Hải Phòng: Sớm tu bổ, tôn tạo hạng mục xuống cấp ở di tích quốc gia

Mỗi khi mưa lớn, Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia đình Cung Chúc ở xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, bị dột ở nhiều nơi do phần mái xuống cấp.

Theo phản ánh của người dân địa phương về tình trạng xuống cấp của di tích, giữa tháng 6/2024, Người Đưa Tin có mặt tại Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia đình Cung Chúc ở xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Ngô Thị Loan - người trông coi đình Cung Chúc, cho biết, thời gian gần đây, do phần mái xuống cấp nên cứ mưa là đình bị dột ở nhiều nơi. Đặc biệt là cơn mưa lớn kéo dài từ đêm 8 đến trưa 9/6, hàng chục nơi trong đình bị dột. Chị Loan và mọi người huy động toàn bộ xô, chậu hứng nước mưa dột xuống nhưng không xuể. Tình trạng cứ mưa là dột khiến nhiều đồ thờ tự quý trong đình Cung Chúc bị ảnh hưởng.

Thông tin tới Người Đưa Tin, ông Lâm Xuân Thư - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Quản lý di tích xã Trung Lập, cho biết, hiện xã Trung Lập có 3 di tích đã được công nhận. Trong đó có 2 di tích cấp thành phố là chùa An Dương và đình Áng Ngoại.

Đình Cung Chúc được công nhận là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1962. Đây là di tích cấp quốc gia đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.

Đình Cung Chúc là di tích cấp quốc gia đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Đình Cung Chúc là di tích cấp quốc gia đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Theo các bậc cao niên trong vùng, đình Cung Chúc được xây dựng vào thời Lê, thờ 4 vị thành hoàng: Thuần Chính, Thanh Tĩnh Long, Quý Minh, Hải Khẩu Đại Bàng. Đây là các vị thần có nhiều công lao với quê hương, đất nước. Tương truyền một trong các vị thần này (có thể là thần Thanh Tĩnh Long) khi kéo quân đến trang Kinh Chúc, tặng cho người dân địa phương 5 nén vàng để mua ruộng đất lập đền thờ các ngài.

Đình Cung Chúc nổi tiếng với kiến trúc “tứ diện đồng tứ” độc đáo không giống với bất cứ ngôi đình nào trong khu vực. Mặt bằng của đình có diện tích gần 4.000 m2. Mỗi hạng mục lại có một kiểu kiến trúc riêng, tất cả tạo lên sự liên hoàn, khép kín và bề thế. Cả thảy có 25 gian, gồm 5 gian Đại đình, 2 gian Hậu Cung, 2 tòa tả - hữu mạc, bốn hướng nhìn vào đều có 5 gian.

Đình Cung Chúc được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, gồm các hàng cột đỡ các bộ vì liên kết, mộng chốt theo kiểu chồng rường - giá chiêng, chạm khắc hoa văn cầu kì, tinh xảo. Ở Đại đình là 4 bộ vì trên 8 cột cái và 8 cột quân. Các bộ vì liên kết với nhau qua hệ thống xà dọc. Tất cả chỉ sử dụng vỏn vẹn 16 lỗ đục thông qua cột cái. Các kết cấu còn lại liên kết bằng khớp chồng mộng trên các đấu ở các đầu cột, tạo nên ngôi đình bề thế và vững chắc.

Hệ thống cửa đình làm bằng gỗ lim theo kiểu “thượng xong hạ bản”, nền nát gạch Bát Tràng, mái lợp ngói mũi hài. Góc mái là các đầu đao cong vút, thanh thoát. Bờ nóc đắp những con nghê gốm bằng đất nung rất đẹp.

Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia đình Cung Chúc được phục dựng, tôn tạo từ năm 2010 (Ảnh: Thái Phan).

Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia đình Cung Chúc được phục dựng, tôn tạo từ năm 2010 (Ảnh: Thái Phan).

Hiện trong đình Cung Chúc còn lưu giữ được một số hiện vật có niên đại trải dài từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Đó là các bức đại tự, cửa võng, long ngai, kiệu, bát hương... Đặc biệt, có hai bia đá (Hậu thần bia ký). Một bia tạo năm Cảnh Trị thất niên (1669), một bia khắc năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776). Cả 2 bia đều có khung chạm các hình cúc mãn khai, cánh sen, hoa dây, đao lửa, vân tản.

Hội đình Cung Chúc hằng năm được tổ chức trong 3 ngày (các ngày 10, 11 và 12/11 Âm lịch). Ngoài các ngày tế, lễ các vị thần, còn có lễ kỳ an, kỳ phúc, thượng và hạ đền. Trong hội có các trò chơi dân gian như: đùa hồ, bắt cá, bắt vịt, cầu thùm, bịt mắt bắt dê, đập niêu, hát giao duyên quan họ trên hồ.

Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, đình Cung Chúc xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2010, Nhà nước đầu tư hơn 23 tỷ đồng phục dựng, tôn tạo các hạng mục: Tòa Đại bái, Hậu cung và tả - hữu mạc, nhà khách, làm lại cổng chính, bình phong, miếu thờ ông Ba Mươi, tôn tạo sân đình, đường nội bộ, tường bao, kè hồ nước trước sân đình.

UBND xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, dự kiến huy động nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo phần mái xuống cấp (Ảnh: Thái Phan).

UBND xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, dự kiến huy động nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo phần mái xuống cấp (Ảnh: Thái Phan).

Trước thực trạng phần mái đình xuống cấp, ông Lâm Xuân Thư - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Quản lý di tích xã Trung Lập, cho biết, UBND xã Trung Lập đã báo cáo lên UBND huyện Vĩnh Bảo. Sau đó, Đoàn công tác của Huyện tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích.

Hiện chính quyền xã Trung Lập đang đề nghị cơ quan chức năng sớm phê duyệt để địa phương tu bổ, tôn tạo 800 m2 mái đình bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (khoảng 300 - 500 triệu đồng).

“Khi được cơ quan chức năng phê duyệt, UBND xã Trung Lập sẽ mời đơn vị tư vấn, lập tổ giám sát thi công cộng đồng, phấn đấu tu bổ trong mùa khô tới (tháng 8, 9) để khắc phục tình trạng dột mỗi khi trời mưa để không ảnh hưởng đến đồ thờ cũng như các hạng mục khác”, ông Lâm Xuân Thư nói.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-phong-som-tu-bo-ton-tao-hang-muc-xuong-cap-o-di-tich-quoc-gia-a668603.html