Hai máy bay Trung Quốc suýt va chạm nhau ở thế đối đầu
Hai máy bay Trung Quốc đã suýt va chạm khi chỉ cách nhau về độ cao khoảng 100 m trong không phận Nga, làm dấy lên lo ngại mới về tín hiệu liên lạc hàng không.
Theo SCMP, vụ việc xảy ra tại không phận Cộng hòa Tuva thuộc Nga ở Siberia, giáp biên giới với Mông Cổ vào ngày 6/7 vừa qua, giữa máy bay chở khách Airbus A350 của hãng Air China và máy bay chở hàng Boeing 767 của hãng SF Airlines.
Dữ liệu radar cho thấy vụ va chạm suýt xảy ra khi chuyến bay CA967 của Air China đang trên hành trình từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Milan (Italy), thì bất ngờ tăng độ cao từ 10.300 m lên gần 10.900m trong khoảng thời gian từ 21h39 đến 21h52 ngày 6/7.
Động thái này khiến máy bay có nguy cơ va chạm với chuyến bay CSS128 của SF Airlines đang bay ở độ cao 10.600m theo hướng ngược lại từ Budapest (Hungary) đến Ngạc Châu, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Theo Flightradar24, sự thay đổi đột ngột độ cao khiến hai máy bay cách nhau về độ cao chỉ từ 90-120 m, gần hơn nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu toàn cầu là 305 m.

Radar theo dõi chuyến bay cho thấy hai máy bay đang trên đường va chạm trực diện. Ảnh: Flightradar 24/South China Morning Post
Bản ghi âm bằng tiếng Anh được cho là ghi lại cuộc trao đổi giữa phi công và kiểm soát không lưu đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 13/7, cho thấy tại thời điểm đó, kiểm soát viên đang chỉ đạo cùng lúc 4 máy bay.
Hai máy bay còn lại là chuyến bay CA861 của Air China từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đi Geneva (Thụy Sĩ) và chuyến bay HU7937 của Hainan Airlines từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đi Prague (Czech), đang bay ở phía tây bắc của hai máy bay liên quan đến sự cố.
Khi phát hiện nguy cơ va chạm, phi công trên máy bay chở hàng của SF Airlines đã yêu cầu bộ phận kiểm soát không lưu cung cấp thêm thông tin và được xác nhận có một chiếc Airbus A350 ở ngay phía trước.
Kiểm soát viên sau đó tạm dừng chỉ đạo với máy bay của Hainan Airlines và yêu cầu hai máy bay đang đối đầu đổi hướng khẩn cấp theo hai hướng ngược nhau. Tình huống suýt va chạm đã kích hoạt hệ thống Cảnh báo tránh va chạm trên không (TCAS) trên cả hai máy bay.
Nguyên nhân chính xác khiến máy bay của Air China tăng độ cao đột ngột vẫn chưa được tiết lộ, nhưng khả năng là do sự chồng chéo truyền dẫn. Air China, SF Airlines và Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận.