Ngày 20/2 (tức 11 tháng Giêng), tại đền Sái (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã diễn ra lễ rước “vua sống", "chúa sống" độc đáo duy nhất trên cả nước.
Lễ hội có sự tịch bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng ma gà giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành.
Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa. Năm nay vào vai chúa là ông Ngô Vĩnh Nô (72 tuổi).
Nghi lễ chém gà bằng kiếm gỗ với bát tiết giả thu hút đông đảo người xem ở sân sau đền Thượng. Tương truyền ma gà trắng núp dưới chân núi Thất Diệu Sơn bị thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay tiêu diệt nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa.
Vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết, nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả.
Trong khi rước, kiệu "chúa" được hàng 12 thanh niên khỏe mạnh thay nhau khiêng, cứ khoảng 5 phút lại có nghi thức xoay và chạy kiệu. Mỗi lần như vậy, "chúa" an tọa ở trên cao lại vung kiếm thị uy.
Người vinh dự được dân làng chọn vào vai 'Vua' là ông Trần Tiến Tĩnh (74 tuổi) vị cao niên uy tín trong làng, gia đình gương mẫu, văn hóa, con cháu hạnh phúc, đề huề.
Trên đường hành lễ, vua sẽ tung tiền như một phép ban "lộc" cho nhân dân và những người tham gia lễ hội.
Những người đứng hai bên đường mong muốn lộc của 'chúa' và 'vua' sẽ mang lại điều bình an cho mọi người.
Trước mỗi đoàn kiệu rước còn có đội quân tốt nhí là cháu chắt của các bô lão cũng như các vũ công múa những điệu múa uyển chuyển, bắt mắt.
Bên cạnh vai vua và chúa, người dân Thụy Lôi còn rước kiệu võng chở 4 vị quan Thị vệ, quan Tán lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ cùng các thê thiếp, con cháu của họ. Những người trên 60 tuổi được lựa chọn đóng vai này.
Hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương tỏ ra hào hứng, phấn khởi tham gia lễ hội rước kiệu vua, kiệu chúa sống ở đền Sái.
Việt Linh