Hải Phòng cất cánh từ biển

Hướng ra biển, làm giàu từ biển là một trong những giải pháp để Hải Phòng xây dựng phát triển KT- XH. Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đang xây dựng trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics... thành trọng điểm quốc gia và quốc tế.

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động các cảng biển

Hiện tại, hệ thống cảng biển Hải Phòng bao gồm 5 khu bến chính với 52 cảng biển nằm trong danh mục cảng biển Việt Nam, với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 14.178,5m và 98 cầu cảng.

Đặc biệt, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận tàu container lên đến trên 200.000 DWT. Hai bến số 1 và 2 của cảng Lạch Huyện đã được hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 5/2018, nâng cao đáng kể năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển Hải Phòng.

Hiện nay, các bến số 3, 4, 5, 6, 7, và 8 đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng trên địa bàn thành phố đạt 761,1 triệu tấn, tăng 85,83% so với giai đoạn 2014 - 2018.

Hướng ra biển, làm giàu và cất cánh từ biển là một trong những mục tiêu để Hải Phòng xây dựng phát triển KT- XH.

Hướng ra biển, làm giàu và cất cánh từ biển là một trong những mục tiêu để Hải Phòng xây dựng phát triển KT- XH.

Việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển đòi hỏi một hệ thống logistics hiệu quả. Từ năm 2019, Hải Phòng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch này, Hải Phòng sẽ phát triển 01 trung tâm logistics hạng II, 04 trung tâm logistics cấp tỉnh và 01 trung tâm logistics chuyên dụng cho hàng không.

Để tạo điều kiện cho các trung tâm logistics phát triển, thành phố đã tiến hành thu hồi các khu đất sử dụng không hiệu quả và bố trí quỹ đất phù hợp theo quy hoạch. Đồng thời, Hải Phòng cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cầu đường, nhà ga, bến cảng, kho bãi và các hệ thống kết nối trung tâm logistics với cảng biển quốc tế Hải Phòng cũng như các vành đai, hành lang kinh tế. Điều này tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn thành phố.

Hiện tại, Hải Phòng đang xây dựng 03 trung tâm logistics gắn với khu vực sản xuất công nghiệp, cảng sông và cảng biển, bao gồm: Trung tâm logistics tại khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (DeepC 3), Trung tâm Logistics Hải Phòng - Nam Đình Vũ 1 và Trung tâm Logistics ECPVN Hải Phòng 1 (DeepC 2B).

Dựa trên điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đang triển khai phát triển mạng lưới logistics với quy mô khoảng 2.200 - 2.500 ha. Mạng lưới này sẽ bao gồm trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng tại khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, chuyên dụng và hỗ trợ, gắn với các đầu mối giao thương chính. Ngoài ra, thành phố cũng quy hoạch các khu logistics kết nối với khu vực sản xuất công nghiệp, cảng sông, cảng biển và các trung tâm, đầu mối vận tải khác.

Phát triển du lịch biển

Thành phố Hải Phòng đã thực hiện hàng loạt chương trình và dự án nhằm xây dựng và phát triển Cát Bà và Đồ Sơn thành những trung tâm du lịch quốc tế. Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn đã được thu hút đầu tư vào các dự án du lịch tại Cát Bà và Đồ Sơn, như Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Nam Cường, Công ty Cổ phần Trường Bình Minh, và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex-ITC.

Khu vực trung tâm thị trấn Cát Bà sau khi được tập đoàn Sungroup đầu tư sẽ thu hút khách du lịch.

Khu vực trung tâm thị trấn Cát Bà sau khi được tập đoàn Sungroup đầu tư sẽ thu hút khách du lịch.

Cát Bà và Đồ Sơn đã được định hướng trở thành sản phẩm du lịch cốt lõi của thành phố, dẫn dắt sự phát triển của các loại hình du lịch khác như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch văn hóa tâm linh.

Sản phẩm du lịch du thuyền trên vịnh Lan Hạ kết hợp với du lịch cộng đồng tại làng Việt Hải đã hình thành nên một chuỗi sản phẩm hấp dẫn, đặc biệt thu hút khách quốc tế và những khách hàng có khả năng chi trả cao, nhất là sau khi Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch golf đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng đang phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm với các sân golf nổi bật như sân golf Đồ Sơn, sân golf Đồi Rồng, sân golf Vũ Yên và sân golf Sông Giá. Các sân golf này, sau khi hoàn thành, sẽ trở thành sản phẩm du lịch bền vững của thành phố, giúp khắc phục tình trạng du lịch theo mùa vụ.

Tiếp tục mở rộng, thành lập mới các khu công nghiệp, khu kinh tế

Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hiện được coi là khu kinh tế ven biển thành công nhất cả nước, với sức hấp dẫn đặc biệt nhờ hệ thống cảng biển đồng bộ, đặc biệt là Cảng nước sâu Lạch Huyện. Khu kinh tế này kết nối thuận tiện với Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và mạng lưới giao thông đường bộ (phần lớn là đường cao tốc) liên kết với các tỉnh, thành phố phía Bắc và cả nước.

Đến cuối năm 2023, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đã thu hút hơn 32 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, và trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư của Hải Phòng với nhiều dự án quy mô lớn.

Một phần của Khu công nghiệp Nam Đình Vũ đang được xây dựng mở rộng hướng ra biển.

Một phần của Khu công nghiệp Nam Đình Vũ đang được xây dựng mở rộng hướng ra biển.

Trong khuôn khổ quy hoạch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng dự kiến sẽ xây dựng khu kinh tế ven biển mới phía Nam với diện tích khoảng 20.000ha.

Đây sẽ là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh.

Khu kinh tế này sẽ là đầu mối tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới, với mục tiêu đến năm 2030, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu “Đến năm 2025, Hải Phòng là trọng điểm kinh tế biển của cả nước”, thành phố cần nỗ lực hơn nữa trong phát triển kinh tế biển, bao gồm tạo chuỗi khép kín và nâng cao dịch vụ logistics, phát triển dịch vụ sửa chữa và đóng mới tàu biển, đẩy mạnh lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng, chế biến thủy sản, phát triển năng lượng tái tạo trên biển, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về kinh tế biển.

Vũ Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/hai-phong-cat-canh-tu-bien-1101895.html