Hành trình đến với biển, đảo Tây Nam

Với những người làm báo, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Kỷ niệm đó, họ không giữ cho riêng mình mà phản ánh, chia sẻ với bạn đọc để mọi người hiểu hơn về cuộc sống, công việc của người dân trên mọi miền đất nước. Và chuyến đi thăm cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Đó là tình cảm hồn hậu của người dân miền biển, là sự khắng khít của tình đồng chí, đồng đội, là tinh thần sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo quê hương của cán bộ, chiến sĩ.

Biển trời Tây Nam Tổ quốc

Biển trời Tây Nam Tổ quốc

1. Tháng 6, tôi có dịp tháp tùng Đoàn công tác của tỉnh Long An đến thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Tôi đã đi biển nhiều lần nhưng chỉ ngồi bên bờ ngắm những con sóng trùng khơi, thấy biển rộng ngang một tầm mắt. Đi chuyến này, tôi được học, được biết, được chiêm nghiệm nhiều điều. Với tôi, đó không đơn thuần là công việc mà còn là hành trình trải nghiệm những điều mới mẻ.

Chúng tôi đến Phú Quốc trong một ngày vàng ươm nắng. Đảo ngọc nằm gọn trong mắt tôi khi từ máy bay nhìn xuống. So với hệ thống đảo vùng biển Tây Nam thì Phú Quốc là nơi trù phú, đủ đầy hơn cả. Sau một đêm nghỉ ngơi, Đoàn công tác thăm Tượng đài Nắm Đấm và Di tích Nhà tù Phú Quốc với nhiều cảm xúc.

23 giờ, khi tiếng còi tàu 529 vang lên, chúng tôi bắt đầu hành trình. Tôi tranh thủ ngồi trên boong viết tin gửi về tòa soạn. Tàu ra khơi xa, biển dần nổi sóng. Tôi chao đảo đụng đầu vào cột nghe cái “bưng” mà chẳng hề đau đớn.

Giờ này, đoàn đã say giấc nồng bên con sóng vỗ mạn tàu nghe bồm bộp. Trời khuya Tây Nam vằng vặc soi vào lòng biển. Đêm bình yên, đội lái tàu vẫn đang làm việc. Đến với các anh, tâm sự hồi lâu về chuyện đời, chuyện nghề, tôi thành thật “khai báo” tình trạng say sóng của mình, mong các anh giúp đỡ. Tổ trưởng tổ lái tàu - Lê Tuấn Đạt khuyên tôi luôn nhắc nhở mình không sợ sóng. Khi đi biển cần xác định sóng gió là chuyện bình thường, biển không có sóng thì không còn là biển.

Đối với anh Đạt, 27 năm quân ngũ làm sao có thể vắn tắt trong đôi ba dòng tâm sự. Tôi tự hỏi, nếu không có họ thì biển trời bao la này sẽ thế nào đây? Ai sẽ rong ruổi hải trình có khi hàng tháng? Ai sẽ đêm hôm trong gió rít mưa gào? Ai sẽ xa gia đình, xa vợ con? Là bạn? Là tôi? Liệu ta có đủ can đảm làm việc ấy?

Tại đảo Nam Du, chúng tôi không khỏi tiếc thương, xúc động trước Bia tưởng niệm nạn nhân trong cơn bão số 5, năm 1997. Qua đây, truyền thống nhân đạo của cha ông ta lần nữa được phát huy

Tại đảo Nam Du, chúng tôi không khỏi tiếc thương, xúc động trước Bia tưởng niệm nạn nhân trong cơn bão số 5, năm 1997. Qua đây, truyền thống nhân đạo của cha ông ta lần nữa được phát huy

2. Tàu về Hòn Đốc, tàu ghé Nam Du, tàu sang Châu Thổ (đảo Thổ Chu). Mỗi nơi, Đoàn cán bộ đều hỏi thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Để đến được Trạm Ra đa 625 trên Hòn Đốc, đoàn chúng tôi phải cuốc bộ trên con dốc dài gần 1,5km. Dù mệt nhưng nhờ không khí trong lành và cảnh vật yên bình nên chúng tôi rất vui, nhất là khi nghe được tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ và người dân, được cùng họ hát vang những bài ca hào hùng giữa muôn trùng sóng vỗ. Tôi cũng nhớ như in gương mặt xúc động của các đồng chí thành viên trong đoàn khi viếng thăm Bia tưởng niệm nạn nhân trong cơn bão số 5 (bão Linda, năm 1997) tại đảo Nam Du. Trong cơn bão ấy, riêng tại tỉnh Kiên Giang, hơn 800 người đã chết và bị thương, hơn 2.000 tàu chìm và hơn 3.000 căn nhà sập.

Khi gặp chiến sĩ, dù trên tàu hay trạm ra đa, thành viên trong đoàn đều tranh thủ chụp ảnh lưu niệm. Đó là khoảnh khắc, cơ hội hiếm hoi để giao lưu, động viên các chiến sĩ. Họ chưa hề gặp nhau nhưng dường như trong họ từ lâu đã tồn tại sợi dây tình cảm, tình đồng bào, tình quân - dân, tình đồng chí. Tôi cảm nhận sự chân thành qua từng nụ cười, từng ánh mắt, từng cái bắt tay, từng lời ca, tiếng hát. Chúng tôi có vất vả thì chỉ vài ngày rồi cũng "chăn ấm, nệm êm", cũng lại hòa vào những tiện nghi của đất liền nhưng chiến sĩ thì vẫn xông pha làm nhiệm vụ với những khó khăn nhất định. Khi tâm sự với nhiều chiến sĩ, họ đều quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Nhiều chiến sĩ ở tận miền Trung, miền Bắc nhưng biển trời Tây Nam đã trở thành nhà, quê hương thứ 2.

3. Trên chuyến hải trình hơn 7 giờ từ Thổ Chu về Phú Quốc. Ngoài việc viết tin gửi về tòa soạn, tôi đã dành phần lớn thời gian chiêm nghiệm mấy ngày ý nghĩa này. Người dân nơi đây vừa mang tính biệt lập của đảo, vừa mang tính mênh mông của biển. Tính biệt lập giúp họ có tinh thần tự chủ cao, luôn mang ý chí quyết tâm giữ gìn phần lãnh thổ nơi tận cùng Tổ quốc. Tính biển giúp tâm hồn họ khoáng đạt, rộng rãi, bao dung. Họ đã cùng cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân giữ cho vùng biển này luôn xinh đẹp, an toàn.

Tôi lại lặng im giữa biển khơi, sóng biển lắc lư. Biển có lúc “dữ dội và dịu êm”, có lúc “ồn ào và lặng lẽ”. Biển, đảo Tây Nam mến yêu, tôi trân trọng những ngày ý nghĩa, thiêng liêng này!/.

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hanh-trinh-den-voi-bien-dao-tay-nam-a178286.html