Hành trình hồi sinh của cô gái có khối u khổng lồ trên đầu
18 năm mang trên đầu khối u quái ác, Pi Năng Thị Xinh (SN 1992, Ninh Thuận) không có bạn bè, không dám ra khỏi nhà và chưa bao giờ dám chụp một bức ảnh.
Khi đang học lớp 6, phía sau gáy của Xinh có một khối u mọc lên, mỗi ngày một lớn. Bố mẹ đưa Xinh đi bệnh viện tỉnh khám nhưng các bác sĩ nói khối u này bệnh viện tuyến tỉnh không đủ khả năng xử lý, khuyên gia đình nên đưa Xinh tới TP.HCM để được thăm khám.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn không đủ tiền đi xa khám bệnh, Xinh đành theo bố mẹ về nhà, chung sống cùng khối u ngày một lớn trên đầu.
Chật vật 18 năm sống chung cùng khối u khổng lồ
Thấy con gái đáng thương chật vật với khối u trên đầu, bố mẹ Xinh quyết định nuôi thêm bò để bán kiếm tiền. “Sau 10 năm kể từ khi mắc bệnh, bố mẹ nuôi bò lớn để bán mới gom đủ tiền đưa em đi khám ung bướu tại bệnh viện ở TP.HCM. Tại đây, bác sĩ nói khối u quái này nếu phẫu thuật phải có một số tiền rất lớn và rất nguy hiểm tới tính mạng”, Xinh nhớ lại.
Vậy là một lần nữa, Xinh và gia đình lại thất vọng quay về vì không thể lo nổi tiền trăm triệu chứ không dám nói tới tiền tỷ để chữa bệnh.
Không có tiền phẫu thuật, bố mẹ Xinh kiếm thuốc nam, chữa bệnh cho con theo phong tục của người Ra Glai. Nhưng khi hết thuốc, hết tiền, gia đình cũng từ bỏ luôn ý định thuốc thang chữa bệnh cho Xinh.
Mười tám năm sống cùng cục bướu to hơn cả đầu, cô gái 30 tuổi chịu quá nhiều đau đớn, tủi hờn.
Khối u quái ác hoành hành, lấy hết chất dinh dưỡng khiến Xinh ngày càng gày gò yếu ớt.
“Em nằm ngủ chỉ nằm nghiêng được một bên vì khối u quá to. Mỗi khi đau không thể làm được việc gì, đi lại cũng phải để mẹ cõng. Hàng ngày, mẹ phải 3 lần vệ sinh khối u trên đầu cho em, vì miệng khối u liên tục chảy mủ”, Xinh kể.
Cố gắng hết lớp 9, Xinh nghỉ học. “Mới đầu, khi khối u còn nhỏ, em dùng tóc che lại. Dù các bạn nói xấu và xa lánh khiến em mặc cảm nhưng không làm em nhụt trí, em vẫn kiên trì tới lớp mỗi ngày. Chỉ khi khối u quá lớn, cơ thể luôn đau yếu em đành phải nghỉ học”, Xinh nói.
Hàng chục năm qua, khối u khổng lồ ngày càng phát triển khiến khuôn mặt biến dạng, 9X không dám đi ra ngoài. Cô luôn mặc cảm vì đi đâu cũng bị mọi người nhòm ngó dị nghị.
“Có người ác ý nói ‘nhiều người bệnh tật đau ốm mà chết, sao con này sống nhiều năm vậy không chết đi’. Những lúc ấy em tủi thân lắm, nhưng em không dám nói lại bố mẹ biết”, Xinh nhớ lại.
Những lúc cơn đau hành hạ, Xinh định làm liều nhưng nghĩ như vậy sẽ làm bố mẹ khổ tâm, Xinh lại cố gắng chịu đựng và vượt qua.
Cô gái sinh năm 1992 chưa bao giờ dám chụp một bức ảnh, luôn chùm khăn che kín đầu và đội nón khi đi làm nương rẫy hoặc đi cắt cỏ.
