Hành trình ngày về

Bỏ cái nạng tôi cố đi ngay ngắn dựa vào anh tôi. Đón tôi là đông lắm bà con họ hàng, với ánh nhìn ngơ ngác. Mẹ còn chẳng nhận ra tôi. Và chị Lan, chị họ tôi, phải làm phép thử. Tôi không có thời giờ để tủi thân. Quê hương yêu dấu đây rồi...

Ở nhà được ba hôm, mẹ đưa tôi đi thăm đằng ngoại. Cũng như ngày tôi đi nhập ngũ, mẹ đưa tôi xuống tận cuối làng thăm họ hàng, rồi đi ngược về cho tiện buổi trưa.

Vào nhà bác đầu tiên. Bác gái ở nhà cùng chị họ tôi nhỏ xíu mới có bảy tám tuổi. Các anh lớn: anh đi bộ đội, anh đi học. Bác ít tuổi hơn mẹ tôi, nhưng bà ngoại tôi lại là em của mẹ bác. Bác nhìn tôi và bảo: "Thấy cháu khác quá, chẳng như ngày nào đến chào bác lên đường".

Mẹ tôi tiếp: "Cháu về chả ai nhận ra đâu chị ạ".

Ảnh do tác giả cung cấp.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Bác tiếp: "Ừ, chị biết, có con cháu Lan con ông An, nó nhận ra bằng một chi tiết mà ai cũng phải bái phục. Năm cháu đây đi bộ đội, là nó đã có bầu ba tháng phải không"? Bác vừa nói vừa nhìn tôi. Tôi gật đầu: "Đúng rồi bác ạ, bây giờ cháu bé đã chín tuổi rồi".

Chào Bác, mẹ lại đưa tôi ngược nhà Cậu Nhỏ. Đứa em gái lớn con cậu đã là công nhân vận hành máy bơm. Em chạy ra: "Cô và Anh đến chơi ạ ".

Mẹ tôi hỏi em: "Bố mẹ có nhà không cháu"?

Em: "Bố mẹ và các em con lên ngoại có việc ạ, mình con mới đi trực máy về. Cô với Anh ở đây, con nấu cơm cùng ăn ạ".

Mẹ: "Thôi Cô đưa anh đi chơi mỗi nhà một tý, mai anh lên đơn vị rồi".

Em nhìn tôi: "Mai mấy giờ anh đi, em tiện đường đi làm đưa anh ra bến xe".

Tôi nói: "Khoảng 6h anh đi, vì phải chuyển bến hai lần về Sơn Tây".

Em: "Được mai em lên sớm đón anh".

Đi sâu vào ngõ trong thăm Cậu Lớn. Nhà Cậu còn hai Bà và Mợ tôi. Cậu tôi đã mất từ đầu thập niên sáu mươi do mắc bệnh thương hàn. Khi mắc bệnh, cậu đã quyết tâm cho em trai lớn đi học ngành y. Em trai thứ hai cũng đi bộ đội, em gái đi lấy chồng. Hai em trai nhỏ đi học. Một mình mợ nuôi các em và hai mẹ già.

Bà ngoại tôi là chị, mẹ chồng mợ là em, các ông tôi cũng mất từ hồi Pháp thuộc, hai bà già cùng con dâu chăm các cháu trưởng thành.

Ngược lên xóm trên, có hai bà trẻ, mẹ tôi gọi là Cô, các cô là em của Ông ngoại tôi.

Vào nhà Cô nhỏ trước. Chỉ có mình bà ở nhà, ông và các cậu mợ đi vắng. Bà có hai cậu đi bộ đội. Một Cậu tầm tuổi tôi hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, một cậu nữa còn sống, viết thư về cũng sắp ra Bắc. Một cậu đang là công nhân trại cá. Một dì lớn đã lấy chồng là anh bộ đội đóng quân ở địa phương, quê chú tận Phú Thọ. Mấy dì mấy cậu nhỏ còn đi học.

