Hành trình gen Z giữ bản sắc dân tộc
Gen Z (người sinh từ năm 1995 - 2012) đang chứng tỏ là thế hệ đầy sáng tạo và cởi mở nhưng đồng thời cũng rất ý thức về giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc. Qua ứng dụng công nghệ vào các hoạt động bảo tồn di sản, hành trình của họ không chỉ là câu chuyện giữ gìn quá khứ mà còn xây dựng, thúc đẩy tương lai bền vững.
Kể chuyện truyền thống bằng ngôn ngữ trẻ
Chưa đầy một tháng phát sóng, video đầu tiên của dự án Nét Việt Nam - Gen Z về làng, Tập 1: Làng lụa Cổ Chất (công chiếu ngày 31.1) đã thu hút hàng nghìn lượt xem trên YouTube và các nền tảng khác. Đây là dấu ấn khởi đầu trên hành trình của nhóm bạn trẻ, dưới sự dẫn dắt của người sáng lập dự án Phạm Thị Hạnh Chi, hướng tới mục tiêu lưu giữ tinh hoa làng nghề Việt Nam, bảo tồn giá trị văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một. Thông qua hàng trăm video sẽ được thực hiện trong 5 năm, dự án không chỉ khơi gợi mối quan tâm của người trẻ sống trong thời đại số mà còn khẳng định thế hệ trẻ là người trực tiếp kế thừa, phát huy di sản quý giá này.

Nhóm bạn trẻ dự án Nét Việt Nam ghi lại tư liệu về nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh). Ảnh: NVN
Theo Phạm Thị Hạnh Chi, bằng cách kết hợp truyền thống và công nghệ, những câu chuyện văn hóa qua ống kính gen Z giúp nhìn lại vẻ đẹp trong từng công đoạn, sản phẩm thủ công và quan trọng hơn là tình yêu nghề, sự cống hiến của các nghệ nhân làng nghề. Đây là hành trình khám phá di sản, văn hóa, tạo ra sân chơi sáng tạo, tiếp cận những giá trị truyền thống qua lăng kính trẻ trung, hiện đại, hấp dẫn. Các làng nghề truyền thống từ làng gốm đến làng thêu, từ nghề mây tre đan đến ươm tơ… giờ đây không còn là giá trị cổ xưa mà kể những câu chuyện gần gũi.
Phạm Thị Hạnh Chi cho biết, nhiều năm qua, câu chuyện lan tỏa tình yêu văn hóa, lịch sử dân tộc đến với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, không dễ trong bối cảnh du nhập, pha trộn của văn hóa toàn cầu. Sự khác biệt thế hệ, khác biệt trong suy nghĩ, tư duy là rào cản để người trẻ hiểu sâu hơn bề dày văn hóa dân tộc. Nhận thức điều này, đội ngũ sáng tạo của Nét Việt Nam kết hợp hình ảnh thực tế với hoạt hình, tạo ra cách truyền tải nội dung sống động, thu hút. Trung bình mỗi tập video có thời lượng 9 - 12 phút, gồm các phân cảnh được đầu tư kỹ lưỡng, góc quay hiện đại, lối dẫn dắt mang tính kể chuyện nhằm đem đến trải nghiệm chân thực cho người xem. Ngoài ra, việc truyền tải nội dung còn mở rộng ra nhiều hình thức khác như bài viết dưới dạng infographic, các thước video ngắn… mang đến góc nhìn đa chiều, dễ tiếp cận cho khán giả.