Phép màu từ mạnh thường quân và bác sĩ
Một ngày cuối năm 2022, một người lạ mặt - Gà Lang Thang - tìm đến nhà, xin phép đăng hình ảnh và hoàn cảnh của Xinh lên kênh Youtube. Sau clip đó, nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ tiền giúp Xinh có viện phí để đi khám và điều trị bệnh.
“Em nhận được hơn 100 triệu tiền của các mạnh thường quân ủng hộ. Đó là một số tiền rất lớn đối với gia đình em. Mạnh thường quân đã trực tiếp đưa em xuống bệnh viện ung bướu Sài Gòn để khám bệnh. Nhưng do khối u quá to, bám vào xương sọ nên không mổ được”, Xinh kể lại.
Khi đang quá nản chí, Xinh bỗng nhận được cuộc gọi từ bác sĩ Thái Trung. Ông thông báo bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương có thể xử lý được khối u này và mời gia đình Xinh tới thăm khám. Lo không kham nổi chi phí phẫu thuật, Xinh và gia đình đang chần chừ thì được tin miễn phí hoàn toàn chi phí ca mổ. Tiền ăn uống và tiền phòng bệnh khi Xinh ở tại bệnh viện đã được các mạnh thường quân ủng hộ.
Tia hy vọng lóe sáng, gia đình Xinh khẩn trương làm các thủ tục để nhập viện.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thái Trung (Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương) nhớ lại: “Xinh là bệnh nhân bị u sụn sọ vùng đầu mặt cổ. Đây là ca đặc biệt vì khối u sụn xâm lấn vào nhu mô não, động mạch cảnh. Khi phẫu thuật, chỉ cần sơ xuất nhỏ của bác sĩ cũng có thể khiến bệnh nhân tử vong”.
“Khi được bác sĩ nhận mổ, em mừng muốn khóc. Không ngờ trên đời này lại có người tốt như vậy, sẵn sàng mổ miễn phí cho em. Biết rằng mổ sẽ có rủi ro, nhưng đã tới được bệnh viện Bình Dương rồi, đã có bác sĩ nhận mổ rồi. Em sẵn sàng. Vì khi đó mổ cũng chết, không mổ cũng chết. Thà thử một lần biết đâu mình gặp may để có cơ hội sống. Em hoàn toàn tin tưởng vào các bác sĩ”, Xinh nói.
Xin làm hộ lý, tri ân bác sĩ
Cuộc phẫu thuật thành công. Xinh được xuất viện sau hơn 1 tháng. Khi vết thương liền sẹo, lần đầu tiên Xinh dám soi gương và chụp ảnh.
“Cuối cùng em cũng đã trở lại bình thường như người khác. Cục bướu khổng lồ đó biến mất khỏi cơ thể, điều mà ngay cả trong mơ cũng không bao giờ em đám nghĩ tới”, Xinh nói.
Sau 5 tháng, cuộc sống sinh hoạt của Xinh đã đi vào ổn định. Nhớ công ơn các bác sĩ, cô gái dân tộc Ra Glai quay lại bệnh viện, nộp hồ sơ xin việc.
“Em xin bệnh viện nhận vào làm hộ lý hay bất kỳ công việc gì phù hợp mà bệnh viện có thể giao, để em được đền đáp một phần ơn bác sĩ và bệnh viện giúp đỡ tái sinh em”, Xinh viết trong bức thư cảm ơn đính kèm hồ sơ.
Bác sĩ Thái Trung chia sẻ cảm xúc khi gặp Xinh tới nộp hồ sơ xin việc: “Một trong những đặc ân khi trở thành bác sĩ là bạn có thể làm gì đó cho cuộc đời của các bệnh nhân. Bệnh viện không chỉ là nơi cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh… mà hơn cả thế, bệnh viện cũng còn có thể là nơi để thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau, trao và nhận yêu thương, hoặc… cũng có thể là nơi để quay về”.