Hành động để bảo vệ ĐBSCL
Ngày 15-5, tại TP Cần Thơ, Báo SGGP phối hợp UBND TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu - Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức hội thảo 'Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL'. Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP; PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM.
Thay đổi cách ứng xử với ĐBSCL
Tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đến vùng ĐBSCL không phải là câu chuyện mới. PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, nhìn nhận, khô hạn và xâm nhập mặn là hiện tượng bình thường hàng năm ở vùng ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, trong hơn 2 thập niên qua, hiện tượng này có xu thế gia tăng, có năm trở nên cực đoan. Không chỉ trong mùa khô, mà ngay cả mùa mưa cũng “thiếu” nước, khi lũ về giảm rõ rệt. Thiếu hụt nguồn nước sạch, không đủ nước tưới, đất canh tác bỏ hoang, lượng nước sông Cửu Long hiện nay chỉ đủ cung cấp nước tưới an toàn cho 700.000-800.000ha đất trồng lúa. Ngoài ra, xuất hiện sạt lở, sụt lún ở các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang…; tình trạng cháy rừng cũng diễn ra liên tiếp. Nhiều địa phương xây dựng cống ngăn mặn, đê bao canh tác, vô tình khiến tình trạng xâm nhập mặn nặng nề hơn.
Điều này cũng là trăn trở của nhiều đại biểu tại hội thảo. Chính cách ứng xử của con người là yếu tố tác động cực kỳ lớn đến tình trạng cực đoan hiện nay ở ĐBSCL. Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có 3 tác động làm cho ĐBSCL khó khăn là: biến đổi khí hậu, con người tại chỗ và tác động của thượng nguồn. Trong đó, cần nhìn nhận rằng, yếu tố con người tại chỗ là rất lớn, gia tăng mức độ tác động khi kết hợp với biến đổi khí hậu và các hoạt động ở thượng nguồn; đặc biệt là tình trạng khai thác cát, khai thác nước ngầm quá mức.
Tại hội thảo, đại diện nhiều công ty cấp nước ở ĐBSCL và TPHCM nêu những thách thức quá lớn của ngành cấp nước trong bối cảnh hiện nay. Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng Đặng Văn Ngọ nói, nếu như trước đây khoan 30m là có nước, thì nay ở những giếng sâu hơn rất nhiều mà nước vẫn bị nhiễm mặn. Sử dụng nước ngầm khiến nguồn nước sụt giảm, sụt lún, tuy nhiên giải pháp cụ thể vẫn chưa có. Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang Bùi Trọng Lực cho biết, tỉnh đang thử nghiệm bổ cập nước ngầm với sự hỗ trợ về kinh phí, chuyên môn của các tổ chức nước ngoài. Bàn thêm về giải pháp ứng phó, bà Võ Xuân Khanh, Trưởng bộ phận Kỹ thuật, Sản xuất, Phòng Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) nêu, Sawaco trang bị các thiết bị giám sát chất lượng cho các trạm cấp nước; phối hợp liên ngành, liên địa phương trong ứng phó xử lý các sự cố.
Nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên!
Trình bày về định hướng các giải pháp thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho ĐBSCL, PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thủy lợi miền Nam, cho rằng, ĐBSCL đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược. Đó là việc phát triển thủy điện ở thượng lưu sông Mê Công làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; tình trạng biến đổi khí hậu - nước biển dâng; và tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng. Dưới các tác động lớn, mức độ ngày càng tăng, ĐBSCL đang dần được định hình lại so với lịch sử, với các đặc trưng cơ bản mới bất lợi hơn rất nhiều so với tự nhiên trước đây.
Từ đó, ông khuyến nghị việc phát triển ĐBSCL theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong các quan điểm của Bộ NN-PTNT về phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL, đáng chú ý là việc coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nước mặn, nước ngọt, hay nước lợ cũng đều là tài nguyên; chủ động sống chung với lũ, với nước lợ, nước mặn. “ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô nước vẫn về ĐBSCL 60-70 tỷ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3. Vấn đề là giữ nước để sử dụng”, PGS-TS Trần Bá Hoằng nói.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cũng cho rằng, cần có công trình trữ nước ngọt cấp khu vực. Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Nhựa Bình Minh kiến nghị, ngành chức năng và công ty cấp nước triển khai thêm các dự án cung cấp nước sạch cho người dân vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Năm nay, công ty đã tài trợ hơn 13.000m ống nước cho các địa phương trong vùng.
Nông nghiệp “thuận thiên”
Là vựa lúa của cả nước, nên nhiều giải pháp cho ĐBSCL đều xoay quanh câu chuyện duy trì, phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho biết, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong ngành lúa gạo, với gần như tất cả tỉnh thành ĐBSCL tham gia. Đề án giúp giảm giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước, quản lý rơm rạ; triển khai quản lý mã vùng trồng; tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản…; cùng với đó là cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon mang về thêm thu nhập cho ĐBSCL.
Là một trong những đơn vị tiên phong hưởng ứng chuyển đổi sản xuất bền vững với đề án trên, Tập đoàn Lộc Trời đến nay đã tổ chức liên kết sản xuất với gần 300.000 nông hộ trên diện tích gần 300.000ha. Mô hình canh tác “Mặt ruộng không dấu chân” được cơ giới hóa đồng bộ kết hợp drone phun thuốc của Lộc Trời giúp lượng lúa giống sạ giảm từ 300kg/ha xuống chỉ còn 80-100kg/ha, tiết kiệm được 20% lượng nước sử dụng và giảm 20%-30% lượng phân bón.
Nông dân Cao Văn Tấn (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), người có 35ha đất trồng lúa, cho biết, việc liên kết, hình thành nên những cánh đồng lớn chính là chìa khóa cho phát triển nông nghiệp bền vững ở miền Tây. Cần sớm có quy hoạch cụ thể vùng nào sản xuất lúa 2 vụ, vùng nào sản xuất lúa 3 vụ/năm, tăng diện tích lúa chỉ sản xuất 2 vụ/năm để dành một phần đất còn lại trữ nước trong mùa nước nổi.
Mô hình luân canh lúa - tôm được PGS-TS Lê Anh Tuấn khuyến nghị, coi đây là mô hình thuận thiên một cách thông minh. Về lâu dài, cần giảm diện tích lúa chuyển sang thủy sản rau màu và cây ăn trái, tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để phát triển theo hướng này, như tận dụng phụ phế phẩm từ tôm, cá tra, lúa, cây ăn quả.
Từ góc độ xây dựng chính sách, ông Phạm Văn Sỹ, chuyên viên Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, cho biết, theo chính sách ứng phó biến đổi khí hậu quốc gia, vùng ĐBSCL sẽ có các hoạt động như: điều tra đánh giá các nguồn nước dưới đất; phát triển các trung tâm về nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu hướng đến phát triển bền vững, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; xây dựng các công trình giao thông chú trọng các khu vực dễ bị tổn thương…
Đến tham dự hội thảo còn có các đại biểu: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ; PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại tá Trần Văn Ngạn, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 9; TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL; PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ; Ban Biên tập báo SGGP, cùng 120 đại biểu là chuyên gia, lãnh đạo sở ngành, quận huyện, các doanh nghiệp đồng hành…
Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự từ xa của TS Sepehr Eslami, Trung tâm nghiên cứu về đồng bằng châu thổ Hà Lan (Deltares); GS-TS Ngô Đức Tuấn, Trường Đại học Melbourne (Australia) và nhiều đại biểu tham dự trực tuyến.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hanh-dong-de-bao-ve-dbscl-post740062.html