Hải quan Quảng Ninh: Chuyển đổi số tạo động lực thúc đẩy thương mại
Cục Hải quan Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa lộ trình chuyển đổi số theo chiến lược ngành Hải quan đến năm 2025 và định hướng 2030.
Tạo động lực thúc đẩy thương mại
Việc xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh không chỉ đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả mà còn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) Móng Cái, việc triển khai các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan tỉnh về cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các thủ tục hành chính được cung cấp mọi lúc, mọi nơi trên nhiều nền tảng khác nhau, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt, việc số hóa chứng từ, tự động hóa quy trình tiếp nhận và trả hồ sơ, cũng như tăng cường kiểm tra giám sát trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) đã tạo ra bước đột phá lớn.
Theo kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cục Hải quan Quảng Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số của doanh nghiệp theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan, công tác tham mưu, thực thi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, Chi cục HQCK Móng Cái đã xử lý hơn 1.000 hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, với tổng lượng hàng hóa XNK đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Đức Huyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Minh Ngọc, chia sẻ: "Sự hỗ trợ và hướng dẫn tận tình từ lực lượng hải quan, cùng với các cải tiến trong thủ tục hành chính trực tuyến, đã giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động XNK".
Bên cạnh đó, Cục Hải quan Quảng Ninh cũng tích cực tham gia tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, hướng tới một mô hình hải quan hoàn toàn số hóa. Thủ tục hải quan giờ đây được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, từ khâu đầu đến khâu cuối, đảm bảo quản lý xuyên suốt đối với hàng hóa và phương tiện vận tải.
Hiện tại, 100% chứng từ hải quan đã được chuyển đổi sang dạng số, trừ các trường hợp đặc biệt như hồ sơ mật. Hệ thống VNACCS/VCIS và các dịch vụ công trực tuyến HQ 36a đã được triển khai trên toàn bộ các chi cục, giúp đẩy nhanh quá trình khai báo, kê khai thuế, và giảm thiểu lượng giấy tờ hành chính.
Hiệu quả từ chuyển đổi số
Nhờ ứng dụng công nghệ, từ đầu năm đến cuối tháng 10/2024, Cục Hải quan Quảng Ninh đã làm thủ tục hải quan qua Hệ thống VNACCS/VCIS cho gần 120.000 tờ khai hải quan từ 1.826 doanh nghiệp, với kim ngạch XNK đạt 15,7 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Số thu nộp ngân sách nhà nước đạt 15.114 tỷ đồng, vượt 21% so với chỉ tiêu Chính phủ giao.
Đặc biệt, đã có thêm 866 doanh nghiệp mới tham gia thủ tục XNK qua địa bàn, góp phần gia tăng nguồn thu thuế hơn 895 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, các quy trình quản lý điều hành sẽ tập trung hóa, tự động hóa ở mức cao nhất. Các lĩnh vực nghiệp vụ sẽ được tích hợp liên thông, giảm tối đa tỷ lệ kiểm tra trong quá trình thông quan, hướng tới mô hình “hải quan không giấy tờ”.
Đồng thời, Cục cũng đầu tư trang thiết bị hiện đại để tăng cường kiểm tra trước và sau thông quan, giảm sự can thiệp trực tiếp của con người, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
Ngoài ra, Cục Hải quan Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn. Những nỗ lực này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc hiện đại hóa hải quan theo lộ trình của Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong của Cục Hải quan Quảng Ninh trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.
Qua 2 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, các Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ giải đáp 71 vướng mắc, gửi 88 văn bản cung cấp thông tin định kỳ cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Tổ hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp (ISEC) của Cục đã gửi cung cấp thông tin văn bản pháp luật mới tới 5.634 lượt doanh nghiệp qua email; trên fanpage, ISEC đã đăng tải 151 bài viết cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc, thu hút 562.954 lượt tiếp cận.