Vào nhà Cô lớn của mẹ tôi, Bà đã có tuổi, chăm việc trong nhà cho cậu mợ đi làm. Cậu cũng là bộ đội nhưng vì đông con, mẹ già nên cấp trên cho xuất ngũ. Cậu có tới bảy em tất cả. Em lớn đã là cô giáo dạy trẻ, còn các em nhỏ đang đi học.

Buổi tối, cơm nước xong tôi cùng anh Ba đi xuống nhà ông Chú họ chơi. Chú cháu tôi đã gặp nhau trên đường Trường Sơn, khoảng mười năm về trước, ở trạm 34 Lào. Anh Ba tôi đã là y sĩ nhiều năm trong chiến đấu. Nay anh vào thành phố Hồ Chí Minh học nâng cao tay nghề, trong hai năm là thành Bác sĩ.

Khi về ngang ngõ, đài nhà ai đang vang lên bản nhạc hiệu: Chương trình tiếng thơ của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam... đã mười giờ đêm.

Mẹ còn ngồi nhai trầu chưa đi ngủ. Tôi ngồi bên mẹ. Mẹ kể rằng :"Chồng của chị Năm là bạn đồng đội của anh Ba tôi. Anh về nhà chơi đang lúc có việc lợp nhà. Anh hăng hái giúp sức mấy chú đang ngồi lợp. Không biết lợp, anh quăng rạ cho mấy chú lợp... cả nhà duyệt, vậy là anh thành con rể".

Tôi nằm ngủ một mạch cho đến năm giờ sáng. Mẹ đã chuẩn bị cho tôi ăn sáng. Vừa ăn xong cô em gái con Cậu cũng đến. Em có xe phượng Hoàng cánh Chả mới tinh.

Vừa uống nước tôi vừa nghe em nói chuyện với mẹ: "Anh gầy mà xanh Cô nhỉ". Và Mẹ bảo em: "Anh cháu vất vả mười năm, về được là may rồi".

Em chở tôi trên con đường trải đầy rơm mà cứ đi băng băng, vừa đi vừa nói chuyện, tôi hỏi em: "Sao đường rơm họ đi phải dắt mà em chở anh khỏe thế"?

"Anh với em cùng gien mà. Anh ngày trước còn "đắt" phi công, to khỏe chứ có nhẹ bỗng thế này đâu. Em chở anh cũng như không". Em nghẹn ngào.

Đợt tôi đi khám nghĩa vụ mười năm trước, chị bác sỹ cứ tiếc không có đợt tuyển Phi công để giới thiệu vào. Nghĩ lại cảm thấy giật mình: Lúc chưa bị thương, lúc nào cũng trên dưới bảy mươi cân, cao trên mét bảy. Bây giờ chỉ trên bốn mươi cân.

Đến bến xe, xe đã mở máy. Em giục tôi mau lên xe. Tôi vôi đưa tay lên ngực để lấy tiền mua vé. Cậu lơ xe bảo: "Thôi anh lên nhanh không phải vé, nhìn anh là biết Thương binh rồi".

Tôi lên xe, một cậu sinh viên nhường cho ghế ngồi cạnh cửa sổ. Tiếng Lơ xe trêu em tôi: "Có đi thì vứt xe lên nóc". "Chỉ anh em đi thôi ạ".

Tôi thò đầu ra cửa sổ vấy tay:" Em về đi khi nào cưới báo anh nhé". Em vẫy tay cười mắc cỡ:"Còn lâu", và vội quay xe về. Chắc công việc em rất bận vẫn tranh thủ đưa tôi đi.

Chuyến xe khách vào đến bến Kim Liên. Tôi lại đi xích lô về bến phía Bắc đi Sơn Tây.

Ở Sơn Tây được một tuần, đơn vị chuyển về Đoàn An Dưỡng 587 ở Xuân Mai.

Về Đoàn an dưỡng được vài hôm, chị Năm tôi và chị Thái làm cùng Nhà máy đến chơi, hai chị cùng là Công nhân Cơ khí K25 Chương Mỹ. Chị Thái thì thầm với chị Năm tôi: "Sao cậu bảo, em trai to cao khỏe mạnh lắm kia mà".

