Vận tải cơ khổng lồ An-124 Ukraine lần đầu bay trên bầu trời Kiev sau 3 năm
Vận tải cơ hạng nặng An-124 xuất hiện trên vùng trời thủ đô Kiev trước khi bay ra nước ngoài, giúp cải thiện sĩ khí của người Ukraine.
Video đăng trên mạng xã hội X cuối tuần trước cho thấy máy bay vận tải An-124 Ukraine bay thấp trên bầu trời thủ đô Kiev, trước sự ngỡ ngàng của người dân dưới mặt đất.
"Gì vậy? Như vậy có bình thường không?", một phụ nữ nói. "Họ mở lại không phận rồi à?", một người đàn ông đặt câu hỏi.
Đây là lần đầu tiên vận tải cơ An-124 xuất hiện trên vùng trời Kiev trong hơn 3 năm qua. Sau khi chiến sự bùng phát đầu năm 2022, giới chức Ukraine đã đóng không phận ở thủ đô với toàn bộ máy bay không làm nhiệm vụ chiến đấu.
Dựa vào ảnh vệ tinh, chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định chiếc An-124 nhiều khả năng cất cánh từ sân bay Svyatoshino tại Kiev, nơi nó đã nằm đất trong hơn 4 năm qua. Đây cũng là trụ sở của nhà máy thuộc tập đoàn sản xuất máy bay Antonov.

Cơ sở này gần như không bị hư hại dù sân bay Hostomel gần đó, cùng vận tải cơ An-225 và nhiều máy bay khác đậu ở đây, đã bị phá hủy trong những ngày đầu xung đột.
Dữ liệu nguồn mở cho biết chiếc An-124 Ukraine đã đáp xuống cơ sở của tập đoàn Antonov ở thành phố Leipzig tại Đức, nơi hãng tập trung phần lớn hoạt động kể từ khi chiến sự bùng phát
Một số nhà phân tích quân sự Nga cho rằng vận tải cơ An-124 được Ukraine sơ tán khỏi thành phố Dnipro, nhằm ngăn nó bị đối phương tập kích.
Dù An-225 được xem là máy bay lớn nhất hành tinh, tuy nhiên mới chỉ có một chiếc đi vào hoạt động và nó đã bị phá hủy vào năm 2022, hiện tại An-124 trở thành máy bay vận tải lớn nhất thế giới đang hoạt động.
Đã có tổng cộng 56 chiếc được sản xuất kể từ năm 1986, chúng phục vụ trong biên chế của Nga và Ukraine.
Trong số này Nga đang chiếm giữ 38 chiếc. Đây được coi là xương sống của lực lượng vận tải chiến lược Nga.
Antonov An-124 Ruslan, hay còn được biết đến với biệt danh "Lực sĩ bầu trời", là một máy bay vận tải hạng nặng do công ty Antonov phát triển dưới thời Liên Xô.
Chuyến bay đầu tiên của dòng máy bay này diễn ra vào năm 1982.
Máy bay vận tải An-124 có chiều dài 69,1m, sải cánh 73,3m, chiều cao 21,08m cùng trọng tải cất cánh tối đa đạt 402 tấn.
Máy bay được vận hành bởi tổ bay 6 người, bao gồm cơ trưởng, cơ phó, hoa tiêu, kỹ sư trưởng, kỹ sư điện và nhân viên điện đài.
Ngoài việc có thể chở theo 150 tấn hàng hóa, vận tải cơ này cũng có thể chở 88 binh sĩ trong một khoang phía trên sau buồng lái.
Tuy nhiên, vì khả năng điều áp hạn chế, máy bay vận tải này hiếm khi được điều động để chở người.
Bên cạnh mục đích quân sự, "Lực sĩ bầu trời" còn được sử dụng trong vận tải hàng hóa dân sự.
Với khả năng chở hàng siêu trường siêu trọng, An-124 thường được dùng chuyên chở đầu máy xe lửa, thuyền buồm, thân máy bay, và nhiều loại hàng hóa quá cỡ khác.
Phần đầu của máy bay An-124 có thể nâng hạ dễ dàng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chất hàng.
Tính đến cuối năm 2020, 20 máy bay An-124 phiên bản dân sự đang được vận hành bởi 3 hãng hàng không đến từ 3 quốc gia, bao gồm Volga-Dnepr của Nga, Antonov Airlines của Ukraine và Maximus Air Cargo của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.