Hành trình nâng cao quyền năng phụ nữ và trẻ em trong Dự án 8 tại Quế Phong
Huyện Quế Phong, một trong những địa phương miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, đang chứng kiến những thay đổi tích cực từ việc triển khai Dự án 8 - 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.'
Trong năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quế Phong đã tổ chức 42 cuộc truyền thông cộng đồng tại các bản, thu hút hơn 5.000 người tham gia trong việc thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025). Nội dung tập trung vào việc vận động thay đổi tư duy “nếp nghĩ, cách làm,” xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết như bạo lực gia đình và chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em.
Đặc biệt, 18 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và trang bị phương tiện như loa kéo và loa phóng thanh đã trở thành cầu nối quan trọng, giúp chuyển tải thông điệp đến từng người dân vùng cao. Ngoài ra, hai “địa chỉ tin cậy” tại các bản đặc biệt khó khăn cũng được xây dựng, trở thành nơi hỗ trợ kịp thời cho các nạn nhân bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ quyền lợi và an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Chị Vi Thị Hợi – Chủ tịch Hội LHPN xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong chia sẻ, Dự án 8 thực sự đã mang lại luồng gió mới cho địa phương, dự án cũng phù hợp với tình hình thực tế. Trước đây, nhiều người vẫn giữ những định kiến rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà chăm lo gia đình, còn các vấn đề lớn hơn như kinh tế hay chính trị là của đàn ông. Nhưng nhờ các buổi truyền thông và tập huấn, cả phụ nữ lẫn nam giới đều dần thay đổi cách nhìn. Phụ nữ bắt đầu tự tin hơn, tham gia vào các hoạt động cộng đồng và khẳng định vai trò của mình trong gia đình lẫn xã hội..
Chị Hợi cũng chia sẻ: “Tại bản Hạnh Tiến khi tổ chức tuyên truyền thì có nhiều nam giới tham gia, sau khi được truyền thông thì nhiều anh nói “biết hay thế này thì lần sau sẽ kêu gọi nhiều đàn ông cùng tham gia”. Qua các đợt truyền thông, đàn ông cũng biết đến việc khám sức khỏe của chị em phụ nữ, khám sức khỏe thai nhi hay sinh con tại bệnh viện là hết sức quan trọng đối với chị em nên đã đầu tư cho vợ con đi khám sức khỏe. Hay như trước đây, khi đọc luật không hiểu gì nhưng khi đưa luật qua các cuộc thi, các vở diễn sát với thực tế thì nhiều người hiểu và quan tâm hơn…”.
Tính đến tháng 10/2024, Dự án 8 đã thực hiện hoạt động đảm bảo chỉ tiêu đã đề ra của năm và giai đoạn: thành lập và tổ chức lễ ra mắt 32 “Tổ truyền thông cộng đồng”; tổ chức 55 cuộc truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em cho 6.340 lượt người tham gia và tổ chức 2 lớp hướng dẫn vận hành tổ truyền thông cộng đồng với hơn 300 đại biểu là thành viên của “Tổ truyền thông cộng đồng” đã được thành lập;
Đã tổ chức 28 cuộc truyền thông thực hiện gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại 28 thôn, bản đặc biệt khó khăn; Chi trả gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em thuộc hoạt động Dự án 8; Tiếp tục thành lập 4 “Địa chỉ tin cậy” tại xã Châu Thôn, Thông Thụ, Tiền Phong, Nậm Giải cùng với cơ sở vật thiết yếu. Tổ chức 8 cuộc tập huấn các nội dung liên quan đến hướng dẫn vận hành “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” cho 253 đại biểu; Ngoài ra tổ chức 22 cuộc Truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình tại 22 thôn bản đặc biệt khó khăn.
Năm 2024, Dự án 8 cũng đã ra mắt thành lập 6 “Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi” và nói chuyện chuyên đề về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 6 Trường THCS; Tổ chức thành công 13 cuộc Đối thoại chính sách; 6 Lớp tập huấn về Phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ thôn bản… Việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Theo đánh giá của Hội LHPN huyện Quế Phong, từng nhóm đối tượng tương ứng với từng hoạt động mà Dự án thực hiện đều có những tác động nhất định, làm cho những đối tượng này thay đổi cả về tư tưởng lẫn hành động, đặc biệt là những đối tượng yếu thế họ vươn lên mạnh mẽ để khẳng định vị thế của mình như phụ nữ và trẻ em, nhất là nhóm phụ nữ đặc thù (khuyết tật, nghèo, nạn nhân bị bạo lực gia đình…), nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm phụ nữ dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua mọi rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, từ đó, nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Thông qua các hoạt động truyền thông, các việc làm thực tế giúp họ thấu hiểu và thấy được quyền lợi chính đáng của mình cần được tôn trọng, cần được khẳng định, vì vậy luôn tạo được sức lan tỏa rất lớn đối với đối tượng hưởng lợi này.
Nhận thức của cán bộ thôn, bản và người dân ở những vùng đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên thông qua các hoạt động tập huấn lồng ghép giới, hướng dẫn giám sát, đánh giá về Bình đẳng giới và các hoạt động truyền thông cộng đồng vận động thay đổi “Nếp nghĩ cách làm”góp phần nâng cao nhận thức thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới trong người dân, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững
Không dừng lại ở việc thay đổi nhận thức, Dự án 8 còn tạo điều kiện để phụ nữ tại Quế Phong nâng cao quyền năng kinh tế và khẳng định vai trò trong cộng đồng. Các tổ truyền thông và câu lạc bộ được thành lập đều hướng đến sự bền vững, dựa trên sự tham gia và đồng thuận của người dân.
Dự án 8 đã, đang và sẽ là ngọn đuốc soi sáng hành trình xóa bỏ bất bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em ở Quế Phong. Những thay đổi từ hôm nay không chỉ mở ra cơ hội phát triển bền vững cho mỗi cá nhân mà còn trở thành động lực để cộng đồng vùng cao cùng nhau vươn lên, phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.