Hạnh phúc gia đình là yêu thương và thấu hiểu

Nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Minh Châu (Diễn Châu) xung quanh việc gìn giữ hạnh phúc gia đình.

P.V: Thưa Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê, được biết bà cùng chồng là ông Lê Xuân Hiển đã bên nhau hơn 40 năm, nếm trải biết bao buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau… Vậy bà có thể chia sẻ đôi chút về chặng đường vợ chồng bà đến với nhau cho đến nay?

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê: Tôi cùng chồng đều là người con của làng Vân Tập, xã Diễn Bình, nay là xã Minh Châu, huyện Diễn Châu. Nhà chúng tôi cách nhau chỉ vài chục mét, nên chúng tôi biết đến nhau từ khi còn là 2 đứa trẻ. Lớn lên, chúng tôi lại cùng nhau tham gia vào các hoạt động đoàn thể, hoạt động phong trào ở địa phương, rồi cảm mến nhau. Sau gần 7 năm yêu nhau, năm 1979, tôi cùng anh Hiển chính thức về một nhà. Lúc đó anh Hiển đang công tác trong ngành Giáo dục, còn tôi là cán bộ đoàn thể ở xã.

Cưới nhau được 2 tháng, anh Hiển được ngành Giáo dục điều động vào tăng cường cho các tỉnh Tây Nguyên, còn tôi về làm nhân viên phát hành sách tại hiệu sách huyện Diễn Châu. 3 năm sau, khi chồng hoàn thành nhiệm vụ trở về, tôi mới được hưởng niềm vui làm mẹ. Sau khi có con trai đầu lòng vào năm 1982 và 8 năm sau, vợ chồng tôi có thêm một cháu gái.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lê - ông Lê Xuân Hiển. Ảnh: Minh Quân.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lê - ông Lê Xuân Hiển. Ảnh: Minh Quân.

Sau khi chồng tôi từ Tây Nguyên trở về, chúng tôi chuyển ra sinh sống tại xã Diễn Kỷ, gần thị trấn Diễn Châu. Anh Hiển tiếp tục công tác trong ngành Giáo dục huyện một thời gian rồi chuyển sang Trung tâm Chính trị huyện, rồi Huyện ủy Diễn Châu, còn tôi vẫn gắn bó với công việc của một nhân viên phát hành sách cho đến năm 2009 thì nghỉ hưu. 6 năm sau, năm 2015, sau khi anh Hiển nghỉ hưu, chúng tôi về quê sống ở làng Vân Tập, xã Minh Châu.

Nghỉ hưu, về quê nhưng vốn yêu thích, tích cực với các hoạt động phong trào, vợ chồng tôi lại lăn lội với các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Tôi tham gia vào các hoạt động hội phụ nữ, còn anh Hiển là một cán bộ thôn gương mẫu, tận tụy với công việc. Một trong những dấu ấn mà chúng tôi cảm thấy tự hào là chúng tôi đã khôi phục lại hoạt động của Câu lạc bộ Văn nghệ - Thể thao quần chúng của xã Diễn Bình từng nổi danh trong thập niên 1980, đưa phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của địa phương phát triển sôi nổi trở lại. Đến năm 2018, từ hơn 10 thành viên tích cực của câu lạc bộ này, có niềm say mê và hiểu biết về dân ca ví, giặm, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Diễn Bình, nay là Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Minh Châu và tôi giữ vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ từ đó đến nay.

Phải nói thêm rằng, từ khi còn hoạt động phong trào ở địa phương, tôi đã là "cây" hát dân ca nổi tiếng. Những năm ở huyện, dù công tác trong lĩnh vực phát hành sách nhưng tôi cũng là một trong những hạt nhân văn nghệ của huyện, thường xuyên cùng đội văn nghệ quần chúng của huyện đi biểu diễn ở tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác mà ở đó ngoài biểu diễn, tôi còn viết kịch bản, soạn lời mới cho các vở diễn dân ca ví, giặm.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê (thứ ba từ trái sang) và ông Lê Xuân Hiển (người kéo nhị) tại một buổi sinh hoạt của CLB Dân ca ví, giặm xã Minh Châu. Ảnh: NVCC.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê (thứ ba từ trái sang) và ông Lê Xuân Hiển (người kéo nhị) tại một buổi sinh hoạt của CLB Dân ca ví, giặm xã Minh Châu. Ảnh: NVCC.

Còn về Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Minh Châu, hiện câu lạc bộ có gần 30 hội viên ở nhiều ngành nghề khác nhau, từ nông dân, thợ xây, buôn bán nhỏ cho đến cán bộ công chức và giáo viên. CLB duy trì sinh hoạt ít nhất mỗi tháng 1 lần tại nhà văn hóa xã và các xóm, chủ yếu là tập luyện hát dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh lời cổ, sưu tầm, biên soạn, viết lời mới và tổ chức tập luyện cho các thành viên, những người yêu dân ca ví, giặm trên địa bàn.

