Hai tuyến đường sắt đô thị đang vận hành ở Hà Nội kết nối với nhau thế nào?
Đoạn đi ngầm của metro Nhổn - ga Hà Nội chưa hoàn thành nên trước mắt thành phố sẽ kết nối 2 tuyến tàu điện này bằng xe buýt và xe đạp công cộng. Về lâu dài, thành phố dự kiến sẽ xây dựng hầm kết nối tại ga Cát Linh.
Theo Sở GTVT Hà Nội, về hướng tuyến, metro Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông sẽ kết nối với nhau tại Cát Linh.
Song, đoạn đi ngầm của metro Nhổn - ga Hà Nội chưa hoàn thành nên trước mắt thành phố sẽ kết nối 2 tuyến tàu điện này bằng xe buýt và xe đạp công cộng.
Về lâu dài, thành phố dự kiến sẽ xây dựng hầm kết nối hai tuyến đường sắt đô thị nói trên.
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đang nghiên cứu xây dựng phương án kết nối giữa ga trên cao Cát Linh (tuyến số 2A) và ga ngầm S10 (tuyến số 3) trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, thực hiện trên địa bàn quận Ba Đình và quận Đống Đa.
Cơ quan này đề xuất thực hiện theo phương án 2: Xây dựng các đường hầm đi bộ, phòng trung chuyển và có 2 hướng kết nối. Đi ga Cát Linh (tuyến số 2A): Lối lên xuống (thang bộ, thang cuốn và thang máy). Đi ga S10 (tuyến số 3) sẽ kết nối với tầng trung chuyển ga S10. Đây là dự án nhóm C, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 113 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km, đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4km.
Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều lần lùi tiến độ, đội vốn từ hơn 18.000 tỷ đồng lên gần 36.000 tỷ đồng. Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2027, đoạn trên cao tháng 8/2024.
Metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, vận tốc tối đa 80km/h, vận tốc khai thác trung bình 35km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở 236 hành khách, mỗi chuyến chở khoảng 950 khách.
Theo thông tin từ Hanoi Metro, tàu điện Nhổn - Cầu Giấy đã phục vụ gần 300.000 lượt khách sau 5 ngày mở cửa (từ ngày 8/8 đến hết 12/8).
Trong đó, lượng khách đi metro Nhổn - ga Hà Nội ngày 11/8 được ghi nhận lên tới hơn 100.000 lượt, cao hơn kỷ lục ngày đông khách nhất của tuyến Cát Linh - Hà Đông (58.000 lượt khách vào ngày 1/5/2023).
Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội đi vào hoạt động, bắt đầu từ tháng 11/2021 sau 10 năm xây dựng.
Công trình có tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỷ đồng. Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng.
Toàn tuyến dài 13km, đi hoàn toàn trên cao, có 12 nhà ga. Điểm đầu là ga Cát Linh (phố Cát Linh, quận Ba Đình) và điểm cuối ga Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông).
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h. Thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến hết 23 phút.
Theo thống kê, mỗi ngày có trên 35.000 hành khách sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đi lại, trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi với các mục đích khác.
Trong đó, hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%, trong giờ cao điểm chiếm hơn 85%, góp phần giảm mật độ phương tiện trên hành lang tuyến, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.