo và hết)
Những thành tích, kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện hai khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nâng cao tiềm lực CNQP quốc gia theo hướng 'Chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại'.
Từ những kết quả trên, cũng là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng trong Tổng cục CNQP tiếp tục xác định các nội dung tập trung đột phá trong lãnh đạo xây dựng và phát triển ngành CNQP Việt Nam đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
“Trái ngọt” qua những con số
Đến Nhà máy Z173 (tên giao dịch là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà), chúng tôi bắt gặp không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp của cán bộ, nhân viên, người lao động đơn vị từ trong các phòng nghiên cứu, kế hoạch đến các nhà xưởng, khu sản xuất ngoài trời. Ai cũng say sưa, nghiêm túc, tập trung cao độ vào công việc chuyên môn.
Đại tá Trần Thế Sơn, Bí thư Đảng ủy nhà máy, Chủ tịch công ty chia sẻ về nội dung Đảng ủy Nhà máy Z173 lãnh đạo thực hiện 2 khâu đột phá của Đảng ủy Tổng cục CNQP với nhiều tâm huyết, coi đây là “cẩm nang” quan trọng để tháo gỡ những trì trệ, thiếu hiệu quả trước đây, tập trung vào những mục tiêu căn cơ xây dựng “con tàu” Z173 tăng tốc, băng băng lao về phía trước. “Chỉ trong thời gian ngắn triển khai thực hiện, chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp của Nhà máy Z173 đã được nâng lên rõ rệt”, Đại tá Trần Thế Sơn khẳng định.

Quang cảnh làm việc của người lao động Nhà máy Z173.
Làm việc tại Nhà máy Z131 (tên giao dịch là Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31), chúng tôi được Đại tá Hoàng Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy Nhà máy Z131, Chủ tịch Công ty hào hứng chia sẻ: “Nhà máy Z131 là một trong những đơn vị đầu tiên trong tổng cục áp dụng phương pháp trả lương 3P (trả lương theo vị trí công việc, năng lực và kết quả hoàn thành nhiệm vụ). Hiện nay, 100% các văn bản không mật của nhà máy được duyệt, ký điện tử; các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động được áp dụng phần mềm quản lý.
Từ năm 2021 đến nay, nhà máy đã chủ trì thực hiện 31 đề tài, nhiệm vụ sản xuất loạt “O” các cấp và 18 đề tài phối hợp với các viện, đơn vị ngoài tổng cục, trong đó, có nhiều đề tài, nhiệm vụ được đánh giá xuất sắc, đã được ứng dụng vào thực tiễn. Nhà máy đã nghiên cứu, chế thử phát triển nhiều sản phẩm mới, đưa vào sản xuất được 8 sản phẩm quốc phòng, 11 sản phẩm kinh tế, tạo tiền đề cho sản xuất quốc phòng, kinh tế trong thời gian tới. Nhờ thực hiện tốt các khâu đột phá trên, trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Nhà máy Z131 đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm mức tăng trưởng khá và có hiệu quả kinh tế cao.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện 2 khâu đột phá, Tổng cục CNQP đã giảm 401 lao động gián tiếp, giảm 774 lao động phục vụ, bổ trợ; tích cực, chủ động xây dựng, trình phê duyệt, ban hành 428 bộ định mức kinh tế kỹ thuật, 369 bộ tài liệu thiết kế sản phẩm quốc phòng, 46 bộ tài liệu thiết kế tự chế tạo, 288 bộ tài liệu công nghệ và 22 bộ chỉ tiêu chất lượng vật tư đầu vào, làm cơ sở bảo đảm kỹ thuật, công nghệ cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng và kinh tế. Duy trì tốt năng lực kiểm định, thông số kỹ thuật các vũ khí, trang bị phục vụ công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí; bảo quản, bảo dưỡng, quản lý chặt chẽ, hiệu quả 95 dây chuyền sản xuất quốc phòng và hơn 40 dây chuyền sản xuất kinh tế với 24.141 thiết bị.

Thực hiện các khâu đột phá, Nhà máy Z121 đã tích cực điều chuyển lao động giữa các bộ phận, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. (Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp 1 chăm chú thực hiện khâu buộc thuốc cho sản phẩm liều phóng B41M).
Tổng cục đã sản xuất, sửa chữa 141 chủng loại sản phẩm từ các nguồn ngân sách và 45 sản phẩm loạt “0” từ ngân sách quốc phòng thường xuyên; tổng trị giá hơn 36,3 nghìn tỷ đồng, tăng 353% so với nhiệm kỳ 2015-2020; tích cực chỉ đạo sản xuất các loại trang bị, vật tư kỹ thuật (nhóm 2) cho các đơn vị trong Quân đội, Bộ Công an và các lực lượng thực thi pháp luật; tổ chức thi công đóng mới 136 tàu, xuồng quân sự; sửa chữa và bảo đảm kỹ thuật cho 380 lượt tàu quân sự (trong đó có 15 lượt tàu P và 150 lượt tàu chiến đấu). Cùng với đó, đã sản xuất và sửa chữa hàng nghìn sản phẩm gồm đạn dược, súng, khí tài và các trang bị khác.
Theo Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, qua thực hiện 2 khâu đột phá, đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, giúp các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), tạo được uy tín, vị thế trên thị trường cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhờ một phần kết quả của 2 khâu đột phá trên, hiện nay, ngành CNQP trong nước đã sản xuất, sửa chữa được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược để trang bị cho các quân, binh chủng; làm chủ công nghệ sản xuất một số loại vũ khí hỏa lực mạnh có điều khiển, vũ khí công nghệ cao, vũ khí bộ binh thế hệ mới; đóng mới các tàu quân sự hiện đại; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được hầu hết các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật. CNQP Việt Nam hiện nay đã làm chủ nhiều công nghệ nền, công nghệ lõi, chủ động sản xuất nhiều chủng loại vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị, nâng cao khả năng tự chủ bảo đảm vật tư trong nước, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu, góp phần quan trọng để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại.
Làm sâu hơn các đột phá
Quá trình khảo sát tại một số cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục CNQP, chúng tôi nhận thấy, các nội dung của 2 đột phá luôn được các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục xác định làm sâu sắc hơn, mở rộng nội dung. Điển hình như, đối với Nhà máy Z131, Đảng bộ nhà máy bổ sung thêm nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhà máy có uy tín trên thị trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, có ý nghĩa chiến lược và hàm lượng công nghệ cao góp phần hiện đại hóa Quân đội; đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm EME31 trở thành thương hiệu mạnh quốc gia; tạo chuyển biến mới về quản trị doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số và cải cách hành chính trong các hoạt động; xây dựng tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh.

