Hàn Quốc chật vật giữ chân nhân tài
Hàn Quốc đang đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài toàn cầu nhưng trong nước xảy ra tình trạng 'chảy máu chất xám'.

Chế độ lương trì trệ khiến giới học thuật Hàn Quốc rời nước.
Những bộ óc tinh hoa, từ các giáo sư hàng đầu đến các chuyên gia AI, đang âm thầm rời Hàn Quốc để tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn ở nước ngoài.
Tại các trường đại học hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, vốn là biểu tượng cho nền giáo dục ưu tú của Hàn Quốc, xu hướng “chảy máu chất xám” ngày càng rõ rệt. Trong 4 năm qua, trường có 56 giáo sư nghỉ việc, chuyển sang làm cho các cơ sở giáo dục tại Mỹ, Singapore hay Trung Quốc.
Con số này không chỉ bao gồm các nhà khoa học và kỹ sư, mà còn giáo sư ngành khoa học xã hội, nhân văn, y khoa và nghệ thuật. Mức lương cao gấp 4 lần, điều kiện nghiên cứu thuận lợi và các hỗ trợ về nhà ở đang khiến những người giỏi nhất lựa chọn rời đi.
Nguyên nhân sâu xa của làn sóng “di cư trí thức” nằm ở những bất cập trong hệ thống giáo dục đại học Hàn Quốc. Các trường đại học đang gánh chịu hậu quả của chính sách đóng băng học phí kéo dài gần 2 thập kỷ. Điều này khiến họ không thể cải thiện lương cho giảng viên hoặc đầu tư vào nghiên cứu.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, mức lương trung bình của giảng viên các đại học tư thục chỉ tăng 0,8% trong suốt 5 năm, từ 100,6 triệu won năm 2019 lên 101,4 triệu won vào năm 2024. Trong khi đó, các đại học quốc tế sẵn sàng chi hơn 330 nghìn USD để thu hút cùng một vị trí.
Đối với các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng quốc gia, bức tranh còn đáng lo ngại hơn. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, quốc gia này hiện đứng thứ 35/38 trong khối OECD về khả năng giữ chân nhân tài AI. Còn các quốc gia như Luxembourg và Đức đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ chính sách thu hút hiệu quả và điều kiện nghiên cứu vượt trội.
Bên cạnh lương thấp, môi trường nghiên cứu tại Hàn Quốc cũng bị đánh giá là thiếu cơ hội phát triển, cơ sở hạ tầng hạn chế và quá phụ thuộc vào các đánh giá hiệu suất ngắn hạn. Một nhà nghiên cứu AI tại tập đoàn công nghệ lớn chia sẻ rằng, tại Hàn Quốc, các sinh viên tốt nghiệp trong nước thường bị đánh giá thấp hơn so với du học sinh, không chỉ vì năng lực chuyên môn, mà còn do kỹ năng tiếng Anh và trải nghiệm quốc tế.
Trước tình trạng trên, Tổng thống Lee Jae Myung đã yêu cầu Thủ tướng Kim Min-seok đề xuất các biện pháp giữ chân nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như AI và công nghệ sinh học.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc ngăn chặn chảy máu chất xám là chưa đủ. Hàn Quốc cần chuyển sang mô hình “lưu thông chất xám”, nghĩa là không chỉ giữ chân người tài, mà còn thu hút chuyên gia quốc tế và khuyến khích người Hàn Quốc ở nước ngoài quay về cống hiến.
Để làm được điều đó, hệ thống giáo dục và nghiên cứu của Hàn Quốc cần cải tổ mạnh mẽ từ cơ chế đãi ngộ theo hiệu suất, đầu tư vào cơ sở nghiên cứu ngang tầm quốc tế, đến mở rộng các chương trình hợp tác học thuật toàn cầu.
Tình trạng “chảy máu chất xám” không chỉ xảy ra ở mỗi Seoul. Tại các viện nghiên cứu lớn ở khu vực như KAIST, GIST, DGIST và UNIST, từ năm 2021 đến giữa năm 2025, 119 giảng viên đã rời đi. Trong đó, 18 người định cư tại nước ngoài. Các giáo sư từ địa phương chuyển lên thủ đô, rồi từ đây đi ra thế giới.
Theo The Korea Herald
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/han-quoc-chat-vat-giu-chan-nhan-tai-post739119.html