Đặc sản bò một nắng ở Phú Yên nức tiếng gần xa. Theo người dân ở đây, đồng bào xưa bảo quản thực phẩm bằng cách ướp muối thịt, phơi nắng hoặc hong khói trên gác bếp để ăn dần. Qua thời gian, món ăn dần được nâng cấp và trở thành đặc sản địa phương, cùng với muối kiến vàng, thứ gia vị độc đáo của người Ê-đê.
Bà Lý Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh cho biết ,sản phẩm bò một nắng của địa phương đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Thời gian qua, huyện quan tâm hỗ trợ các xưởng sản xuất làm hồ sơ tham gia OCOP, khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị trên cả nước, nhất là các điểm trưng bày nhằm giới thiệu với du khách. Nghề làm bò một nắng cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức lương trung bình 5-10 triệu đồng tùy vào công việc.
Đặc sản bò một nắng ở Phú Yên nức tiếng gần xa.
Anh Nguyễn Đình Hội, 35 tuổi, chủ một xưởng sản xuất bò một nắng ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, cho biết trung bình mỗi tháng cơ sở làm ra 1-2 tấn sản phẩm, chủ yếu bán qua kênh trực tuyến, riêng thời điểm giáp Tết Nguyên đán làm khoảng 4 tấn. “Những ngày gần Tết, nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn, cơ sở nhận nhiều đơn hàng, giá mỗi kg bò một nắng bán ra thị trường khoảng 550.000-600.000 đồng, phụ thuộc vào chi phí vận chuyển”, anh Hội nói, để có được 1kg thành phẩm, phải cần 1,7 đến 2kg nguyên liệu thịt bò tươi, phải là loại bò ngon, từng miếng thịt đùi, thăn bò đỏ au còn nguyên tản.
Theo anh Hội, nguồn nguyên liệu đều được lấy từ các lò ở địa phương, rồi đưa về và thái ra từng miếng to cỡ bàn tay theo thớ thịt để bò không bị dai.
Sau đó ướp với các loại gia vị tự nhiên như sả tươi, ớt băm nhuyễn kèm với các gia vị đặc trưng trong 3-4 giờ để thịt bò thấm đều.
Các cơ sở cho vào lò sấy với mức nhiệt 35-40 độ C trong khoảng 4-5 tiếng, hoặc trời nắng to thì đưa ra phơi khoảng 5-6 tiếng. Đây là công đoạn rất quan trọng, giúp miếng thịt se lại, tạo màu nâu đỏ hấp dẫn.
Bò một nắng sau khi phơi, hoặc sấy được cho vào túi hút chân không để đảm bảo vệ sinh, cùng với đó kèm thêm muối trứng kiến vàng để người ăn thưởng thức.
Bà Trần Thị Thu Nguyệt, 51 tuổi, gần nhà anh Hội cũng là cơ sở sản xuất bò một nắng có tiếng, chia sẻ muối kiến vàng được làm từ loại kiến vàng do người dân lấy ở tự nhiên, xử lý sạch sẽ, thêm muối, ớt cùng một số gia vị khác, tạo ra thứ gia vị để thưởng thức bò một nắng chuẩn vị.
“Để bò một nắng ngon, khác biệt thì phải đảm bảo sự sạch sẽ, gia vị riêng có”, bà Nguyệt bật mí.
Huyện Sông Hinh có hơn 18 nghìn con bò cỏ giống phủ khắp các xã, do khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi giống bò này. Đây cũng là lợi thế cho người dân mạnh dạn phát triển ngành nghề làm bò một nắng, mang lại lợi ích kinh tế cao.
Đức Thảo