Hành trình 'khó tin': 10 ngày du lịch không rác thải nhựa của gia đình Hà Nội

Hạn chế tối đa rác thải nhựa, gia đình chị Nguyễn Thùy Dương quyết tâm đi du lịch chỉ lưu lại những kỷ niệm và bài học cho các con.

Chuyến đi "không rác thải nhựa" của gia đình chị Dương

Chuyến đi "không rác thải nhựa" của gia đình chị Dương

Không một túi nilon nào bị thải ra môi trường trong suốt hành trình 10 ngày Hà Nội - Đà Nẵng - Hà Nội của gia đình 5 người. Vợ chồng chị Nguyễn Thùy Dương (Hà Nội) và các con chỉ sử dụng 1 chai nhựa ở khách sạn Mường Thanh vào ngày đầu tiên.

Túi đựng vật dụng cá nhân, bình xà phòng rửa tay tái chế mang theo từ nhà

Túi đựng vật dụng cá nhân, bình xà phòng rửa tay tái chế mang theo từ nhà

Để có một chuyến đi theo kiểu "du lịch có trách nhiệm" như vậy, gia đình chị cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. "Mỗi người chuẩn bị một chai nước sử dụng nhiều lần, bằng các loại vật liệu như nhựa tái sử dụng, nhôm, thủy tinh. Một bình giữ nhiệt để đựng đá và nước nóng. Vài túi vải mỏng có thể cuốn gọn, một ít túi ni lông tái sử dụng và giấy ăn khô. Các vật dụng cá nhân như dầu gội, sữa tắm, nước rửa tay, thuốc đánh răng đều được mang từ nhà, thậm chí cả bát, đĩa làm từ bã mía và ống hút tre…" – chị Dương cho biết.

Đi đò, đạp xe ở Phong Nha, Quảng Bình

Đi đò, đạp xe ở Phong Nha, Quảng Bình

Chèo kayak - phương tiện không động cơ trên Đầm Chuồn, Huế

Chèo kayak - phương tiện không động cơ trên Đầm Chuồn, Huế

Làm từ thiện chùa Đức Sơn (Huế) - nơi nuôi dạy trẻ em mồ côi

Làm từ thiện chùa Đức Sơn (Huế) - nơi nuôi dạy trẻ em mồ côi

Mỗi ngày trong hành trình, mỗi thành viên tiếp nước đầy chai vào buổi sáng, cùng một bình giữ nhiệt đổ đầy đá. Nước được bổ sung tại bữa trưa và bữa tối. Gia đình sẽ ăn tại nhà hàng và không mang đồ về để tránh phát sinh thêm hộp đựng nhựa hay túi ni lông. Gia đình cũng từ chối sử dụng các loại đồ uống từ chai nhựa dùng một lần. Để đựng rác và đựng đồ bơi, đồ ướt; gia đình chị Dương sử dụng túi ni lông tái sử dụng mang theo từ nhà.

Lựa chọn những cơ sở sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường

Lựa chọn những cơ sở sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường

Những trải nghiệm và hoạt động du lịch của gia đình chị Dương trong suốt chuyến đi cũng được cân nhắc để hạn chế tối đa "dấu chân carbon". Khi đi chơi, cả gia đình lựa chọn những hình thức thân thiện với môi trường như dùng thuyền chèo tay thay xuồng máy, đạp xe thay vì đi xe máy…

Những món đồ chơi, đồ lưu niệm cho các con, vợ chồng chị Dương không chọn mua đồ bằng nhựa, không có vỏ nhựa, không nhận túi ni lông khi mua mà sử dụng túi cá nhân. Các bạn nhỏ được tham quan hoạt động nông nghiệp của người dân, mô hình trồng rau sạch, học vẽ tranh trên giấy, học làm bánh, học làm đèn lồng…"Chúng tôi cho con học làm đèn lồng tre và mua những sản vật địa phương bằng tre, gốm sứ tại Hội An. Như vậy không chỉ giảm thiểu rác thải nhựa mà còn đóng góp vào kinh tế địa phương" – chị Dương kể lại.

