Tối ngày 26-8, tức 11-7 Âm lịch, chùa Kim Sơn Lạc Hồng (nằm trong khuôn viên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, tỉnh Hòa Bình) đã tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu. Buổi lễ đã thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử trong và ngoài địa phương tham gia.
Video: Hàng nghìn người tham dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu
Mở đầu đêm đại lễ là vở diễn kể lại sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên cứu mẹ. Đây là sự tích đẹp trong Phật giáo. Hình tượng Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ cũng trở thành nguồn gốc ra đời cho ngày Vu Lan báo hiếu, thể hiện rõ chữ hiếu của người làm con.
Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ mà đã trở thành ngày lễ mang tính nhân văn, nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với đấng sinh thành.
Tất cả đều trang nghiêm thành kính nhớ về tiền nhân của mình, cùng tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc tại Lễ Vu Lan báo hiếu.
Đêm lễ tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng đã diễn ra các nghi thức tâm linh và đáng chú ý hơn cả trong ngày này là nghi thức “bông hồng cài áo”.
Với những người trẻ thì thời khắc thả đèn hoa đăng cầu mong cho cha mẹ, ông bà và người thân luôn mạnh khỏe, bình an và gặp mọi điều tốt lành được mong đợi hơn cả. Đây là một trong những truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt trong mùa Vu Lan báo hiếu mỗi năm.
Vu Lan nhắc nhở công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nhiều người đã không kìm được niềm xúc động.
Sau nghi lễ bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo, nghi lễ này là cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc.
Hàng nghìn người rước đèn hoa đăng đi thả trong đêm đại lễ Vu Lan báo hiếu.
Việc thả đèn hoa đăng lên dòng nước còn được hiểu rằng, những vong nhân đã khuất sẽ theo những ánh sáng ấm áp mà bỏ đi những oan khiên thù hận, bước theo con đường giải thoát khổ đau. Những ngọn hoa đăng được thắp lên sáng rực, lấp lánh dưới mặt nước lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.