Ngoài ra, câu lạc bộ còn tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của địa phương như lễ hội, đón nhận nông thôn mới, đại hội các dòng họ… và đặc biệt là tổ chức giao lưu với nhiều câu lạc bộ dân ca trong tỉnh cũng như ở các tỉnh bạn như: Thái Bình, Hòa Bình… Với những đóng góp cho việc bảo tồn, lan tỏa dân ca ví, giặm, năm 2022, tôi vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

P.V: Đằng sau danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đó, chắc hẳn có sự đóng góp thầm lặng của chồng bà, ông Lê Xuân Hiển?

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê: Đúng vậy! Như tôi đã nói, chúng tôi từng cùng nhau tham gia và đều trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương từ khi còn rất trẻ. Những năm công tác ở huyện, dù ở những lĩnh vực khác nhau nhưng anh Hiển luôn động viên, tạo điều kiện cho tôi tham gia các hoạt động phong trào của huyện.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lê - ông Lê Xuân Hiển tại Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú tỉnh Nghệ An cuối năm 2022. Ảnh: NVCC

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lê - ông Lê Xuân Hiển tại Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú tỉnh Nghệ An cuối năm 2022. Ảnh: NVCC

Nghỉ hưu về quê, chúng tôi lại cùng nhau tham gia các hoạt động phong trào của thôn, của xã như thời còn trai trẻ. Anh Hiển cũng là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Văn nghệ - thể thao và Câu lạc bộ Dân ca, ví giặm của xã Minh Châu. Sự đồng hành của chồng đã tiếp thêm động lực, tạo cho tôi nhiều hứng khởi trong việc tổ chức các hoạt động nhằm lan tỏa dân ca ví, giặm.

P.V: Hơn 40 năm bên nhau, đã khi nào cuộc sống vợ chồng của ông bà có những sóng gió chưa, và ông bà đã vượt qua như thế nào?

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê: Có thể nói, vợ chồng tôi rất may mắn khi biết nhau từ lúc còn là những đứa trẻ, rồi dần thấu hiểu nhau qua quá trình tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương trước khi về chung một nhà. Vì vậy, nhìn chung chúng tôi đã có một cuộc sống gia đình êm ấm.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lê - ông Lê Xuân Hiển luôn thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với nhau. Ảnh: Minh Quân

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lê - ông Lê Xuân Hiển luôn thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với nhau. Ảnh: Minh Quân

Tuy vậy, trong cuộc sống hôn nhân của 2 vợ chồng, đôi lúc cũng có những con sóng nhỏ. Như đã nói, tôi là người hướng ngoại, là hạt nhân trong đội văn nghệ quần chúng của huyện Diễn Châu, thời trẻ khá “được gái” và lại nhiều lần đi biểu diễn xa nhà. Vì vậy, không tránh khỏi bị "buông lời ong bướm", rồi những lời xì xào… Khi anh Hiển biết được những chuyện đó, anh ấy cũng không tránh khỏi việc tỏ thái độ hờn ghen, bực tức. Nhưng là người yêu và hiểu vợ, anh ấy nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, thẳng thắn chia sẻ cảm xúc của mình và bày tỏ sự tin tưởng với vợ, đồng thời động viên tôi tiếp tục tham gia các hoạt động văn nghệ.

Sự yêu thương, tin tưởng của chồng khiến tôi cảm phục và nó đã là “thành trì” giúp tôi tránh được những cám dỗ, vượt qua những dị nghị để có được cuộc sống gia đình hạnh phúc cho đến hôm nay.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Minh Châu (Diễn Châu).

P.V: Tôi cũng được biết rằng, trong cuộc sống gia đình, ông bà cũng từng trải qua một sự mất mát, một nỗi đau rất lớn...

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê: Năm 2007, một biến cố lớn đã xảy đến với gia đình tôi khi con trai đầu và duy nhất của vợ chồng tôi ra đi vĩnh viễn ở tuổi 25 sau một vụ tai nạn giao thông, để lại người vợ trẻ và con gái nhỏ mới 7 tháng tuổi. Trước đó, cháu tốt nghiệp Khoa Chính trị của Phân viện Báo chí tuyên truyền (nay là học viện Báo chí tuyên truyền - PV), kết hôn với một cô bạn học cùng lớp quê ở tỉnh Bắc Giang rồi đưa vợ về quê. Thời điểm đó, con trai chúng tôi đang công tác tại Trung tâm Chính trị huyện, còn con dâu đang bán hàng ở xã Diễn Kỷ.

