Hai luồng ý kiến về 'thuế cho phân bón'

ĐBQH đề nghị đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như đánh giá tác động từ phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu xoay quanh về quy định mức thuế từ 0% lên 5% đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất, trong đó có phân bón.

Về quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với phân bón, ĐB Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết. Do đó cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc dự thảo Luật chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Lý giải cho việc nên chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 0% như trước đây, ông Tú cho rằng, phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này.

Ông Tú cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều mặt, đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như đánh giá tác động từ phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Trần Anh Tuấn phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Cùng chung nỗi lo đó, theo ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) việc đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo Luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Từ đó ông Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình. Nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo Luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá, mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.

ĐB Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. Theo bà Vang, nếu giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6 nghìn tỷ đồng. Còn nếu dự thảo Luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2 nghìn tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách nhà nước thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào.

Về điều kiện khấu trừ áp thuế suất 0%, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật để trục lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị xác định kỹ các trường hợp đặc thù để quy định vào Luật, không nên giao Chính phủ quy định.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) lại cho rằng, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp bởi giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu. Qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hai-luong-y-kien-ve-thue-cho-phan-bon-10283962.html