Hàn Quốc xoay trục kinh tế từ Trung Quốc sang Mỹ
Trước các căng thẳng địa chính trị và công nghệ đang dâng cao giữa Washington và Bắc Kinh, Hàn Quốc chọn cách xoay trục kinh tế từ Trung Quốc sang Mỹ bất chấp nguy cơ bị trả đũa.
Tận dụng ưu đãi sản xuất của Mỹ để “thoát Trung”?
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy sản xuất màn hình của LG Display (Hàn Quốc) tại thành phố Quảng Châu vào đầu năm nay, thông điệp mà ông dường như muốn truyền tải là Trung Quốc vẫn chào đón đầu tư nước ngoài. Nhưng ý nghĩa của chuyến thăm cũng có thể diễn giải theo cách khác. Đến thăm một cơ sở sản xuất thuộc sở hữu của LG là lời cảnh báo ngầm đối với các công ty Hàn Quốc rằng họ nên cân nhắc kỹ trước khi tham gia nỗ lực “tách rời” kinh tế khỏi Trung Quốc do Mỹ dẫn dắt.
Từ bán dẫn, pin xe điện cho đến công nghệ sinh học và viễn thông, các tập đoàn của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chiến lược về an ninh quốc gia và công nghiệp ở cả Washington và Bắc Kinh.
Các nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix, cùng với các nhà sản xuất pin LG Energy Solution, SK On và Samsung SDI, sẽ nhận được hàng tỉ đô la trợ cấp của Mỹ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách thu hút năng lực sản xuất và công nghệ của Hàn Quốc đồng thời giảm vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
Nhưng đổi lại, họ phải tuân thủ một loạt các hạn chế mà Washington áp đặt đối với các hoạt động của họ ở Trung Quốc và quan hệ đối tác của họ với các công ty Trung Quốc. Nếu làm như vậy, họ có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa.
“Chúng ta không nên coi những nỗ lực củng cố mối quan hệ với Mỹ là động thái phớt lờ Trung Quốc. Chúng ta chưa bao giờ công bố kế hoạch tách rời khỏi Trung Quốc và không có ý định như vậy”, Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho phát biểu trong một phiên họp quốc hội hồi tháng 5.
Nhưng các nhà kinh tế, các quan chức thương mại đương nhiệm hoặc về hưu cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp của Hàn Quốc, đều lưu ý rằng, dù Bắc Kinh có phật lòng hay không thì Hàn Quốc rõ ràng đang xoay trục ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), năm 2022 là lần đầu tiên Hàn Quốc xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn so với xuất khẩu sang Trung Quốc kể từ năm 2004.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun cho biết, chính sách “can thiệp tùy tiện vào các doanh nghiệp” cũng như các chính sách thay thế nhập khẩu thông qua chiến lược “lưu thông kép” (dual circulation) của Bắc Kinh đang khiến các công ty Hàn Quốc giảm tiếp xúc với Trung Quốc.
Theo giới quan sát, câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc là liệu các công ty hàng đầu của nước này có tận dụng tối đa ưu đãi từ chính sách trợ cấp để sản xuất ở Mỹ trong khi hạn chế hậu quả của bất kỳ phản ứng dữ dội nào có thể xảy ra từ Bắc Kinh hay không?
“Căng thẳng Mỹ-Trung đang khiến mọi người lo lắng, nhưng có thể là một cơ hội lớn cho Hàn Quốc”, Yeo Han-koo, người từng giữ chức Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc cho đến năm ngoái và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) ở Mỹ), nhận định.
Mối quan hệ hữu hảo tan vỡ
Mối quan hệ kinh tế của Hàn Quốc với Trung Quốc chuyển đổi mạnh mẽ sau năm 1992, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Kể từ đó, giá trị trao đổi thương mại hàng năm giữa hai nước tăng từ 6 tỉ đô la lên hơn 300 tỉ đô la vào năm 2022.
Mối quan hệ kinh tế song phương được thúc đẩy nhờ nhu cầu của Trung Quốc đối với chuyên môn của Hàn Quốc trong các quy trình sản xuất phức tạp đối với các linh kiện cần thiết cho lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn.
Cho đến giữa thập niên 2010, “cách tiếp cận kép” của Hàn Quốc đối với Mỹ và Trung Quốc, trong đó Washington đóng vai trò là đối tác an ninh chính và Bắc Kinh là đối tác kinh tế chính, dường như đang đáp ứng nhu cầu của Hàn Quốc trong cả hai lĩnh vực này.
“Trong giai đoạn đó, chúng tôi tin rằng đất nước có mối quan hệ thực sự tốt đẹp với Trung Quốc. Người dân ở cả hai quốc gia cảm thấy rằng họ là bạn bè và rằng, chúng tôi có chung một nền văn hóa châu Á hoặc Khổng giáo”, Je Hyun-jung, trưởng đại diện văn phòng Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) tại Washington, nhận xét.