Mất đi người con trai duy nhất là một mất mát lớn không gì có thể bù đắp được của vợ chồng tôi. Tuy nhiên, sau đó, điều chúng tôi lo lắng nhất là tương lai của con dâu và cháu nội. Con dâu tôi trở thành góa phụ khi mới chỉ 25 tuổi, còn cháu nội cũng không còn được bố bồng bế mỗi ngày. Do đó, vợ chồng tôi dồn hết tình yêu thương cho hai mẹ con, coi con dâu như con gái trong gia đình, thường xuyên gần gũi, trò chuyện để cháu nguôi dần nỗi đau. Rồi vợ chồng tôi cũng tìm cho cháu một công việc nhà nước để có thu nhập ổn định hơn.

Tuy nhiên, là phụ nữ, tôi hiểu được rằng con dâu rồi sẽ cần một người đàn ông để nương tựa nên sau khi giỗ hết khó con trai, tôi khuyên con dâu lên chùa làm lễ cắt duyên để từ đó có thể đi bước nữa. Rồi sau đó cháu cũng có một vài người đàn ông tìm đến nhưng điều đặc biệt là tất cả mọi chuyện cháu đều tâm sự với tôi, rồi đi đến quyết định rằng “con sẽ không đi bước nữa vì sợ phải xa bố mẹ, sợ không có bố mẹ chồng nào thương con hơn bố mẹ!”. Sau đó, trong quá trình công tác, cháu đã phấn đấu và trưởng thành, đã trở thành Huyện ủy viên, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, Bí thư Đảng ủy một xã của huyện Diễn Châu. Còn cháu nội tôi là học sinh xuất sắc của Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê cùng con gái (bên trái) và các cháu nội, ngoại. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê cùng con gái (bên trái) và các cháu nội, ngoại. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, con gái tôi cũng có một gia đình yên ấm, có 2 cháu trai đều chăm ngoan, học giỏi. So với nhiều cặp vợ chồng khác, tôi không đông con cháu nhưng giữa vợ chồng tôi và con cháu, dâu rể luôn có sự gắn bó bền chặt. Ở địa phương, gia đình tôi nhiều năm liền được bình chọn gia đình văn hóa tiêu biểu.

P.V: Theo bà, đâu là “bí quyết” để gia đình có được niềm hạnh phúc, có được sự gắn bó bền chặt như vậy?

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê: Một gia đình hạnh phúc không chỉ là phải đầy đủ về mặt vật chất mà mọi người trong gia đình khỏe mạnh, có công việc ổn định; luôn chung sống hòa thuận, biết quan tâm lẫn nhau. Chắc chắn rằng, mỗi gia đình sẽ có những cách thức hiệu quả cân đối giữa công việc và gia đình, để cố gắng giữ trọn vẹn những giá trị hạnh phúc. Còn với gia đình tôi, hạnh phúc đơn giản là được yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ.

Vợ chồng ông Hiển - bà Lê (giữa) cùng biểu diễn trong một chương trình văn nghệ ở địa phương. Ảnh: NVCC

Vợ chồng ông Hiển - bà Lê (giữa) cùng biểu diễn trong một chương trình văn nghệ ở địa phương. Ảnh: NVCC

Để có được cuộc sống yên ấm, an nhiên như bây giờ, vợ chồng tôi cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn. Đó là khó khăn về kinh tế, rồi xa cách khi mới về chung nhà, những mâu thuẫn, khúc mắc khó tránh khỏi và cả những mất mát như tôi đã kể. Nhưng chúng tôi luôn xác định rằng, yêu thương và chia sẻ là cốt lõi của hạnh phúc gia đình và mỗi thành viên phải thực sự là người xây tổ ấm. Ai cũng có những khiếm khuyết và tôi tin chắc rằng, bằng sự yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ, chỉ những người trong gia đình mới đủ nhân ái, độ lượng và kiên nhẫn để giúp nhau gọt giũa, hoàn thiện.

Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, khi buồn, hay vui… thì gia đình đều là nơi đầu tiên vợ chồng tôi muốn trở về và người chồng - người vợ là người đầu tiên mỗi chúng tôi muốn sẻ chia mọi nỗi niềm.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lê - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Minh Châu (Diễn Châu)

Từ đó, sự đồng cảm, thấu hiểu, niềm tin giữa vợ chồng tăng lên và chỉ khi niềm tin đối với nhau được trọn vẹn thì hạnh phúc sẽ đong đầy. Vợ chồng tôi đã có được niềm tin ấy hơn 40 năm qua và chúng tôi luôn cố gắng lan tỏa điều đó đến thế hệ con cháu, luôn nỗ lực để gia đình chúng tôi là “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”.

P.V: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Minh Quân

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/hanh-phuc-gia-dinh-la-yeu-thuong-va-thau-hieu-10274733.html