Hai trẻ sơ sinh tại Hà Nội lây thủy đậu từ mẹ

Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vừa tiếp nhận hai bệnh nhân sơ sinh mắc thủy đậu. Điều đáng chú ý là cả hai bé đều bị lây bệnh từ mẹ.

Trường hợp thứ nhất là bé trai 5 ngày tuổi ở Hà Nội. Mẹ của bé phát hiện mình bị thủy đậu vào ngày thứ 3 sau khi sinh và đã cách ly ngay với con. Tuy nhiên, ở ngày tuổi thứ 5, bé bắt đầu xuất hiện nốt phát ban và phỏng nước toàn thân.

May mắn, tình trạng của bé tốt vì ăn bú được bình thường và không có biến chứng. Hiện tại, các vết ban của bé đã se gần hết, không xuất hiện những nốt ban mới.

Trẻ sơ sinh tại Hà Nội lây thủy đậu từ mẹ.

Trẻ sơ sinh tại Hà Nội lây thủy đậu từ mẹ.

Trường hợp thứ 2 cũng là bé trai ở Hà Nội được 2 tháng tuổi. Mấy ngày trước khi vào viện, bé bắt đầu xuất hiện những vùng nốt phỏng nước lan ra khắp mặt và toàn thân, kèm theo ho, khò khè, sốt. Sau đó, bé bị viêm phổi, kèm theo ban phỏng nước toàn thân đa hình thái, đa lứa tuổi khắp cơ thể.

Trước đó, mẹ bé mắc thủy đậu và đã lây sang con. Các bác sĩ đã điều trị kháng sinh và thuốc kháng virus cho bé. Hiện tại, sức khỏe của bé tiến triển tốt hơn, tình trạng viêm phế quản phổi cũng ổn định.

Các vết ban của bé đã se gần hết, không xuất hiện những nốt ban mới

Các vết ban của bé đã se gần hết, không xuất hiện những nốt ban mới

Theo các bác sĩ, mẹ bị thủy đậu, khi hắt hơi, chảy mũi, ho, virus có thể lây cho người xung quanh qua nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài. Người khác hít phải bụi đó hoặc tiếp xúc với chất dịch nốt phỏng sẽ lây bệnh.

Hầu hết bệnh thường diễn biến lành tính, tuy nhiên có thể có một số biến chứng như viêm da bội nhiễm, viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thận, viêm khớp, thường hay xảy ra trên những cơ địa đặc biệt như người suy giảm miễn dịch (người ung thư, điều trị hóa chất, dùng thuốc ức chế miễn dịch), trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính.

"Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu, gia đình cần cho con nhập viện sớm để được theo dõi và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ như viêm gan, viêm phổi hoặc viêm não do sức đề kháng của các bé còn yếu", BS CKI Lê Thu Trang, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết.

Đặc biệt, khi phát hiện trẻ dưới 6 tháng tuổi bị mắc thủy đậu, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để trẻ được dùng thuốc kháng virus trong "giờ vàng" là 24h đến 48h đầu. Nếu dùng thuốc kháng virus muộn hơn thời gian này thì phát ban của trẻ dễ bị biến chứng nặng hơn và nhiều hơn.

Khi phát hiện trẻ dưới 6 tháng tuổi bị mắc thủy đậu, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám ngay lập tức.

Khi phát hiện trẻ dưới 6 tháng tuổi bị mắc thủy đậu, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám ngay lập tức.

Theo các bác sĩ, khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm phòng vaccine, cần tiêm phòng sớm trong vòng 5 ngày sau đó.

Với bà bầu trong thời gian mang thai, người mẹ không may mắc phải bệnh thủy đậu, khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai nhi và thậm chí có thể khiến cho thai nhi ngừng phát triển, chết lưu, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh.

Vì vậy, theo khuyến cáo, việc tiêm vaccine phòng thủy đậu trước khi mang thai sẽ giúp tạo miễn dịch thụ động cho trẻ ngay từ khi mới chào đời, tạo sức đề kháng ngay từ trong bụng mẹ, nhờ đó có thể phòng tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/hai-tre-so-sinh-tai-ha-noi-lay-thuy-dau-tu-m-251760.htm