Hạn mặn tiếp tục đe dọa vùng đất Chín Rồng
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm nay, vùng ven biển ĐBSCL gồm các tỉnh ven biển (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) mặn bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt. Theo đó, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Trong tháng 2 và 3, mặn có thể ở xâm nhập 50 - 65km.
Nước mặn tấn công
Mới vào đầu mùa khô, thực trạng hạn mặn đã đe dọa vựa lúa cả nước. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, hiện nước mặn xâm nhập vào các cửa sông, kinh, rạch dẫn sâu vào nội đồng.
Tỉnh Sóc Trăng được xem là địa bàn xung yếu, nơi "đầu sóng" tiếp giáp bờ biển dài 70km. Tại khu vực dọc theo vùng ven biển Vĩnh Châu và các cửa sông Hậu, sông Mỹ Thanh, độ mặn tăng cao. Gió đông mạnh kết hợp cùng triều cường rằm tháng Giêng khiến nước mặn vào các cửa sông, xâm nhập sâu vào vùng thủy nội địa. Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng lo âu, mặn xâm nhập theo hướng sông Hậu vượt qua Đại Ngãi vào tới thị trấn Kế Sách (H.Kế Sách) với độ mặn lên 4 - 5‰.
Trong ngày 17-2, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kế Sách cho biết, nước mặn đã tới xã An Lạc Tây. Tại Vàm Rạch Vọp, độ mặn đo được từ 3 - 3,2‰ và có khả năng tăng lên 4‰. Trong đó, khu vực địa phương thuộc 5 xã có vườn cây ăn trái vẫn an toàn. "Nhưng nếu độ mặn tăng cao, cây trồng vùng ngọt sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cán bộ nông nghiệp địa phương thông tin cập nhật độ mặn và khuyến cáo nông dân đóng cống, trữ ngọt tưới cho vườn cây", cán bộ huyện Kế Sách lo âu.
Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, mực nước ở thượng lưu đang xuống thấp. Vì vậy, xâm nhập mặn năm 2022 trên sông đến sớm hơn những năm trước và xâm nhập nội đồng cũng sâu hơn mức trung bình nhiều năm. Ngay sau Tết Nguyên đán 2022, xâm nhập mặn trên sông Tiền bắt đầu tăng dần, kết hợp với triều cường lấn sâu vào nội đồng.
Còn nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tình hình mặn xâm nhập trên các sông chính qua địa bàn tỉnh đang tăng ở mức trung bình so với cùng kỳ năm 2021. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông từ hơn 30 - 50km. Nước mặn sẽ còn xâm nhập sâu hơn so với cùng kỳ năm ngoái trên sông Cửa Đại và Cổ Chiên. Mức độ rủi ro do thiên tai xâm nhập mặn tăng lên cấp độ 2.
Tại Kiên Giang, mặn xâm nhập trên sông Cái Lớn ảnh hưởng đến xã Vĩnh Phước B, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam huyện Gò Quao. Trên sông Cái Bé, tình trạng mặn ảnh hưởng tới xã Minh Hòa (H.Châu Thành), xã Long Thạnh (H.Giồng Riềng). Kênh Chắc Băng huyện Vĩnh Thuận, độ mặn dao động từ 7- 25‰. Cà Mau là một trong những tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún, hạn, mặn... Vào mùa khô năm nay, lãnh đạo địa phương lo âu, vùng nội đồng ở Cà Mau thường xuyên thiếu nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt, trong khi vùng ngọt hóa bị xâm nhập mặn, gây thiệt hại lớn đối với đời sống, sản xuất của người dân.
Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT xác định, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Kông tại trạm Kratie, Campuchia và tại Tân Châu (Châu Đốc, An Giang) giảm. Tại Biển Hồ, dung tích hiện còn lại khoảng 5,18 tỷ m3, cao hơn so với mùa khô năm 2020 - 2021, nhưng thấp hơn so với TBNN. Tại Tân Châu và Châu Đốc, mực nước đạt 1,56 - 1,7m. Các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện. Tại Thủy điện Cảnh Hồng, lưu lượng xả về hạ lưu từ 23-1 đến nay trên dưới 700m3/s, tương đương với 1 tổ máy phát điện. Thời gian tới, các hồ trên lưu vực tiếp tục xả nước hạn chế, do đó dòng chảy còn giảm nhanh chính là nguyên nhân có thể làm mặn xâm nhập sâu thêm.