“Nét Việt Nam tìm ra điểm khác biệt để nêu bật giá trị văn hóa qua hình thức bắt mắt, trẻ trung, đúng tinh thần của thế hệ gen Z đầy bản lĩnh, sáng tạo và năng động. Để nâng cao hiệu ứng lan tỏa của dự án, chúng tôi mời nhân vật đồng hành, giới thiệu, dẫn dắt, trò chuyện và trải nghiệm. Nhân vật là người đang có sức ảnh hưởng với giới trẻ, được sự quan tâm và công nhận từ khán giả trong việc truyền tải nội dung về lịch sử văn hóa. Đồng thời, sản phẩm của dự án không chỉ đăng tải trên một nền tảng mà phân bổ rộng trên các kênh thịnh hành như YouTube, Facebook, TikTok, Threads… gắn hashtag phù hợp. Tất cả điều đó hợp thành cơn sóng ngầm thúc đẩy giá trị truyền thống lan tỏa”, Phạm Thị Hạnh Chi chia sẻ.
Điểm “chạm” di sản
Đại sứ truyền thông của Nét Việt Nam, người đồng hành với các thành viên dự án hiện thực hóa các mục tiêu lớn lao là TikToker Giao Cùn (Ngô Thị Quỳnh Giao) - một gen Z cá tính, đam mê văn hóa lịch sử, sở hữu kênh TikTok với hơn 709.000 lượt theo dõi, nội dung xoay quanh các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Theo Quỳnh Giao, trong bối cảnh công nghệ số và sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội, các thước phim là cầu nối giúp giới trẻ tìm lại niềm tự hào dân tộc, hiểu về quá trình hình thành và phát triển của những giá trị văn hóa, đồng thời truyền cảm hứng để gìn giữ và phát huy những giá trị đó trong cuộc sống hiện đại.
“Thông qua cách tiếp cận văn hóa bằng khía cạnh sinh động, gần gũi, không phải những con số, dữ kiện khô khan, thông qua những hoạt động trải nghiệm thực tế khám phá làng nghề truyền thống, tìm hiểu hương vị ẩm thực và tiếp cận các di sản văn hóa độc đáo trên khắp 3 miền Tổ quốc, chúng ta có thể cùng nhau tạo nên một nhịp cầu vững chắc giữa thế hệ trẻ và những giá trị quý báu của cha ông”, Quỳnh Giao nói.
Nhịp cầu kết nối thế hệ ấy được tạo nên như thế nào nếu không phải từ chính những người trẻ của hôm nay cùng nhau hành động? Đó cũng là câu hỏi cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của Phạm Thị Hạnh Chi cho đến khi bắt tay thực hiện dự án Nét Việt Nam. Nghĩ về tình yêu đối với văn hóa nước nhà, giá trị truyền thống gia đình, phong tục tập quán, nét đẹp truyền thống quê hương..., khi chứng kiến sự lép vế của nhiều giá trị truyền thống trước làn sóng văn hóa ngoại nhập, Hạnh Chi bị thôi thúc phải làm điều gì đó. "Tôi tự hỏi văn hóa Việt Nam sẽ ở đâu trong những biến động của thời đại? Mai một đi hay sẽ tồn tại dưới một chiếc áo mới? Những làn sóng ngoại nhập là một điều tất yếu nhưng tôi nhận ra tình yêu văn hóa dân tộc luôn nằm sâu ở trong trái tim các bạn trẻ, mạch nguồn văn hóa vẫn luôn không ngừng chảy trong dòng máu của mỗi con người Việt, mà chỉ cần một mồi lửa sẽ được thổi bùng lên mạnh mẽ. Quan trọng là cách chúng ta tiếp cận, đón nhận giá trị di sản ấy theo cách nào".
Thành công đầu tiên của dự án Nét Việt Nam, theo Hạnh Chi, chính là tìm ra điểm chạm với di sản, để mỗi thước phim như một cánh cửa mở ra thế giới đa dạng và phong phú của dân tộc Việt Nam, từng câu chuyện, từng khung hình là minh chứng sống động cho sự giàu có về bản sắc văn hóa. Để từ đó bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam thông qua góc nhìn và trải nghiệm của gen Z, truyền cảm hứng cho giới trẻ tìm hiểu, yêu thích và tự hào về giá trị lịch sử và giá trị văn hóa Việt Nam.