Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường chính của viên nén gỗ Việt Nam

Triển vọng xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản đang ngày càng rộng mở khi sản phẩm này có lợi thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường đang tăng cao.

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai động lực chính của ngành viên nén Việt Nam. Ảnh : TL

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai động lực chính của ngành viên nén Việt Nam. Ảnh : TL

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends vừa công bố báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén từ Việt Nam: Thực trạng và xu hướng thị trường đầu ra sản phẩm”.

Giá viên nén gỗ giảm sâu tại thị trường Hàn Quốc

Báo cáo nêu rõ, Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia sản xuất viên nén lớn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu viên nén lớn nhất của Việt Nam. Lượng viên nén từ Việt Nam xuất vào hai thị trường này chiếm trên 95% trong tổng lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam vào tất cả các thị trường...

Đầu năm 2023, thị trường Hàn Quốc có biến động mạnh. Giá viên nén xuất khẩu vào Hàn
Quốc từ Việt Nam rớt xuống dưới 90 USD/tấn (FOB) vào tháng 4/2023, dưới mức giá thành sản
xuất của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô
nhỏ phải dừng hoạt động. Lượng nhập cũng giảm mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc đạt 0,65 triệu tấn, tương đương 96,1 triệu USD về kim ngạch, giảm 41% về lượng và 45% về kim ngạch so với cùng kỳ của năm 2022.

Ngành viên nén gỗ Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường khi cầu tiêu thụ tại Việt Nam bắt đầu có tín hiệu tăng nhanh, bởi Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng sạch, bao gồm viên nén nhằm thay thế than trong sản xuất năng lượng.

Mức giá tiếp tục giảm sâu khi giá xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc trong tháng 6/2023 chỉ đạt khoảng 110 USD/tấn trong khi mức giá xuất khẩu đi Nhật đạt 145 - 165 USD/tấn.

Lý giải nguyên nhân khiến giá viên nén gỗ giảm sâu tại thị trường Hàn Quốc, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends cho hay, Việt Nam là nguồn cung viên nén chính cho Hàn Quốc (cung 80% trong tổng nhu cầu sử dụng của thị trường này). Tuy nhiên, hiện nay Hàn Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm cả nguồn nhập khẩu từ Nga. Theo một số doanh nghiệp, viên nén gỗ từ Nga có chất lượng tốt, giá rẻ. Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra mỗi năm Nga xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn viên nén ra thế giới, chủ yếu là vào khối châu Âu (EU). Tuy nhiên do xung đột, Nga hiện đang chịu lệnh trừng phạt từ các nước phương tây và các doanh nghiệp viên nén của Nga gặp khó khăn trong khâu xuất khẩu. Trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp Nga phải tìm thị trường thay thế, chấp nhận mức giá xuất khẩu rẻ để thâm nhập thị trường.

Mặc dù vậy, theo ông Tô Xuân Phúc, dự kiến sẽ không có sự gia tăng đột biến về lượng viên nén gỗ nhập khẩu từ Nga vào Hàn Quốc trong tương lai. Lý do là bởi lệnh trừng phạt áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nga làm các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước và các tập đoàn lớn có tên tuổi của Hàn Quốc từ chối sử dụng viên nén từ nguồn này.

Nhằm giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, Chi hội Viên nén đã có một số hoạt động thiết thực, bao gồm cả việc kết nối với các doanh nghiệp tại Hàn Quốc nhằm cung cấp thêm thông tin về thực trạng sản xuất. Kể từ sau đó, mức giá xuất khẩu bắt đầu tăng dần. Mức giá tại thời điểm đầu tháng 7/2023 đạt khoảng 110 USD/tấn. Mức giá xuất khẩu vào Hàn Quốc có xu hướng tăng nhưng hiện chưa có thông tin về tốc độ tăng trong thời gian tới.

Thông tin chia sẻ từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, lượng viên nén gỗ của Việt Nam xuất đi Hàn Quốc đạt khoảng 0,8 triệu tấn. Dự kiến, đến hết năm 2023, lượng xuất của Việt Nam vào thị trường này sẽ đạt khoảng 1 - 1,5 triệu tấn.

Lượng và giá trị viên nén xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2019 – 5T/2023. Biểu đồ: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Lượng và giá trị viên nén xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2019 – 5T/2023. Biểu đồ: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Nhu cầu viên nén sử dụng tại Nhật sẽ mở rộng trong tương lai

Trái với Hàn Quốc, thị trường Nhật Bản có độ ổn định cao cả về lượng và giá với các đơn hàng dài hạn (hợp đồng mua - bán thường là 10 - 15 năm) hiện được xuất với mức giá dao động khoảng 145 - 165 USD/tấn (FOB Việt Nam).

Bên cạnh các hợp đồng dài hạn, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng thực hiện các hợp đồng ngắn hạn với một số nhà cung ứng Việt Nam. Giá các hợp đồng ngắn hạn thường thấp hơn giá của các hợp đồng dài hạn (hiện ở mức khoảng 125 USD/tấn, FOB), với chất lượng tương đương với sản phẩm xuất theo các hợp đồng dài hạn.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng viên nén gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản đạt 0,87 triệu tấn, kim ngạch đạt 151 triệu USD. Lượng xuất giảm 5,7% trong khi kim ngạch tăng 19,7% so với cùng kỳ 2022.

Toàn bộ lượng viên nén gỗ xuất khẩu đi Nhật đòi hỏi phải có chứng chỉ FSC. Nguyên liệu cho viên nén gỗ xuất khẩu đi Nhật là từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là từ cây keo. Nguồn nguyên liệu này khác với nguồn nguyên liệu tạo viên nén gỗ xuất khẩu đi Hàn Quốc.

Thông tin từ một số doanh nghiệp cho biết, hiện mỗi năm Nhật Bản sử dụng khoảng 8 triệu tấn viên nén, trong đó 40 - 50% là vỏ hạt cọ dầu, phần còn lại (50 - 60%) là viên nén từ gỗ. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu viên nén tại Nhật Bản sẽ tăng lên 20 triệu tấn, trong đó lượng viên nén gỗ sẽ chiếm khoảng 13 - 15 triệu tấn (còn lại là hạt cọ dầu).

Nhu cầu viên nén sử dụng tại Nhật sẽ mở rộng trong tương lai. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và có chứng chỉ bền vững, có nhà máy sản xuất quy mô, quản lý bài bản.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, số doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ tại Việt Nam đã tăng từ 123 doanh nghiệp năm 2020 lên 152 doanh nghiệp vào năm 2022.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, trong tương lai, các doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của viên nén từ các nước khác, đặc biệt là các nhà máy tại Indonesia và Malaysia.

Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu viên nén tại Nhật Bản sẽ tăng lên 20 triệu tấn, trong đó lượng viên nén gỗ sẽ chiếm khoảng 13 – 15 triệu tấn.

“Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và có chứng chỉ bền vững, có nhà máy sản xuất quy mô, quản lý bài bản”- báo cáo nhấn mạnh.

Từ 2013 - 2022, lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã tăng lần lượt là 28 và 34 lần. Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu viên nén đạt 1,57 triệu tấn với kim ngạch đạt khoảng 256,5 triệu USD. Xuất khẩu viên nén hiện đang trên đà tăng khi nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới dự báo sẽ tăng khoảng 250% trong thập kỷ tới, đạt con số 36 triệu tấn từ mức 14 triệu tấn năm 2017. Cầu tiêu thụ tăng chủ yếu tại các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nguyên Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/han-quoc-va-nhat-ban-la-hai-thi-truong-chinh-cua-vien-nen-go-viet-nam-131957.html