Chị Năm khẽ bảo: "Ngày trước là vậy đó".

Chị Năm cùng tôi lên xin cán bộ phụ trách về cơ quan chị chơi mấy ngày, được chấp thuận ngay.

Tôi ngồi sau xe chị Năm chở về Chúc Sơn- Chương Mỹ. Chị Thái đi phụ tá, chuyện trò rôm rả suốt chặng đường mười lăm cây số.

Con đầu lòng của chị Năm đã chập chững biết đi. Có bà ở quê lên trông cháu.

Hôm sau là ngày Chủ nhật, anh Ba tôi cùng hai anh cùng đơn vị ở Bạch Mai vào chơi. Mẹ và chị Năm làm bữa cơm thân mật thật vui vẻ. Chị Thái ở phòng bên, pha trà sang tiếp khách, chị coi khách của chị Năm cũng là khách của mình.

Chị Năm tôi định làm "mai" cho chị Thái với anh họ tôi ở bộ đội Tên Lửa. Khi hai người tiếp xúc thế nào không hợp nhau lại thôi. Thật tiếc, tôi nhận xét, có thể trông chị Thái "đồ sộ" quá, anh họ tôi lại là người thấp bé nhẹ cân, không hợp ở điểm này chăng?

Chị Năm kể chuyện: Cái ngày hai chị đi bộ về nhà chơi, đường xa phải ngót ba mươi cây số. Hai chị từ K25 về đến nhà đã chiều muộn. Mẹ đi mua một con vịt về, hai chị em cắt tiết thế nào, buông tay ra, vịt vẫn chạy một mạch sang hàng xóm.

Thời buổi ấy, gia súc gia cầm là thực phẩm sạch. Vịt ăn cua ốc ngoài đồng, thóc lúa không phun thuốc, nên đánh tiết canh ăn rất ngon, vô hại.

Chiều Chủ nhật hai chị lai đạp xe chở tôi về đơn vị ở Xuân Mai. Khu này là vùng trung du, cảnh vật thơ mộng, rất thích hợp cho con người, nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe.

Hai chị đỗ xe ngoài cổng Doanh trại.

Chị Thái đưa cho tôi túi bánh bích quy do chính tay hai chị làm: "Em mang vào làm quà cho anh em". Chị Năm đưa cho tôi một cây thuốc Sông Cầu, đây là của hiếm lúc bấy giờ, chị xếp hàng ở mậu dịch cả buổi mới mua được. Tôi chào hai chị rồi tập tễnh bước vào doanh trại.

Về Đoàn an dưỡng 587 được nửa tháng thì anh họ tôi ở đội máy kéo Xuân Mai sang chơi. Anh đang học lái máy cày, để về phục vụ địa phương. Ang nói chuyện: "Cái Bình sắp cưới rồi, chú có về dự được không".

Tôi nói: "Sao nhanh thế, hôm em ấy đưa em ra bến xe còn bảo, còn lâu kia mà"?

Anh cười: "Con gái nói không là có mà".

- Bình nó bảo, hôm đưa chú ra xe. Thằng người yêu nó nghe ai bảo "Người yêu sắp cưới của mày, chở anh bộ đội nào đẹp trai lắm, trả phép". Rồi nó ghen đôi co với cái Bình. Sau hiểu ra Bình nó còn nói một câu: "Anh tôi về, liệu đến mà xin lỗi". Sau cái vụ ấy, nó bảo gia đình đến xin cưới đấy.

Chẳng có nhiều, tôi đưa cho anh ít tiền, nhờ anh về qua cửa hàng huyện, mua sắm tặng phẩm nào cho hợp, để tặng mừng em, vì mai kia tôi lại cùng anh em chuyển lên trại ba Ba Vì, còn đau nặng chắc tôi không về được.

Gần 50 năm qua, vẹn nguyên từng lời, từng yêu thương trong kí ức tôi.

12/11/2022

N.Đ.D

Trái tim người lính

Nguyễn Đăng Dung

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hanh-trinh-ngay-ve-a16255.html