Hàn Quốc và các nước học được 'mẹo' gì từ thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh?
Muốn có thỏa thuận, phải chú trọng 'trình diễn' trước ống kính và thể hiện sự nhún nhường với nhà lãnh đạo Mỹ, trên truyền hình.

Quang cảnh lễ ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh. Ảnh: Trang Flickr Nhà Trắng
Ngày 8/5, Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận thương mại song phương đầu tiên kể từ khi ông ban hành loạt thuế quan gọi là “Ngày Giải phóng” vào ngày 2/4. Thỏa thuận với Vương quốc Anh, được gọi là “hiệp định thịnh vượng kinh tế” thay vì một hiệp định thương mại tự do (FTA), cho thấy phần nào hình hài của các thỏa thuận thương mại tương lai – đặc biệt với các đồng minh thân cận như Hàn Quốc.
Theo trang Asia Times, điểm đáng chú ý là mức thuế cơ bản 10% vẫn được giữ nguyên – cho thấy gần như không có ngoại lệ cho các đối tác đang đàm phán khác. Chính phủ Anh đã nhượng bộ những điều mà phía Mỹ đánh giá là đủ để đạt được một thỏa thuận thay thế cho các biện pháp thuế Mục 232 áp lên ô tô và thép – dù Anh không nằm trong danh sách bị áp thuế đối ứng ngày 2/4. Hai bên cũng thống nhất cơ chế hạn ngạch với 10% thuế cơ bản, sau đó tăng lên 25% đối với 100.000 xe hơi đầu tiên xuất khẩu từ Anh sang Mỹ.
Về mặt hàng thép, ngoài cam kết tiếp tục đàm phán, thỏa thuận còn công bố việc thành lập một “liên minh thương mại” về nhôm và thép giữa hai nước. Theo đó, Mỹ sẽ “nhanh chóng thiết lập hạn ngạch theo mức thuế tối huệ quốc (MFN)” cho thép và nhôm Anh, với điều kiện Anh phải “đáp ứng yêu cầu của Mỹ về an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm thép và nhôm”. Điều này có thể ảnh hưởng đến thép Hàn Quốc, vì giờ đây đang có các cơ chế thay thế cho thuế Mục 232 – vốn vẫn đang được áp dụng với thép xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Mỹ.
Một điểm thiếu vắng đáng chú ý trong thỏa thuận Mỹ - Anh là bất kỳ đề cập nào đến thuế với ngành dịch vụ – trong đó có phim Mỹ sản xuất ở nước ngoài – lĩnh vực mà Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ nhắm đến. Tại lễ ký kết ngày 8/5, ông Trump ngụ ý rằng những vấn đề này sẽ được xử lý riêng biệt. Trong năm 2024, các hãng phim Mỹ đã chi khoảng 2,8 tỷ USD để quay phim tại Anh – bao gồm các bom tấn như Wicked và Barbie. Nếu chính quyền Trump thực sự áp thuế những khoản đầu tư này, đây có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng giữa Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Không có thỏa thuận thương mại nào lại thiếu cam kết đầu tư. Chỉ một ngày sau lễ ký, công ty mẹ của British Airways công bố thương vụ mua khoảng 13 tỷ USD máy bay Boeing – điều đã được Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick hé lộ trong thông báo ban đầu. Tại cuộc họp báo công bố thỏa thuận, ông Lutnick cũng cho biết Mỹ sẽ “chấp thuận cho động cơ Rolls-Royce và các bộ phận máy bay khác nhập khẩu miễn thuế” – dù chi tiết của điều này không xuất hiện trong văn bản chính thức.
Ngoài các điều khoản trên, thỏa thuận không đề cập đến quy chế tiếp cận của Anh trong các kiểm soát xuất khẩu công nghệ AI của Mỹ, cũng như quyền tiếp cận chip - "quy tắc phổ biến AI" của chính quyền Joe Bdien, vốn đảm bảo cho Anh nằm trong nhóm ưu tiên hàng đầu, đã bị thu hồi không lâu sau khi bắt đầu đàm phán. Các doanh nghiệp Mỹ cũng không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào về chip hay AI trong thỏa thuận. Điều này trái ngược với những gì diễn ra gần đây tại Trung Đông, nơi ông Trump đạt được cả nhượng bộ chính trị lẫn hợp đồng kinh tế để mở đường cho các quốc gia tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến Mỹ.