Mối quan hệ hữu hảo Trung-Hàn tan vỡ vào năm 2016 sau khi Seoul mua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (Thaad) do Mỹ sản xuất để tự bảo vệ đất nước trước rủi ro tấn công tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Cho rằng hệ thống Thaad gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ Trung Quốc, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế không chính thức đối với Hàn Quốc. Du khách Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc giảm hẳn. Phim truyền hình của Hàn Quốc không còn được các đài truyền hình Trung Quốc đón nhận và các thương hiệu Hàn Quốc cũng bị tẩy chay.
“Sau Chiến tranh lạnh, chúng tôi nghĩ rằng có thể tách biệt các vấn đề kinh tế khỏi các vấn đề an ninh. Và trong một thời gian, điều đó là có thể. Nhưng bây giờ, sự tách bạch như vậy không thể duy trì được nữa”, Yeo Han-koo nói.
Mỹ nhượng bộ để hỗ trợ các công ty Hàn Quốc
Hàn Quốc đã lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra trong kỷ nguyên mới về chính sách bảo hộ công nghiệp của Mỹ và tác động của nó đối với các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc như bán dẫn và sản xuất ô tô.
Mối lo lắng đó dâng cao mùa hè năm ngoái sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), cung cấp 369 tỉ đô la trợ cấp cho các dự án liên quan đến khí hậu và năng lượng sạch ở Mỹ.
IRA hứa hẹn mang lại khoản trợ cấp tiềm năng cho các công ty sản xuất pin của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Seoul đã hụt hẫng khi các thông tin hướng dẫn sau đó nói rằng, IRA sẽ không cung cấp các khoản tín dụng thuế tiêu dùng hào phóng cho xe điện được lắp ráp tại Hàn Quốc, thay vì ở Bắc Mỹ.
Trước đó, Mỹ cũng đã ban hành Đạo luật CHIPS và khoa học, cấm những công ty nhận trợ cấp của Mỹ mở rộng hoặc nâng cấp năng lực sản xuất chip cao cấp của họ ở Trung Quốc trong 10 năm. Mỹ cũng áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng đối với các công cụ sản xuất chip quan trọng sang Trung Quốc.
Năm 2022, Trung Quốc chiếm hơn 50% doanh số xuất khẩu chip của Hàn Quốc. SK Hynix, có các nhà máy sản xuất chip nhớ ở Trung Quốc, có thể bị tổn thương sau khi chính phủ Hàn Quốc cấm Công ty ASML xuất khẩu máy in thạch bản cực tím, được sử dụng trong sản xuất chip, sang Trung Quốc.
Các công ty Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào linh kiện, bí quyết sản xuất và nguyên liệu thô của Trung Quốc trong một số ngành được Mỹ xác định là quan trọng đối với an ninh kinh tế của nước này.
Vì vậy, khi triển khai các hướng dẫn thực hiện Đạo luật IRA, Washington đã linh hoạt cho phép các công ty Hàn Quốc tiếp tục làm việc với các đối tác Trung Quốc khi không có giải pháp thay thế thực tế nào khác.
Bộ Tài chính Mỹ ban hành các hướng dẫn vào đầu năm nay, giúp các công ty Hàn Quốc dễ dàng sản xuất nhiều linh kiện pin hơn ở trong nước và vẫn đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng thuế của Mỹ. Để tận dụng ưu đãi thuế này, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 4 tỉ đô la vào ngành công nghiệp pin của Hàn Quốc chỉ trong năm nay.
Washington cũng đã báo hiệu sẽ chấp thuận để các công ty sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc đưa các công cụ sản xuất chip của Mỹ, ngoại trừ các công cụ tinh vi nhất, đến các nhà máy của họ ở Trung Quốc. Sự nhượng bộ này sẽ cho phép Samsung và SK Hynix duy trì lợi thế công nghệ của họ so với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Đồng thời, cho phép họ có thời gian để xác định các giải pháp thay thế dài hạn khả thi cho các nhà máy chip hiện tại của họ ở Trung Quốc.
“Tình hình hiện tại đang buộc Hàn Quốc phải làm hai việc mà họ nên làm: giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đầu tư nhiều hơn vào chính Hàn Quốc”, Yeo Han-koo của PIIE cho biết.
“Hàn Quốc là một quốc gia nhỏ bị mắc kẹt giữa các nước lớn. Điều đó nuôi dưỡng cảm giác khủng hoảng vĩnh viễn nhưng cũng tạo ra động lực để thúc đẩy đất nước tiến lên”, Je Hyun-jung nói.
Theo Financial Times
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/han-quoc-xoay-truc-kinh-te-tu-trung-quoc-sang-my/