Hải Phòng cần đột phá giao thông kết nối với hệ thống cảng biển

Để hướng tới tầm nhìn là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới như Nghị quyết 45 về phát triển TP Hải Phòng đã đề ra, Hải Phòng cần có những chính sách đột phá, phát huy hết tiềm năng, lợi thế của một trung tâm cảng biển phía Bắc.

Bài 1: Một Hải Phòng cất cánh sau "giấc ngủ đông dài"

Bài 2: Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng

Bài 3: Hải Phòng đột phá để trở thành trung tâm logistics khu vực và thế giới

Có cả cơ hội và thách thức

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Dự báo - Tổ chức vận tải, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã chia sẻ với Báo Giao thông về những giải pháp đột phá hạ tầng giao thông, kết nối đồng bộ, hiện đại nhằm phát triển hệ thống cảng biển Hải Phòng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của hệ thống cảng biển đối với sự phát triển chung của Hải Phòng và cả nước?

Hải Phòng là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và là cửa ngõ chính ra biển của cả miền Bắc; là 1 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là trung tâm vùng Duyên hải Bắc Bộ, với vị trí thuận lợi nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ) và hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình).

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ45) và điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định phát triển TP Hải Phòng với 3 trụ cột chiến lược là cảng biển, công nghiệp và du lịch thương mại. Trong đó, cảng biển được đưa lên hàng đầu.

Các bến cảng tại Hải Phòng đang được xây dựng với năng lực lớn hơn, có khả năng tiếp nhận những tàu trọng tải lớn trên khu vực và thế giới.

Các bến cảng tại Hải Phòng đang được xây dựng với năng lực lớn hơn, có khả năng tiếp nhận những tàu trọng tải lớn trên khu vực và thế giới.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng biển Hải Phòng là cảng biển đặc biệt trong hệ thống cảng quốc gia với các chức năng cảng cửa ngõ quốc tế, cảng tổng hợp quốc gia. Trong đó, tập trung cao cho phát triển khu bến Lạch Huyện - Nam Đồ Sơn - Văn Úc.

Sự phát triển của cảng biển Hải Phòng gắn liền và là một trong những động lực chủ chốt cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố như NQ45 đã đề ra.

Hiện TP Hải Phòng đứng trước những cơ hội và thách thức gì khi xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối cảng biển?

Hải Phòng có cơ hội để trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, thông minh và thành phố quốc tế có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng là cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc và hai hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng không ngừng tăng trưởng thúc đẩy dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics phát triển.

Hải Phòng rất thuận lợi trong kết nối giao thông, giao thương với các tỉnh, thành phố trong vùng, cả nước và quốc tế thông qua tất cả các phương thức vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không).

Các tàu trọng tải lớn vào bến làm hàng tại Cảng HITC Đình Vũ.

Các tàu trọng tải lớn vào bến làm hàng tại Cảng HITC Đình Vũ.

Kết cấu hạ tầng giao thông Hải Phòng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.

Nhiều công trình giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác đóng vai trò liên kết rất tích cực vùng và khu vực như: đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cầu Bến Rừng, cầu Bạch Đằng nối với tỉnh Quảng Ninh, cầu Quang Thanh nối với tỉnh Hải Dương...

Đến nay, khu vực cảng biển Hải Phòng đã được đầu tư, khai thác 50 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 14,35 km.

Hải Phòng hiện có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc với lượng hàng qua cảng năm 2011 đạt khoảng 38,6 triệu tấn, hàng container đạt 2,5 triệu TEU và đến năm 2023 đã đạt 97,6 triệu tấn, hàng container 6,3 triệu TEU.

Tốc độ tăng trưởng hàng hóa giai đoạn 2011-2023 đạt trung bình khoảng 8,04%/năm, đối với hàng container đạt mức tăng trưởng bình quân 8,11%/năm về TEU.

Tuy nhiên, hiện vận tải đường bộ vẫn chiếm hơn 80% lượng hàng hóa thông qua cảng biển ở Hải Phòng. Điều đó gây áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng, tác động đến môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Điển hình, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện kết nối với khu cảng Lạch Huyện thường xuyên phải gặp áp lực từ khi các bến 1,2 đi vào hoạt động và chắc chắn thời gian tới khi các bến tiếp theo đi vào khai thác.

Đường sắt được kết nối vào các khu bến Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, nhưng đây không phải là các khu bến chính cho hàng container, nên đường sắt những năm qua chỉ đảm nhận chưa đến 1% lượng hàng thông qua cảng. Khi di dời khu bến Hoàng Diệu, vấn đề đường sắt kết nối cảng càng được đặt ra cấp bách.

