Hàng không đối mặt nguy cơ thiếu máy bay kéo dài, cần có phương án ứng phó
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, thời gian tới, ngành hàng không còn đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc thiếu tàu bay, tái cơ cấu, sắp xếp đường bay, giá nhiên liệu tăng cao, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ…
Hãng cần chủ động giải quyết việc thiếu máy bay
Thứ trưởng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chủ động giải quyết các khó khăn cũng như các kiến nghị, đề xuất các các hãng hàng không, báo cáo Bộ GTVT.
Đối với việc thiếu tàu bay do nhà sản xuất triệu hồi động cơ, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các hãng hàng không báo cáo rõ các phương án cần được Nhà nước hỗ trợ.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp để Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc điều chỉnh hỗ trợ các chi phí đầu vào, các doanh nghiệp chủ động tìm phương án, đề xuất chính sách, cơ chế để Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để có các phương án phù hợp.
Liên quan việc kiểm soát tải trọng tại một số cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) rà soát lại toàn bộ đường cất hạ cánh, báo cáo công tác triển khai đầu tư, nguồn vốn bảo trì và đưa ra các khuyến cáo phù hợp, kịp thời cho các hãng hàng không.
Thông tin về tình hình hàng không trong 6 tháng đầu năm, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 là quãng thời gian đầu tiên sau dịch Covid-19, lĩnh vực hàng không đã có tăng trưởng.
Ngoài tăng trưởng về sản lượng vận chuyển, lĩnh vực hàng không cũng đạt những kết quả tích cực trong công tác bảo đảm an toàn. Điều này được ghi nhận bởi kết quả đánh giá năng lực khai thác đảm bảo an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
"Chỉ số thực hiện hiệu quả trong công tác giám sát an toàn của ngành hàng không Việt Nam đạt 77,1%. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số an toàn cao hơn mức trung bình của thế giới", ông Thắng thông tin.
Cũng theo ông Thắng, trên thế giới, các hãng hàng không Việt Nam cũng có uy tín, thương hiệu và có khả năng cạnh tranh cao.
Hàng chục máy bay phải đắp chiếu, xoay sở ứng phó
Dù vậy, theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm, ngoài việc phải ứng phó với những tác động tiêu cực sau Covid-19, hàng không còn đối mặt với các thách thức như sụt giảm đội tàu bay.
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 40-45 chiếc so năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways và Pacific Airlines.
Các hãng cũng khó tìm được tàu bay thuê để bổ sung do giá thuê tăng cao. Đó là chưa kể giá nhiên liệu cũng tăng cao, hay chênh lệch tỷ giá ngoại tệ...
Các yếu tố này khiến nguồn cung bị ảnh hưởng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến động của giá vé máy bay trên các đường bay nội địa trong một số giai đoạn cao điểm (ngày lễ, Tết).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hàng không đã vận chuyển hơn 17,2 triệu khách nội địa; khai thác thị trường quốc tế đạt sản lượng hơn 23,6 triệu hành khách, tăng 23,6% so với năm 2023.
Đại diện Vietnam Airlines thông tin, thời gian qua, hãng đã triển khai hàng loạt giải pháp để đảm bảo khả năng cung ứng.
Do đó, dù đội tàu bay giảm trung bình trên 10% so 2023 nhưng tổng số chuyến bay đạt gần 70.000 chuyến, tăng 8,6% so cùng kỳ. Giờ bay khai thác đạt 165,8 nghìn giờ, tăng 11,3% so cùng kỳ.
Số khách vận chuyển trên toàn mạng đạt 11,1 triệu khách, tăng gần 10% so cùng kỳ và chỉ số đúng giờ OTP vẫn đạt mức cao 86,4%.
Còn với hãng hàng không Vietjet, tính đến tháng 7/2024, tổng số tàu bay đã dừng không khai thác của hãng là 10 tàu và thêm 1 tàu sẽ dừng từ tháng 10.
Theo chương trình triệu hồi, toàn bộ 50 động cơ lắp trên 25 tàu bay A321Neo của hãng sẽ phải tháo để sửa chữa, chương trình này có thể kéo dài qua 2025 hoặc lâu hơn.
Để giải quyết tình trạng trên, 6 tháng cuối năm 2024, Vietjet có kế hoạch nhận 10 tàu bay dự kiến gồm 8 tàu A321Neo và 2 tàu E190.
Năm 2025, Vietjet dự kiến tiếp tục nhận tàu A321Neo, tàu A330-300, tàu E190 và tàu Boeing 737 Max.
"Tuy nhiên, lịch nhận tàu còn bị tác động bởi các yếu tố từ dây chuyền sản xuất, thiếu phụ tùng/vật tư, nhân công dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch tiếp nhận tàu bay mới của Vietjet", đại diện Vietjet chia sẻ.