Hạn chế đổi tên đường để tránh gây phiền hà cho người dân
Chiều 10-7, Sở VH-TT TPHCM tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 91/2005/NĐ-CP sau 20 năm triển khai thực hiện trên địa bàn TPHCM.

Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 91/2005/NĐ-CP sau 20 năm triển khai thực hiện trên địa bàn TPHCM
Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (gọi tắt là Nghị định số 91). Từ năm 2005 đến nay, cơ quan có thẩm quyền của TPHCM (trước hợp nhất) đã ban hành văn bản đặt tên cho 643 tuyến đường và công trình công cộng; đổi tên 3 tuyến đường và điều chỉnh lý trình 19 tuyến đường. Các tuyến đường được đặt tên, đổi tên phù hợp với truyền thống lịch sử, danh nhân văn hóa, địa danh tiêu biểu,...
Ngân hàng tên đường và công trình công cộng, bắt đầu triển khai từ năm 2006 đến nay, hiện có 1.375 tên, đã sử dụng để đặt tên đường 620 tên, còn 755 tên chưa sử dụng. Các loại hình trong Ngân hàng tên đường và công trình công cộng khá phong phú như: danh nhân (gồm nhân vật trong nước và nhân vật người nước ngoài); địa danh; sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng và di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Khu vực đường đi bộ đường Nguyễn Huệ, điểm đến thu hút khách du lịch, người dân địa phương với các hoạt động đường phố và nghệ thuật ngoài trời quy mô. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Từ năm 2005 đến năm 2025, TPHCM chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các tuyến đường được đặt tên mới. Đến tháng 6-2025, thành phố đã đặt, đổi tên cho khoảng 880 con đường trên địa bàn. Đồng thời, đặt tên cho 4 công trình công cộng, gồm hầm Thủ Thiêm (Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND, 2011), cầu Phú Hữu (Quyết định số 3202/QĐ-UBND, 2016), cầu Ba Son và Thủ Thiêm (Nghị quyết 60/NQ-HĐND, 2022).
Tuy nhiên qua thực tế ghi nhận, nhiều tên đường bị sai, không mang ý nghĩa, trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở VH-TT thành phố đã điều chỉnh các tên đường như: Bùi Hữu Diện (tên sai) - Bùi Hữu Diên (tên đúng), Nguyễn Chánh Sắc (tên sai) - Nguyễn Chánh Sắt (tên đúng), Phạm Thị Hối (tên sai) - Phan Thị Hối (tên đúng), Đoàn Minh Triết (tên sai) - Đoàn Triết Minh (tên đúng)…
Bên cạnh đó, TPHCM sau hợp nhất và vận hành chính quyền địa phương hai cấp, việc đặt đổi tên đường cũng có những tồn tại cần thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn. Tham luận tại Hội nghị, TS Trương Hoàng Trương, giảng viên Trường Đại học KHXH và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM, phân tích: “Theo nghị định 91, tại Khoản 1, Điều 10, Mục 2 quy định đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau đây: tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt. Đề nghị bổ sung vào khoản này nội dung rộng hơn về địa danh bằng việc lấy tên biển đảo, núi, sông, hồ của đất nước để đặt tên đường. Việc lấy tên biển đảo, núi, sông, hồ… để đặt tên đường có nhiều lợi ích và ý nghĩa to lớn về giáo dục, chính trị”.

Đường Nguyễn Huệ, con đường ở vị trí trung tâm, trở thành cái tên quen thuộc trong các hoạt động ngoài trời tại TPHCM, nơi đây cũng là đường hoa có quy mô lớn và lâu đời tại thành phố. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Về bổ sung quy định quản lý tên đường trùng sau hợp nhất, nhiều đại biểu, chuyên gia tham dự Hội nghị đồng tình quan điểm: Nhiều tên đường là nhân vật lịch sử nổi tiếng được các tỉnh thành chọn giống nhau có thể giữ nguyên sau hợp nhất miễn là không cùng một phường/xã, do việc đổi rất tốn kém, chỉ đổi trong trường hợp các tên trùng nhau trong cùng một phường/xã.
Và trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia và thực tiễn quản lý việc đặt đổi tên đường ở TPHCM hiện nay, việc quản lý quỹ tên đường, phố và công trình công cộng cần được số hóa. TS Trương Hoàng Trương phân tích thêm: “Nghị định mới có thể bổ sung quy định rằng các địa phương cần có cơ sở dữ liệu về tên đường và công trình công cộng, tích hợp với GIS, đồng thời, cần thiết lập cổng thông tin điện tử để công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến từ người dân. Từ đó, các cơ quan ban ngành có thể quản trị đô thị liên thông (Open GIS), kết nối WEBGIS tên đường với các hệ thống khác, như là cấp sổ đỏ - hộ khẩu - thuế - hệ thống bưu chính - cấp cứu - cứu hỏa…”.
Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, thành phố sau hợp nhất có 12 tuyến đường trùng tên (thống kê bước đầu) như: đường Phan Văn Trị: phường Chợ Quán và phường An Đông (quận 5 cũ); đường Tân Mỹ: phường Tân Thuận và phường Tân Mỹ (quận 7 cũ); đường Nguyễn Thị Nhỏ: phường Phú Thọ và phường Minh Phụng (quận 11 cũ); đường Hồ Văn Long: phường Bình Tân và phường Tân Tạo (quận Bình Tân cũ);…
PGS-TS Hà Minh Hồng chia sẻ: “Không nên đổi tên đường mà giữ nguyên, thay vào đó, tên đường mới cần xác định vị trí tên phường rõ ràng, ví dụ như đường Lê Hồng Phong - phường Chợ Quán, đường Lê Hồng Phong - phường Vũng Tàu. Khi tên phường, thành phố chính xác thì việc xác định địa chỉ sẽ đơn giản, thuận lợi cho người dân. Có thể đổi các tên đường trùng nhau nếu có cơ hội thuận tiện chẳng hạn như khi mở mang đường sá, con đường mang tên trùng được mở rộng, kéo dài hoặc được nối với một đường khác, khi đó có thể đặt tên mới để xứng tầm quan trọng theo quy mô mới”.

Các chương trình nghệ thuật ngoài trời với quy mô lớn và ý nghĩa tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, thường được tổ chức ở khu vực trục đường đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết: “Việc đặt, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng tại TPHCM rất được lãnh đạo, đơn vị quản lý quan tâm và chú trọng. Bởi khác với nhiều đô thị trên thế giới, việc đặt tên đường dựa trên hệ thống đánh số khu vực (chome) kết hợp tên quận, phường, block và số nhà. Điều này thiên về tính vận hành giao thông đô thị nhiều hơn, việc sắp xếp vị trí và đặt tên đường tại TPHCM còn phản ảnh hồn cốt và ghi dấu di sản đô thị. Mỗi cái tên đều có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử… Vì thế việc đặt đổi tên đường, tại TPHCM hiện nay, nhất là sau khi hợp nhất, sẽ chú trọng lắng nghe ý kiến người dân, để tránh thay đổi, xáo trộn làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Và lắng nghe ý kiến nhân dân, để những tên đường mới đặt hay thay đổi phù hợp với văn hóa, lịch sử, ghi dấu và phát huy hồn cốt di sản xứng tầm với đô thị này”.