TP Hải Phòng chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

TP Hải Phòng chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Trong khi đó, đường thủy nội địa kết nối cảng gặp phải những vấn đề về luồng tuyến như tĩnh không cầu Đuống, thiếu các cảng bến thủy nội địa bốc xếp container… Ngay tại khu bến lớn như Đình Vũ, vẫn thiếu khu vực tiếp nhận phương tiện thủy nội địa khiến cho kết nối đường thủy nội địa đến cảng những năm qua ở mức thấp.

Do đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối cảng biển một cách đồng bộ, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của các phương thức vận tải, giảm chi phí logistics đối với một cảng biển cửa ngõ quốc tế lớn như Hải Phòng là nhiệm vụ, đồng thời là cũng là thách thức lớn trong thời gian tới.

Vậy từ kinh nghiệm phát triển cảng biển tại Việt Nam và thế giới, Hải Phòng cần rút ra những bài học gì để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển?

Dựa trên một số kinh nghiệm trong phát triển cảng biển Singapore, Trung Quốc, Hà Lan… và chính kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, đối với Hải Phòng cần tập trung vào một số các giải pháp chính sau:

Một là, cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả Trung ương và địa phương từ các bước quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch, thực hiện đầu tư cũng như ban hành cơ chế chính sách về đầu tư để thu hút mọi nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng cảng biển.

Cần thu hút các nhà đầu tư có năng lực như các hãng tàu lớn, các nhà khai thác cảng biển lớn… để đảm bảo việc đầu tư xây dựng phát triển cảng đồng bộ và khai thác hiệu quả.

Cầu Bến Rừng được đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cầu Bến Rừng được đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là Hải Phòng - Quảng Ninh.

Hai là, phải phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng biển một cách đồng bộ, hợp lý nhất, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng của các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đảm bảo sự kết nối hiệu quả giữa địa phương với hệ thống giao thông quốc gia và giảm chi phí logistics.

Ba là, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ mới, công nghiệp và dịch vụ tiên tiến phát triển cảng xanh, thông minh hiện đại; Thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh dịch vụ.

Bốn là, hình thành và phát triển khu thương mại tự do, khu phi thuế quan nhằm phát huy phát huy lợi thế đặc thù, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho quản lý điều hành khai thác cảng.

Các bến cảng tại khu vực Đình Vũ - Cát Hải đang được xây dựng với khả năng tiếp nhận những tàu trọng tải lớn.

Các bến cảng tại khu vực Đình Vũ - Cát Hải đang được xây dựng với khả năng tiếp nhận những tàu trọng tải lớn.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển Hải Phòng, theo ông, cần thực hiện các giải pháp gì?

Về đường sắt, cần thực hiện kết nối tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn.

Về đường thủy nội địa, cần cải tạo duy trì cấp kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa hành lang số 1 (Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì), đạt cấp 1; hành lang đường thủy số 2 (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình), đạt cấp 2.

Hoàn thành dự án nâng tĩnh không cầu Đuống kết nối thuận lợi từ cảng Hải Phòng đến các tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển các cảng thủy nội địa kết hợp cảng cạn để tăng năng lực bốc xếp, giải phóng hàng hóa container và phát triển phương tiện thủy nội địa chuyên dùng, chở container phù hợp.

Về đường bộ, cần đầu tư hoàn thành cầu Tân Vũ 2 kết nối đến khu bến cảng Lạch Huyện và hoàn thiện, mở rộng tuyến đường sau cảng Lạch Huyện; Xây dựng đồng bộ tuyến đường sau khu bến cảng Văn Úc; Tập trung đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức, xây dựng hệ thống cầu vượt, đường vành đai 2, vành đai 3...

Về luồng tuyến hàng hải, cần cải tạo, nâng cấp luồng Văn Úc cho tàu 10.000 tấn; luồng Lạch Huyện, kênh Hà Nam thành luồng hai chiều khi đủ điều kiện; điều chỉnh vùng quay trở tàu khu bến Lạch Huyện; duy trì khai thác luồng Nam Triệu.

Rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo hướng không thu phí hạ tầng đối với việc gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa nhằm đẩy mạnh năng lực vận tải thủy nội địa, giảm áp lực cho vận tải bằng đường bộ.

Xin cảm ơn ông!

Việt HoàHoàng Long -

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hai-phong-can-dot-pha-giao-thong-ket-noi-voi-he-thong-cang-bien-192241025165640508.htm