Nắng nóng có nên dùng nước dừa thay nước lọc?
Nhiều người chọn nước dừa để giải nhiệt mùa nắng nóng nhưng nếu uống quá nhiều, thay nước lọc, sử dụng không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), mùa nắng nóng, nhu cầu giải khát, bù nước và làm mát cơ thể tăng cao. Trong số các loại thức uống tự nhiên, nước dừa là lựa chọn phổ biến vì có vị ngọt nhẹ, dễ uống, đồng thời chứa nhiều khoáng chất cần thiết.
Tuy nhiên, việc sử dụng nước dừa mỗi ngày hoặc uống quá nhiều trong thời gian dài không phải là lựa chọn an toàn cho tất cả mọi người.
Nước dừa tươi chứa đến 95% là nước, giàu chất điện giải như kali, natri, canxi và magiê. Cụ thể, một ly nước dừa khoảng 240ml có đến 600mg kali, tương đương 12% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày, cùng 252mg natri, 57,6mg canxi và 60mg magiê – chiếm khoảng 10% nhu cầu canxi và magiê của cơ thể. Nhờ đó, nước dừa giúp phục hồi thể trạng nhanh chóng sau vận động, mát gan, lợi tiểu và làm dịu cơn khát.

Nước dừa tươi chứa đến 95% là nước, giàu chất điện giải như kali, natri, canxi và magiê. (Ảnh minh họa)
Không chỉ vậy, với chỉ 46 calo và khoảng 10g đường tự nhiên, nước dừa có thể là một trong những lựa chọn thay thế tốt hơn cho nước ngọt có gas, hoặc các loại nước uống đóng chai nhiều đường. Tuy nhiên, dù giàu dưỡng chất, nước dừa không phải là loại nước có thể tiêu thụ tùy ý, nhất là khi cơ thể có những đặc điểm hoặc bệnh lý nền nhất định.
Theo chuyên gia, người có cơ địa “hàn” – thường xuyên bị lạnh bụng, tiêu chảy, chậm tiêu, hay sợ lạnh – không nên dùng nước dừa thường xuyên. Việc nạp một lượng lớn đồ uống có tính mát có thể khiến tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng hơn, gây tiêu chảy kéo dài, ảnh hưởng đến hấp thu dinh dưỡng và sức khỏe đường ruột.
Ngoài ra, nước dừa cũng không phù hợp để uống vào buổi tối. Đặc tính mát và chứa nhiều khoáng chất có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, gây đầy bụng, khó ngủ, nhất là nếu uống kèm đá lạnh hoặc ăn phần cơm dừa. Người suy thận cũng cần thận trọng khi dùng nước dừa, bởi lượng kali và natri cao có thể ảnh hưởng đến chức năng lọc thải của thận nếu dùng không kiểm soát.
Một lưu ý quan trọng là nước dừa không thể thay thế hoàn toàn nước lọc. Việc uống quá nhiều nước dừa trong ngày có thể dẫn đến tình trạng dư thừa khoáng chất, khiến cơ thể mất cân bằng điện giải hoặc tăng lượng đường nạp vào không mong muốn.
Mỗi người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên uống khoảng một quả dừa tươi mỗi ngày, ưu tiên vào ban ngày hoặc sau khi vận động để cơ thể hấp thu tốt hơn.
Nhiệt độ tăng cao khiến nhu cầu làm mát cơ thể là điều cần thiết, nhưng người dân nên lắng nghe phản ứng của cơ thể để sử dụng nước dừa đúng cách. Với người có bệnh lý nền hoặc sức khỏe đặc biệt, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa nước dừa vào chế độ uống hằng ngày.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nang-nong-co-nen-dung-nuoc-dua-thay-nuoc-loc-ar939101.html