Hàng hải vẫn lo thiếu sỹ quan
5 năm qua, số lượng thuyền viên trên cả nước đã tăng gần 20.000, tuy nhiên chủ yếu là thủy thủ. Lượng sỹ quan vẫn đang có dấu hiệu giảm.
Tin từ Cục Hàng hải VN, 5 năm qua, số lượng thuyền viên được cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCN KNCM) đã tăng gần 20.000 người. Nếu như năm 2018, cả nước mới có gần 39.400 người, đến năm 2022, con số này là 55.664 người.
Điều này trái ngược hẳn với thời gian trước đó khi số lượng thuyền viên trong tuổi lao động, được cấp GCN KNCM để làm việc trên tàu biển đã giảm rõ rệt từ năm 2015 đến năm 2017.
Tuy nhiên, số lượng thuyền viên gia tăng chủ yếu là thủy thủ, thợ máy (tăng 16.851 thuyền viên). Số lượng sỹ quan vận hành giảm nhẹ (16 thuyền viên). Sỹ quan quản lý cũng giảm 556 thuyền viên.
Theo Bộ GTVT, các quy định về chế độ lao động, quyền và lợi ích của thuyền viên trong Bộ luật 2015 cơ bản đã phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về lao động hàng hải (MLC 2006) của Tổ chức Lao động thế giới, đặc biệt là trách nhiệm đối với việc hồi hương thuyền viên, bảo đảm khắc phục tối đa tình trạng chủ tàu bỏ mặc thuyền viên khi tàu hoạt động ở nước ngoài.
Cũng theo Cục Hàng hải VN, cho thấy trong giai đoạn 2015-2022, số liệu tuyển sinh ngành boong và ngành máy của các cơ sở, trung tâm đào tạo giảm về trình độ đại học, cao đẳng, tăng về trình độ trung cấp và sơ cấp.
Tiêu biểu, số liệu tuyển sinh trình độ đại học và cao đẳng năm 2015 của ngành boong lần lượt đạt con số 537 học viên và 338 học viên. Tới năm 2022, con số này lần lượt là 107 và 341 học viên. Trong khi đó, trình độ trung cấp và sơ cấp lần lượt là 99 và 349 học viên (năm 2015) đã tăng lên 165 và 1917 học viên (năm 2022).
Đáng chú ý, số liệu đào tạo sỹ quan hàng hải từ năm 2015- 2022 cũng có sự suy giảm nghiêm trọng. Năm 2015, tổng số đào tạo sỹ quan hàng hải đạt 3.164 thì đến năm 2022, con cố này chỉ còn 2.196 sỹ quan.
Trong một thời gian ngắn, quy mô đào tạo suy giảm hơn 3 lần và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới trong khi nhu cầu về thuyền bộ không suy giảm.
Các trường đại học, cao đẳng không đủ nguồn để tuyển sinh, các sinh viên, học viên sau khi ra trường cũng ưu tiên tìm kiếm công việc trên bờ, không còn nguyện vọng theo nghề đi biển.
Áp lực về thiếu hụt thuyền viên khiến nhiều doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài đã bắt đầu chuyển sang hoạt động ở các thị trường thuyền viên khác. Các doanh nghiệp trong nước thì phải tính toán đến các phương án thuê thuyền viên nước ngoài.
Quan trọng hơn, điều này có thể dẫn tới việc không bảo đảm đào tạo được đội ngũ thuyền viên thay thế khi các thuyền viên đến tuổi nghỉ hưu hay chuyển việc làm lên bờ. Đây được đánh giá là một thách thức lớn với các doanh nghiệp vận tải biển, cũng như các trường đào tạo ngành đi biển và với cơ quan quản lý nhà nước.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hang-hai-van-lo-thieu-sy-quan-192231113110641164.htm