Hệ thống gia công cơ khí hiện đại vừa được Nhà máy Z131 đầu tư, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, kinh tế.
Còn đối với Nhà máy Z173, Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 của Đảng bộ nhà máy xác định quán triệt sâu sắc các khâu đột phá do cấp trên xác định, nhà máy tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Phát triển sản xuất kinh tế, tăng tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm mới; nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật, công nghệ và vật tư. Trong đó, theo Đại tá Trần Thế Sơn, đối với khâu đột phá “Nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật, công nghệ và vật tư”, Đảng ủy Nhà máy Z173 sẽ thực hiện phương châm “đi trước-chính xác-hiệu quả” trong công tác kỹ thuật, công nghệ. Chủ động xây dựng quy trình công nghệ cho các dự án; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực đóng tàu; đầu tư thiết bị, phần mềm thiết kế hiện đại; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật…
Ngay từ năm 2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16-7-2011, về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” xác định, đưa công nghiệp quốc phòng thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng thành bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại…
Ngày 26-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, trong đó, xác định xây dựng nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; CNQP phải làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa… Điều này vừa khẳng định vai trò quan trọng đặc biệt của lĩnh vực CNQP đối với sự lớn mạnh, phát triển của Quân đội nói riêng, đất nước nói chung, đồng thời, cũng đặt lên vai Tổng cục CNQP những trọng trách hết sức nặng nề.
Trước “sứ mệnh lịch sử” mới, theo Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy tổng cục xác định sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, luật, kết luận, chương trình, đề án của cấp trên về CNQP, nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW và mới đây nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 3488-NQ/QUTW ngày 29-1-2025 của Quân ủy Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia… Tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược quản lý Nhà nước về CNQP; phát triển đồng bộ, hiệu quả tiềm lực CNQP, tập trung triển khai các đề án, dự án; đẩy mạnh đột phá và phát triển khoa học công nghệ (KHCN); chú trọng phát triển sản xuất quốc phòng, đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu…
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục CNQP, trên cơ sở 2 khâu đột phá của nhiệm kỳ trước đã xác định, Đảng ủy Tổng cục CNQP sẽ có sự bổ sung, phát triển thêm. Trong đó, tập trung đột phá mạnh mẽ vào tổ chức lực lượng; sắp xếp, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; quyết liệt thực hiện chuyển đổi số và cải cách hành chính trong tổng cục. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển KHCN, đổi mới, sáng tạo; tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất VKTBKT mới, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược, góp phần hiện đại hóa Quân đội; nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu. Mục tiêu là, trong giai đoạn 2025-2030 sẽ tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất thành công nhiều chủng loại VKTBKT mới, hiện đại; đề xuất mở mới từ 6 đến 8 chương trình, đề án, dự án KHCN…
Những thành tựu, kết quả nổi bật của ngành CNQP nói chung, Tổng cục CNQP nói riêng, nhất là trong thực hiện hai khâu đột phá đã được thể hiện rõ nét, sinh động. Nhiệm kỳ mới 2025-2030 đặt ra cho Tổng cục CNQP nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Chúng tôi tin tưởng rằng, từ những kết quả đạt được trong thực hiện 2 khâu đột phá, Đảng ủy Tổng cục CNQP đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý, từ đó, tiếp tục đề ra phương hướng, mục tiêu, các khâu đột phá phù hợp, đúng đắn để lãnh đạo toàn tổng cục hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó, xây dựng Tổng cục CNQP vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, góp phần xây dựng ngành CNQP ngày càng phát triển, lớn mạnh, đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát huy truyền thống anh hùng, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X các định, thời gian tới Tổng cục CNQP tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược quản lý Nhà nước về CNQP; phát triển đồng bộ, hiệu quả tiềm lực CNQP, tập trung triển khai các đề án, dự án, quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, có tổng công trình sư CNQP; xây dựng tổng cục vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, làm nòng cốt phát triển nền CNQP theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP)
Bài và ảnh: THẮNG HÀ - CÔNG CHIỂN