Hàng loạt đề xuất mới nhất về điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam

Trong phiên họp sáng nay, 17-5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu tại Tờ trình của Chính phủ; trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam tại khoản 6, khoản 9 Điều 1 của dự thảo Luật; tán thành việc quy định trong Luật các điều kiện mang tính nguyên tắc đối với trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.

Bên cạnh đó, UBPLTP có ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Về quan hệ giữa Nhà nước và công dân, UBPLTP cơ bản nhất trí bổ sung quy định “phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” đối với người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; Người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh vào các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương; Người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu, người tham gia lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

UBPLTP cũng cho rằng, việc quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật theo hướng không yêu cầu phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp có lợi cho Nhà nước Việt Nam, không làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam và giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam (khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật), UBPLTP cơ bản tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 19 của Luật Quốc tịch Việt Nam như quy định tại khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật.

Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để quy định phù hợp điều kiện “có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam” đối với người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, ông nội và bà nội, ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; làm rõ thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên có cần liên tục hay không.

Khoản 1 Điều 23 của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành quy định 6 trường hợp được xem xét trở lại quốc tịch Việt Nam. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 theo hướng không quy định cụ thể về các trường hợp được xem xét trở lại quốc tịch Việt Nam mà chỉ quy định “Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam”.

UBPLTP cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật và cho rằng, nội dung sửa đổi này là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa yêu cầu tại các văn bản, chỉ đạo của Đảng, tạo điều kiện khuyến khích và thuận lợi hơn cho những người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam, góp phần hạn chế tình trạng không quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời phù hợp với thay đổi của tình hình thực tiễn, bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Luật.

Ngoài ra, UBPLTP cũng tán thành việc quy định trong Luật các điều kiện cơ bản, mang tính nguyên tắc đối với trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài và giao Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện này như thể hiện tại khoản 5 Điều 23 của Luật Quốc tịch Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 7 Điều 1 của dự thảo Luật.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-loat-de-xuat-moi-nhat-ve-dieu-kien-duoc-tro-lai-quoc-tich-viet-nam-post611962.antd