Hàng loạt đại học lớn đua nhau mở phân hiệu ở các tỉnh
Các trường như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, Sư phạm TPHCM, Cần Thơ… đều mở phân hiệu ở các tỉnh. Nhiều trường đại học khác đang có 1 đến 2 phân hiệu hoạt động.
Trong cuộc họp Hội đồng Trường ĐH Bách khoa TPHCM lần thứ 16 cách đây vài ngày, trường này thông báo xúc tiến mở phân hiệu tại tỉnh Khánh Hòa nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận cho học sinh khu vực miền Trung, đồng thời góp phần cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế đặc thù của địa phương.
Dự kiến phân hiệu Khánh Hòa sẽ đào tạo các ngành thế mạnh của trường như Công nghệ thông tin, AI, Thiết kế vi mạch và bán dẫn, Công nghệ đại dương, Logistic hướng đến phục vụ vận hành đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM vừa mở phân hiệu tại Bình Phước. Phân hiệu này sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường Cao đẳng Bình Phước.
Năm nay phân hiệu Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ở Bình Phước sẽ tuyển các ngành: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Quản lý xây dựng, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ thông tin, Quản lý công nghiệp, Kế toán, Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh. Theo lộ trình, phân hiệu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM ở Bình Phước có tổng mức đầu tư giai đoạn 2024-2036 khoảng 341 tỷ đồng, quy mô đào tạo tới năm 2036 khoảng 5.900 người học, trong đó có 2.800 sinh viên chính quy.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng mở phân hiệu tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển sinh hơn 300 chỉ tiêu cho các ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học và Sư phạm khoa học tự nhiên. Ngành Giáo dục Mầm non có cả hệ cao đẳng và đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tại địa phương. Phân hiệu này cũng sẽ nhận đào tạo đặt hàng bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông, đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ, tiếng dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ công viên chức của tỉnh.

Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TPHCM ở Gia Lai. Ảnh: HP
Trước đó một năm, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng thành lập phân hiệu tại Long An trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TPHCM tại Long An tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất, cán bộ giảng viên, sinh viên hiện có của Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Phân hiệu có chức năng tuyển sinh, đào tạo đại học, sau đại học và các trình độ khác, bồi dưỡng ngắn hạn, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc chức năng của Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Cách đây không lâu, Trường ĐH Cần Thơ thành lập phân hiệu ở Sóc Trăng trên cơ sở tiếp nhận cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng.
Theo kế hoạch, Phân hiệu tỉnh Sóc Trăng của Trường ĐH Cần Thơ đào tạo thạc sĩ với các ngành: Công nghệ thông tin, Hệ thống nông nghiệp - chuyên ngành biến đổi khí hậu và nông nghiệp nhiệt đới bền vững, Khoa học cây trồng - chuyên ngành kỹ thuật nông nghiệp thông minh. Năm 2025, Phân hiệu sẽ đào tạo đại học chính quy với 3 ngành: Kế toán, Luật, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng.
Trường ĐH Luật TPHCM đang triển khai các thủ tục để thành lập Phân hiệu của trường trên khu đất 2,17 ha tại khu Bắc Hòn Ông, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều trường đại học ở TPHCM đang có 1 đến 2 phân hiệu đặt ở các tỉnh. Cụ thể Trường ĐH Nông lâm TPHCM có 2 phân hiệu đặt ở Gia Lai và Ninh Thuận. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có phân hiệu ở Khánh Hòa, Lâm Đồng. ĐH Kinh tế TPHCM có phân hiệu ở Vĩnh Long. ĐH Quốc gia TPHCM có phân hiệu ở Bến Tre. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có 2 phân hiệu ở Quảng Ngãi, Thanh Hóa. Nhìn chung điểm chuẩn tuyển sinh đại học hàng năm ở các phân hiệu luôn thấp hơn cơ sở chính.
Tại khu vực phía Bắc, hai đại học lớn sẽ mở phân hiệu 2 ở Khu đại học Nam Cao (Hà Nam) là ĐH Kinh tế Quốc dân và Học viện Ngân hàng. Khu đại học Nam Cao nằm trên địa bàn thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý, cách Hà Nội khoảng 50km. Với diện tích hơn 750ha, khu vực này có thể đáp ứng quy mô đào tạo 50.000 sinh viên, 4.000 giảng viên và khoảng 30.000 cư dân đô thị.

ĐH Kinh tế Quốc dân làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về triển khai xây dựng phân hiệu 2 tại Hà Nam. Ảnh: NEU
Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết tỉnh sẽ dành 21ha đất tại Khu đại học Nam Cao và trích từ nguồn ngân sách của địa phương 500 tỷ đồng để hỗ trợ Học viện Ngân hàng xây dựng cơ sở 2. Với ĐH Kinh tế Quốc dân, tỉnh này sẽ dành 40ha đất và trích từ nguồn ngân sách của địa phương 800 tỷ đồng để hỗ trợ nhà trường xây dựng phân hiệu 2 tại tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam cũng đồng hành, hỗ trợ cả hai trường trong công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch và thiết kế thi công.
Trong khi đó, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến xây dựng cơ sở 2 trên địa bàn huyện Văn Giang, Hưng Yên.
Trường ĐH Y Hà Nội cũng sẽ triển khai xây dựng cơ sở mới tại Bắc Ninh. Dự án xây dựng có diện tích khoảng 30ha, thuộc khu đào tạo nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Ninh (phân khu số 12, khu đô thị Lim mở rộng, huyện Tiên Du). Quy mô đầu tư gồm xây dựng khu đào tạo (3.000 sinh viên), bệnh viện (1.000 giường) và các viện nghiên cứu ứng dụng y học kỹ thuật cao với tổng mức đầu tư dự kiến 3.150 tỷ đồng.
Trước đó, một loạt trường cũng dự kiến/đang xây dựng cơ sở 2 tại Bắc Ninh như: Trường ĐH Luật Hà Nội với diện tích gần 28ha tại thành phố Từ Sơn, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng; Trường ĐH Dược Hà Nội với diện tích 20ha, tổng mức đầu tư hơn 1.350 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu khoảng 5.000 sinh viên; Trường ĐH Ngoại thương sẽ xây dựng tại phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn...