Mỹ rút khỏi WHO, cú hích cho cải cách?

Việc Mỹ rút khỏi WHO có thể khiến tổ chức này mất đi nguồn tài trợ và chuyên môn lớn, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy WHO đổi mới mạnh mẽ.

Mỹ dự kiến sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 1-2026, theo lời phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq. Cơ quan này từ tháng 1 đã nhận được một lá thư chính thức từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Mỹ rút khỏi tổ chức này.

Từ đây đến thời điểm Mỹ chính thức rời WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã được đề nghị ngừng các hoạt động và liên lạc tiếp theo với WHO, theo kênh Channel News Asia.

Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ gây gián đoạn rất lớn, và có thể gây ra hậu quả thảm khốc nếu một đại dịch mới bùng phát.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hôm 20-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hôm 20-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Vai trò lớn của WHO?

WHO được thành lập vào năm 1948 với mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân trên toàn cầu. Hiến chương của WHO nêu rõ "sự phát triển không đồng đều" trong hệ thống y tế của các quốc gia là "mối nguy chung". Mục tiêu của tổ chức là "đạt được mức độ sức khỏe cao nhất có thể cho tất cả mọi người".

Ngày nay, WHO hoạt động tại hơn 150 quốc gia trên khắp thế giới, là cơ quan dẫn đầu các nỗ lực mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế toàn dân và chỉ đạo phản ứng quốc tế đối với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.

Thành tựu đáng chú ý nhất của WHO là xóa sổ bệnh đậu mùa, cũng là bước đi đầy nỗ lực của tổ chức này khi huy động sự hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, WHO cũng có vai trò lớn trong việc thúc đẩy giải quyết các dịch bệnh lớn như Ebola, COVID-19 trong thời gian gần đây.

Nhiều chuyên gia cho rằng các nước có sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn trong việc đảm bảo sức khỏe người dân trên toàn cầu. Trong đó. WHO có vai trò lớn trong việc đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, dù thế giới có nhiều tổ chức đa phương (như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc – UNICEF), quan hệ đối tác công tư (Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng), các quỹ tư nhân (Quỹ Gates) và các tổ chức phi chính phủ quốc tế (Bác sĩ Không Biên giới) đóng góp vào việc quản lý sức khỏe toàn cầu, nhưng không có tổ chức nào sánh được với phạm vi và vai trò của WHO.

WHO cũng sở hữu quyền hạn có một không hai để tạo ra sự đồng thuận về chính sách giữa các chính phủ và thiết lập các chuẩn mực y tế quốc tế. Tất cả quốc gia thành viên WHO ít nhiều đều hưởng lợi từ các dự án của tổ chức này.

Mỹ rút khỏi WHO sẽ để lại khoảng trống lớn

Việc Mỹ rút khỏi WHO tạo ra một khoảng trống lớn về tài trợ và chuyên môn kỹ thuật, không chỉ liên quan các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe mà còn cả các chương trình dài hạn như xóa sổ bệnh bại liệt. Về mặt tài chính, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO trong lịch sử. Mỹ đã cung cấp 1,28 tỉ USD trong chu kỳ ngân sách 2022-2023, chiếm 16,3% tổng số tiền đóng góp. Đức đứng thứ hai với 10,9%.

Ngoài hỗ trợ tài chính, các quan chức chính phủ Mỹ cũng đã cung cấp chuyên môn kỹ thuật và khả năng lãnh đạo, thông qua các hội đồng cố vấn và các nhóm làm việc trực tiếp tại WHO. Mỹ cũng đã hợp tác với WHO trong việc điều tra và ứng phó với các đợt bùng phát dịch trên toàn thế giới.

 Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bước vào khu vực điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola tại Uganda. Ảnh: CNN

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bước vào khu vực điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola tại Uganda. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Mỹ cũng có thể đối mặt một số bất lợi khi rút khỏi tổ chức hợp tác y tế lớn nhất hành tinh.

Phát biểu hôm 21-1, Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông cảm thấy "đáng tiếc" về quyết định của ông Trump. Ông Tedros nhấn mạnh rằng Mỹ cũng được hưởng lợi khi là thành viên của WHO.

"Trong hơn bảy thập niên, WHO và Mỹ đã cứu vô số sinh mạng, bảo vệ người Mỹ và tất cả mọi người khỏi các mối đe dọa về sức khỏe. Cùng nhau, chúng ta đã chấm dứt bệnh đậu mùa và cùng nhau đưa bệnh bại liệt đến bờ vực xóa sổ. Các tổ chức của Mỹ đã đóng góp và hưởng lợi từ tư cách thành viên của WHO” – ông Tedros cho biết.

Động lực để WHO cải cách

Sau quyết định của ông Trump, ngày 5-2, Tổng thống Argentina – ông Javier Milei tuyên bố nước này cũng sẽ rời khỏi WHO. Channel News Asia cho rằng điều này có khả năng sẽ khiến nhiều nước thực hiện các bước đi tương tự.

Do đó, để tránh tình trạng các nước ồ ạt rút khỏi WHO, tổ chức này cần cải cách trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hoạt động tài chính và ra quyết định.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, WHO đã thực hiện nhiều bước cải cách mang tính lịch sử đối với mô hình tài trợ của tổ chức để giúp công việc của tổ chức này bền vững và linh hoạt hơn. Vào tháng 5-2024, các quốc gia thành viên WHO đã đồng ý tăng dần các khoản đóng góp bắt buộc để nâng khoản đóng góp này chiếm 50% ngân sách cốt lõi của WHO, từ đây đến trước giai đoạn 2030-2031.

 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

Trong thập niên qua, các khoản đóng góp bắt buộc chỉ chiếm chưa đến 20% ngân sách cốt lõi của WHO. Phần lớn nguồn tài trợ của tổ chức này là thuộc các khoản đóng góp tự nguyện, thường được dành riêng cho các chương trình và dự án cụ thể. Điều này khiến một số bên lo ngại rằng các ưu tiên chiến lược của WHO đang được chính nhà tài trợ lớn định hình, thay vì nhu cầu y tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Tedros cũng đã công bố các biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm ngưng tuyển dụng và đánh giá lại các chương trình y tế của tổ chức này để có thể kịp thời tăng mức độ ưu tiên hoặc thu hẹp quy mô của các dự án.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/my-rut-khoi-who-cu-hich-cho-cai-cach-post833766.html