Hành trình bứt phá của đôi vợ chồng trẻ

Đang làm nhân viên tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với mức lương gần 40 triệu đồng, nhưng vợ chồng anh Đào Văn Hà và chị Trần Thị Thanh Thanh (ở tổ dân phố Quang Minh, phường Bách Quang, TP. Sông Công) đã quyết định chuyển hướng khởi nghiệp bằng nghề nuôi và chế biến ốc nhồi. Từ đó mang lại thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Những lúc cao điểm, cơ sở sản xuất của gia đình anh Đào Văn Hà xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 khay chả ốc/ngày.

Những lúc cao điểm, cơ sở sản xuất của gia đình anh Đào Văn Hà xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 khay chả ốc/ngày.

Sinh năm 1991 nhưng anh Đào Văn Hà đã có cơ ngơi mà nhiều người mơ ước. Khu vườn rộng trồng nhiều loại cây như: sả, ớt để làm gia vị chế biến ốc. Ngôi nhà rộng rãi, khang trang, liền kề là khu xưởng chế biến ốc, bên trong được trang bị máy móc hiện đại, đảm bảo quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rót chén trà Thái Nguyên nóng hổi mời khách, anh Đào Văn Hà chia sẻ: Tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Việt Đức năm 2012, sau đó vào làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Mặc dù công việc ổn định nhưng tôi vẫn nung nấu ước mơ khởi nghiệp làm giàu.

Trong quá trình tìm hiểu, anh Hà nhận thấy thị trường ẩm thực ngày càng ưa chuộng các món ăn dân dã, trong đó ốc nhồi là món đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Để chuẩn bị cho hành trình mới, anh đã đi nhiều nơi như các huyện Võ Nhai, Đại Từ, Phú Bình (Thái Nguyên), thậm chí sang cả tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để học hỏi kinh nghiệm.

Trong mỗi chuyến đi, anh đều ghi chép tỉ mỉ mọi thông tin từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc đến các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của con ốc, sau đó bắt tay vào thực hiện ước mơ khởi nghiệp.

Bằng đồng vốn chắt chiu của bản thân, anh Hà đã thuê máy móc, nhân công đào ao, thuê thêm ruộng (gần 2.000m2) để thả hơn 10 vạn ốc giống. Kể về sự vất vả những ngày đầu khởi nghiệp, anh chia sẻ: Nhiều đêm trời mưa to, tôi không dám ngủ vì lo bờ ao bị vỡ, ốc sẽ ra ngoài. Những lúc thay đổi thời tiết cũng phải túc trực 24/24 giờ để theo dõi, vì sợ ốc bị nhiễm bệnh chết.

Cẩn thận là vậy nhưng vài lần anh vẫn bị thất bại. Đơn cử, lứa ốc thứ ba (năm 2021), vào mùa mưa, nước lũ dâng cao đã cuốn trôi toàn bộ ốc trong khu chăn nuôi, năm đó anh mất trắng hơn 100 triệu đồng đầu tư mua giống. Anh Hà tâm sự: Nhiều lúc khó khăn tưởng chừng muốn bỏ cuộc, nhưng đằng sau tôi luôn có người vợ tảo tần động viên, hỗ trợ.

Việc quyết tâm khôi phục lại vùng nuôi ốc và mua con giống mới về thả đã giúp gia đình anh Hà có những vụ ốc kế tiếp thắng lợi. Ở thời điểm đó, giá ốc thương phẩm dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg. Mỗi lứa nuôi kéo dài khoảng 5 tháng, trừ chi phí, gia đình anh lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Nuôi ốc mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng lợi nhuận từ việc chế biến các món ăn về ốc cũng lớn, năm 2023, anh Hà quyết định chuyển hẳn sang chế biến ốc, với sản phẩm đưa ra thị trường là chả ốc ống nứa Hải Đăng Food. Anh đầu tư xây dựng 60m² nhà xưởng, tuyển từ 8-10 lao động làm việc thời vụ. Sản phẩm làm ra đến đâu được anh tích cực quảng bá thông qua mạng xã hội.

Việc bán hàng thuận lợi, anh đang mở rộng quy mô xưởng lên 200m², tuyển khoảng 50 công nhân chế biến ốc nhằm đáp ứng các đơn hàng khách đặt.

Hiện nay, mỗi ngày cao điểm, cơ sở sản xuất của gia đình anh Hà xuất bán khoảng 2.000 khay chả ốc. Mức lương trả cho người lao động khoảng 300.000 đồng/ngày. Doanh thu của cơ sở mỗi năm đạt gần 2 tỷ đồng.

Anh Trần Doãn Ngọc, Bí thư Đoàn phường Bách Quang, TP. Sông Công, nhận xét: Anh Đào Văn Hà không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn năng nổ, nhiệt tình trong công tác đoàn.

Nói về bản thân, anh Đào Văn Hà chia sẻ: Tôi không thích sống trong vùng an toàn, mà muốn mình luôn bứt phá, thử sức khả năng bản thân. Tôi tin khi mình nỗ lực, cố gắng hết mình thì thành công sẽ đến.

Sơn Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/hanh-trinh-but-pha-cua-doi-vo-chong-tre-79e0ce2/