Những thỏa thuận như vậy cho thấy quyền kiểm soát công nghệ AI và chip tiên tiến có thể sẽ trở thành “quân bài chiến lược” trong các cuộc đàm phán thương mại thời Tổng thống Trump.
Ông Trump cũng giành được thị trường mới cho nông sản Mỹ tại Anh – bao gồm khoản xuất khẩu ethanol trị giá 700 triệu USD – cùng các điều khoản đồng thuận về lao động, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn môi trường và chuỗi cung ứng dược phẩm. Một trong những điểm quan trọng nhất liên quan đến Hàn Quốc là việc Anh miễn thuế nhập khẩu thịt bò Mỹ (trước đó là 20%), thay bằng cơ chế hạn ngạch – một chi tiết đáng chú ý trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn hạn chế nhập khẩu thịt bò Mỹ sấy khô và thịt bò dưới 30 tháng tuổi.
Cũng trong khuôn khổ thỏa thuận, các quy định nghiêm ngặt của Anh về kháng sinh và hóa chất vẫn được giữ nguyên. Thủ tướng Keir Starmer tuyên bố tiêu chuẩn thực phẩm của Anh sẽ không bị bãi bỏ – đồng nghĩa với việc thịt gà tẩy clo và thịt bò dùng hormone vẫn sẽ bị cấm nhập. Hai nước cũng cam kết hợp tác trong thương mại số, mở ra khả năng các nền tảng kỹ thuật số Mỹ có thể được đưa vào bàn đàm phán với Hàn Quốc trong tương lai.
Một mô hình định hình đàm phán thời Tổng thống Trump?
Những chi tiết trong thỏa thuận Mỹ - Anh cho thấy một vài điều đối với các quốc gia đang chờ đàm phán tiếp theo.
Thứ nhất, dường như không có những cam kết mua hàng nào đủ lớn để được miễn mức thuế 10%. Đây có thể là mức thuế tối thiểu mà Mỹ sẽ duy trì trong tương lai gần. Khác với Hàn Quốc, Anh không bị áp các loại “thuế đối ứng”. Do đó, thỏa thuận này không cung cấp nhiều gợi ý về cách Mỹ có thể giảm mức thuế 25% hiện hành xuống mức 10%.
Thứ hai, các cam kết đầu tư lớn của doanh nghiệp gần như trở thành công cụ đàm phán để được nhượng bộ về thuế. Và yếu tố “màu mè” cũng không kém phần quan trọng – thỏa thuận với Anh được ký ngay trong Phòng Bầu dục, trước ống kính truyền hình, với sự hiện diện của đại sứ. Nói cách khác, để có được thỏa thuận, cần có sự thể hiện công khai cộng với thái độ tôn trọng với cá nhân Tổng thống Trump.
Vẫn còn câu hỏi rằng liệu các khoản đầu tư lớn được công bố trước đàm phán – như cam kết đầu tư 21 tỷ USD của Hyundai vào Mỹ hồi tháng 3, hay khả năng tham gia dự án đường ống khí Alaska – có được tính vào gói đàm phán hay không, hay các thỏa thuận cần được ký ngay trong ngày.
Cuối cùng, thỏa thuận với Anh bao gồm nhiều cam kết mang tính “hứa hẹn” sẽ xử lý sau. Một điều khoản ghi rõ hai nước sẽ tiếp tục “xác định các cơ hội mới cho quan hệ thương mại". Thỏa thuận được xây dựng mà không dựa trên nền tảng FTA sẵn có. Văn bản cũng cho phép mỗi bên chấm dứt thỏa thuận bất cứ lúc nào chỉ với một thông báo bằng văn bản – khác hẳn với FTA Mỹ - Hàn (KORUS), vốn yêu cầu thông báo trước 180 ngày và có tính ràng buộc pháp lý cao hơn.
Cách gọi tên thỏa thuận cũng rất quan trọng. Vì đây chỉ là “hiệp định thịnh vượng kinh tế”, nên mọi bước tiến đến một FTA hậu Brexit thực sự sẽ đòi hỏi đàm phán thêm. Đối với Hàn Quốc, phạm vi mà một thỏa thuận tương tự có thể làm thay đổi hoặc vô hiệu hóa KORUS FTA vẫn chưa rõ. Tuy vậy, việc ông Trump công bố một thỏa thuận với Anh cho thấy guồng quay đã bắt đầu – và “Ngày Giải phóng” 2/4 chắc chắn không phải là hồi kết của cuộc chơi.