Hàng chục hộ dân sống tạm trong khu vực lăng vua Dục Đức mong được di dời

Sau ngày đất nước giải phóng, nhiều hộ dân được cơ quan chức năng cấp nhà tập thể nằm trong khuôn viên di tích lăng vua Dục Đức (phường An Cựu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) để làm nơi ở.

Đến nay đã hàng chục năm trôi qua, hàng chục hộ dân vẫn tá túc trong những căn nhà cũ xập xệ, xuống cấp nhưng vẫn chưa được di dời đến nơi ở mới. Trong khi đó, lăng vua Dục Đức, còn gọi An Lăng, là di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế…

Dãy nhà tập thể xuống cấp chờ sập bên trong khuôn viên di tích lăng vua Dục Đức.

Dãy nhà tập thể xuống cấp chờ sập bên trong khuôn viên di tích lăng vua Dục Đức.

Lăng vua Dục Đức tọa lạc tại thôn Tây Nhất, làng An Cựu, nay thuộc phường An Cựu, TP Huế. Quần thể kiến trúc lăng vua Dục Đức rộng gần 6ha, là nơi an táng 3 vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân; hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng, bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của con cháu vua Nguyễn. Từ những năm đầu 1980, nhiều cán bộ, nhân viên thuộc Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên được tạo điều kiện cấp nhà tập thể nằm trong khuôn viên lăng vua Dục Đức để làm nơi ở và sinh sống. Sau hơn 40 năm, khu nhà tập thể nay bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vì không có chỗ ở nào khác nên các hộ dân năm xưa được cấp nơi ở vẫn bám trụ lại ở khu tập thể này. Lúc chúng tôi đến, ông Hoàng Văn Phỉ (SN 1948, nguyên cán bộ Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên) đang ngồi trước cửa căn nhà cũ kỹ với diện tích rộng chưa đầy 30m2. Ông Phỉ cho biết, sau ngày đất nước mới giải phóng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cuộc sống khó khăn nên sau khi được cơ quan tạo điều kiện, gia đình ông đã chuyển đến sinh sống trong khu tập thể thuộc khuôn viên lăng vua Dục Đức. Ban đầu khu nhà được xây dựng khá kiên cố với bờ tường xi măng, mái lợp tôn. Trải qua hàng chục năm không được tu sửa, khu nhà tập thể ở di tích này dần xuống cấp, hư hỏng và trông rất nhếch nhác. “Do không có điều kiện mua đất để làm nhà riêng nên gia đình tôi vẫn phải tá túc trong căn nhà chật hẹp, xuống cấp này. Mùa nắng thì còn chịu được chứ mưa xuống là nhà dột khắp nơi, quá vất vả nhưng không biết phải làm thế nào. Khu nhà tập thể xuống cấp đã gây mất mỹ quan di tích”, ông Phỉ trải lòng.

Cùng chung vách với nhà ông Phỉ là nhà của gia đình ông Hà Thái Sinh (SN 1952). Sau năm 1975, ông Sinh có nhiều năm gắn bó với Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên nên được đơn vị này bố trí về ở tại khu tập thể nằm trong khuôn viên lăng vua Dục Đức như nhiều cán bộ, nhân viên khác. Tính đến nay, ông Sinh đã gắn bó với khu tập thể này 42 năm. Điều kiện kinh tế chật vật, khó khăn nên vợ chồng ông Sinh cũng không có đủ tiền để mua đất làm nhà. Do đó, cả gia đình ông Sinh với ba thế hệ 9 thành viên suốt nhiều năm trời chen chúc trong ngôi nhà tập thể cũ kỹ. Ông Sinh nói: “Chúng tôi muốn sửa sang, cơi nới để nhà cửa kiên cố hơn nhưng vì lăng vua Dục Đức là di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993 nên tôi và nhiều hộ dân phải chấp hành nghiêm quy định để bảo vệ di tích. Giờ thấy bà con sống ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được di dời đến nơi ở mới, chúng tôi cũng hy vọng sẽ được các cơ quan chức năng tạo điều kiện di dời để con cháu chúng tôi ổn định cuộc sống về lâu dài”.

Ngoài khu tập thể là nhà của các hộ dân đang sinh sống, trong di tích lăng vua Dục Đức còn có một dãy nhà khác xuống cấp được người dân tận dụng làm nhà kho và để các vật dụng. Tại dãy nhà này, đơn vị quản lý di tích đã gắn biển cảnh báo khu vực nguy hiểm cấm người dân đến gần để đề phòng công trình này có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Lãnh đạo UBND phường An Cựu cho biết, hiện trong khuôn viên lăng vua Dục Đức có 31 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống. Trong đó phần lớn là cán bộ, nhân viên Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên ngày trước đã về hưu và ở tại đây suốt hơn 40 năm qua. Nhà cửa xuống cấp, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào nên các hộ dân nhiều lần có kiến nghị mong muốn được di dời nhưng vì nhiều lý do nên đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa thể giải quyết được cho người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, hiện đơn vị đang thực hiện thống kê và đề xuất các cơ quan chức năng sớm có giải pháp di dời những hộ dân sống trong khuôn viên di tích lăng vua Dục Đức nhằm sớm trả lại đất và cảnh quan cho di tích.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/hang-chuc-ho-dan-song-tam-trong-khu-vuc-lang-vua-duc-duc-mong-duoc-di-doi-i662326/