Ở vùng các cửa sông Cửu Long, trong tháng 2 và 3-2022, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập sâu 50 - 65km, so với năm 2020 thấp hơn 15 - 25km, so với năm 2016 thấp hơn 5 - 10km, sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi tại một số thời điểm. Từ tháng 4-2022, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Việc sản xuất ở khu vực mặn lẫn ngọt tại vùng ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng. Mặn bất thường, hạn hán gây thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa được kiểm soát mặn triệt để. Tháng 2 đến tháng 3-2022 có thể xâm nhập 50 - 65km.
Người dân gặp khó
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, dự báo trên sông Hậu, ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào khoảng 60km. Trên sông Cổ Chiên, ranh mặn 4‰ ảnh hưởng tới xã Mỹ Phước (Mang Thít), cách cửa biển 70km. Phía sông Tiền, ranh giới mặn trên 4‰ xuất hiện tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), cách cửa biển khoảng 90km. Xâm nhập mặn dự báo kéo dài đến tận tháng 5. Số huyện bị ảnh hưởng là 6 huyện, thị. Diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn gần 67.300ha, diện tích cây trồng bị hạn, thiếu nước gần 95.000ha. Bên cạnh đó có khả năng có hơn 75.700 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, 51 trạm cấp nước sạch có thời đoạn đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn và 55 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt...
Tại Bạc Liêu, dự báo mùa khô năm 2021 - 2022 vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn khá gay gắt. Cụ thể, đối với vụ lúa đông xuân 2022, có nguy cơ thiếu nước do nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu về Bạc Liêu qua trục Quản Lộ - Phụng Hiệp dự báo sẽ thiếu hụt, thêm vào đó nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn sớm sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nước từ Sóc Trăng về Bạc Liêu. Ngoài ra, chất lượng nguồn nước ngọt dự báo có nhiều khả năng bị nhiễm phèn, chi phí sản xuất vụ đông xuân sẽ tăng nếu diễn biến nguồn nước và thời tiết bất lợi do sử dụng nhiều nhiên liệu bơm tát để tưới chống hạn.
Đối với diện tích trồng rau màu, do tác động của hạn hán xâm nhập mặn kéo dài sẽ gây khó khăn cho diện tích sản xuất rau màu. Dự báo diện tích rau màu có nguy cơ thiếu nước ngọt trong các tháng 3 và 4-2022, chất lượng nước ngọt không cao do bị nhiễm phèn dẫn đến năng suất rau màu không cao. Ngoài ra, dự báo nhiều khả năng 4.000ha diện tích lúa trên đất tôm của thị xã Giá Rai (H.Phước Long) và H.Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu có nguy cơ thiếu nước ngọt và giảm năng suất. Ngành nuôi trồng thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung độ mặn trên các ao nuôi có khả năng tăng cao hơn 25‰ vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm trong các tháng cao điểm của mùa khô.
Trước diễn biến phức tạp tình hình xâm mặn, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo: "Ngành nông nghiệp và các địa phương phải theo dõi sát tình hình thời tiết, đảm bảo điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt không để thay đổi tập quán sản xuất, có giải pháp tốt tránh thiệt hại cho người dân sau khi đưa vào vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé”. Hiện nhu cầu nước ngọt hết sức cấp bách, các xã ven biển thuộc 2 huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) chưa có công trình cấp nước, giếng khoan nhiễm mặn, nước tích trữ bằng mương, đìa, lu, khạp hết mưa vài tháng là trơ đáy nên người dân phải đổi nước từ các xe bồn tự chế với giá từ 60.000 - 100.000 đồng/m3.
Người dân ở các xã đảo của huyện Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên thiếu nước còn trầm trọng hơn. Xã An Sơn (H.Kiên Hải) có hồ chứa 30.000m3 nhưng nắng kéo dài đang trong tình trạng cạn kiệt. Các xã khác của huyện Kiên Hải như: Hòn Tre, Lại Sơn, Sơn Hải, Hòn Nghệ, Tiên Hải, đặc biệt là đảo Nam Du nhu cầu về nước ngọt của người dân là rất cấp thiết. Tại một số địa phương, người dân vẫn mua nước ngọt với giá cao do nguồn nước máy bị nhiễm mặn.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2021 - 2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2 và 3 (13 đến 17-2, 26-2 đến 5-3, 14 đến 19-3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4 (từ 14 đến 19-3, từ 28-3 đến 3-4, từ 12 đến 17-4). Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/han-man-de-doa-vung-dat-chin-rong_127186.html