Hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt trời sắp lộ diện?
Các nhà thiên văn học vừa công bố phát hiện một ứng cử viên tiềm năng cho hành tinh thứ 9 - giả thuyết về một hành tinh khổng lồ chưa được phát hiện nằm ở vùng xa nhất của hệ mặt trời.
Theo Live Science, nếu được xác nhận, đây có thể là lần đầu tiên nhân loại có cái nhìn trực tiếp về một hành tinh từng chỉ tồn tại trên lý thuyết. Tuy nhiên, như mọi nghiên cứu trước đó về hành tinh thứ 9, phát hiện mới ngay lập tức vấp phải sự nghi ngờ từ cộng đồng khoa học.

Giả thuyết về sự tồn tại của hành tinh thứ 9 được đưa ra nhằm lý giải quỹ đạo bất thường của một số thiên thể nằm trong vành đai Kuiper - Ảnh: Shutterstock
Một chấm sáng lạ
Phát hiện này được công bố bởi Terry Phan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa (Đài Loan) và các cộng sự. Trong quá trình phân tích dữ liệu hồng ngoại từ hai vệ tinh cũ - IRAS (phóng năm 1983) và AKARI (hoạt động 2006-2011), nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một chấm sáng bất thường xuất hiện đồng nhất trên cả hai bộ dữ liệu và có vẻ di chuyển chậm, phù hợp với quỹ đạo của một vật thể lớn và xa xôi trong hệ mặt trời.
"Tôi đã vô cùng phấn khích. Đây là phát hiện khơi dậy rất nhiều động lực trong nhóm nghiên cứu", ông Phan chia sẻ.
Dù được mô tả là một “ứng cử viên tốt”, chấm sáng này vẫn chỉ là một dấu hiệu tiềm năng. Không có hình ảnh rõ ràng, không có xác định quỹ đạo đầy đủ, và chưa có quan sát nào từ các thiết bị hiện đại hơn.
Sự nghi ngờ đến ngay lập tức từ những người kỳ cựu trong lĩnh vực, trong đó có Mike Brown - nhà thiên văn học tại Viện Công nghệ California (Mỹ), người đã cùng đồng nghiệp lần đầu tiên đề xuất khái niệm hành tinh thứ 9 vào năm 2016.
Brown cho biết ông đã tính toán lại quỹ đạo của vật thể này dựa trên tín hiệu hồng ngoại và kết luận rằng nó có độ nghiêng khoảng 120 độ so với mặt phẳng hoàng đạo, trong khi giả thuyết về hành tinh thứ 9 dự đoán độ nghiêng chỉ từ 15–20 độ. Hơn nữa, vật thể dường như quay theo hướng ngược lại với tất cả các hành tinh còn lại trong hệ mặt trời.
“Sự khác biệt đó không có nghĩa là vật thể không tồn tại. Nhưng nó có nghĩa rằng nó không phải là hành tinh thứ 9 theo mô hình mà chúng tôi đã dự đoán”, ông nói.
Theo ông Brown, nếu tín hiệu hồng ngoại thực sự là một hành tinh, thì theo tính toán của ông, hành tinh này không thể tồn tại đồng thời với hành tinh thứ 9 theo giả thuyết ban đầu, vì quỹ đạo của hai hành tinh sẽ làm mất ổn định lẫn nhau. Do đó, ứng cử viên mới này có thể là một hành tinh hoàn toàn khác, thậm chí có khả năng bác bỏ luôn giả thuyết về hành tinh thứ 9.
Hành tinh thứ 9 là gì và vì sao nó quan trọng?
Ý tưởng về hành tinh thứ 9 xuất hiện nhằm lý giải những quỹ đạo kỳ lạ của một số vật thể trong vành đai Kuiper - một vùng chứa các thiên thể băng giá nằm xa hơn sao Hải Vương (hành tinh thứ 8 và là hành tinh cuối cùng trong hệ Mặt trời). Một số nhà khoa học cho rằng, sự bất thường trong chuyển động của các vật thể này chỉ có thể được giải thích nếu có một hành tinh lớn, chưa được phát hiện, đang tác động hấp dẫn từ xa.
Giả thuyết này cho rằng hành tinh thứ 9 sẽ có khối lượng gấp 5 đến 10 lần Trái đất, quay quanh Mặt trời theo quỹ đạo hình elip rất dẹt, với khoảng cách xa nhất lên tới hàng trăm tỉ kilomet. Chính vì vị trí xa như vậy, nó đã tránh khỏi ống kính của các kính viễn vọng hiện nay - và cũng là lý do khiến giới khoa học vẫn chưa có được bằng chứng trực tiếp.
Dữ liệu cũ, kỳ vọng mới
Việc nhóm của Phan tìm kiếm trong dữ liệu của các vệ tinh cũ như IRAS và AKARI cho thấy giá trị còn sót lại của kho dữ liệu thiên văn chưa được khai thác hết.
Bằng cách so sánh các hình ảnh hồng ngoại chụp cách nhau hàng chục năm, họ đã tìm cách phát hiện chuyển động cực kỳ chậm của vật thể ở khoảng cách xa - phù hợp với giả thuyết về một hành tinh quay xa Mặt trời.
Sau khi loại trừ các vật thể đã biết trong cùng dữ liệu, nhóm nghiên cứu chỉ còn lại một vài ứng cử viên tiềm năng. Trong số đó, một chấm sáng có màu sắc và độ sáng tương đương trên cả hai tập dữ liệu được xác định là ứng cử viên đáng chú ý nhất.
Tuy nhiên, như chính nhóm nghiên cứu thừa nhận, chỉ các quan sát tiếp theo mới có thể xác định rõ bản chất và quỹ đạo của vật thể này.
Cộng đồng khoa học hiện đặt nhiều kỳ vọng vào đài quan sát Vera C. Rubin, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2025 tại Chile. Với hệ thống máy ảnh kỹ thuật số lớn nhất từng được chế tạo, Rubin sẽ có khả năng quan sát sâu hơn bất kỳ kính thiên văn mặt đất nào trước đó.
Nếu hành tinh thứ 9 - hoặc bất kỳ hành tinh chưa biết nào - thực sự tồn tại, đài quan sát Rubin được kỳ vọng sẽ tìm thấy bằng chứng trực tiếp trong vòng một hoặc hai năm sau khi hoạt động. Đây được xem là bước ngoặt trong nỗ lực kéo dài nhiều thập kỷ nhằm làm rõ ranh giới thực sự của hệ Mặt trời.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hanh-tinh-thu-9-trong-he-mat-troi-sap-lo-dien-232191.html