Nấu ăn, nhặt rau, tham khảo mô hình trồng rau sạch dùng phân hữu cơ tại Hội An

Nấu ăn, nhặt rau, tham khảo mô hình trồng rau sạch dùng phân hữu cơ tại Hội An

Chị Dương cho biết, trải nghiệm du lịch có trách nhiệm thú vị hơn nhiều so với cách thông thường. Chị chia sẻ: "Tour du lịch vẫn thú vị, đầy tính trải nghiệm và cảm nhận văn hóa địa phương mà vẫn bảo vệ môi trường, góp phần giảm rác thải nhựa. Bố mẹ hạnh phúc hơn khi giáo dục con cái bằng hành động thực hành chứ không chỉ lý thuyết. Các bạn nhỏ được hiểu và thực hành du lịch có trách nhiệm từ bé, nhận thức được tầm quan trọng của hạn chế rác thải nhựa". Cá nhân chị cũng thấy vui khi hoàn thành mục tiêu của chuyến đi, chứng minh được rằng một chuyến du lịch không rác thải nhựa hoàn toàn khả thi, kể cả khi các nhà cung cấp thiếu các công cụ hỗ trợ tốt.

Cả gia đình cùng trải nghiệm vẽ tranh

Cả gia đình cùng trải nghiệm vẽ tranh

Để hoàn thành mục tiêu thì gia đình cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thiếu điểm tiếp nước sạch trên đường đi. Nhiều khách sạn không có chai nước tái sử dụng, vẫn dùng các lọ nhựa nhỏ để đựng dầu gội, sữa tắm…Tuy nhiên những trở ngại ấy lại biến thành trào lưu thôi thúc những du khách khác. Sau khi câu chuyện được chia sẻ, bạn bè chị coi đó là một thử thách thú vị và quyết tâm trải nghiệm loại hình du lịch có trách nhiệm này.

Gia đình chị Dương không cần dùng đến những vật dụng này trong khách sạn

Gia đình chị Dương không cần dùng đến những vật dụng này trong khách sạn

"Hiện nay nhiều du khách Việt đã có ý thức, nhưng do điều kiện từ các nhà cung cấp tại điểm du lịch còn hạn chế nên chưa thể thực hành du lịch có trách nhiệm. Còn những người chưa ý thức được về bảo vệ môi trường thì cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần hướng dẫn, khuyến khích, nâng cao nhận thức; cùng với đó là sự sẵn sàng và dễ tiếp cận của các phương tiện hỗ trợ du lịch có trách nhiệm. Người dân địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm rác thải nhựa, vì họ vừa là người cung cấp dịch vụ, vừa chính là chủ thể chịu sức ép môi trường hoạt động từ du lịch" - chị Dương chia sẻ.

Các bạn nhỏ học làm đèn lồng ở Hội An

Các bạn nhỏ học làm đèn lồng ở Hội An

Chị Dương kỳ vọng trong thời gian tới hoạt động du lịch trách nhiệm sẽ được đẩy mạnh, và sẽ hình thành các điểm đến không rác thải nhựa. ví dụ các chợ tại Hội An đã có những khẩu hiệu "không dùng túi nilong, dùng làn đi chợ", hoặc ở Hạ Long đã kêu gọi khách du lịch tự thu gom rác...Các đơn vị trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch như cơ sở lưu trú, tàu, xe, điểm mua sắm, nhà hàng đều nên sử dụng túi, chai bằng chất liệu tái chế, hoặc ngừng phát túi ni lông miễn phí, khuyến khích du khách sử dụng túi cá nhân mang theo./.

Tham quan hoạt động của người dân địa phương

Tham quan hoạt động của người dân địa phương

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/hanh-trinh-kho-tin-10-ngay-du-lich-khong-rac-thai-nhua-cua-gia-dinh-ha-noi-816664.vov