Hành trình 'sửa chữa' những trái tim lỗi nhịp

Nếu như 15 năm trước, trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh nặng khó sống sót, hoặc điều trị rất phức tạp, kéo dài, thì ngày nay, phẫu thuật tim bẩm sinh đã trở thành thường quy ở những trung tâm tim mạch lớn trên cả nước. Nhiều em bé phát hiện tim bẩm sinh từ khi còn là bào thai, đã được theo dõi và can thiệp ngay khi vừa lọt lòng mẹ, mang lại sự sống và tương lai tốt đẹp cho các em.

Sự sống kỳ diệu của cậu bé 16 năm suy tim

Cậu bé Nguyễn Văn V. (SN 2008, Bắc Giang) được chẩn đoán mắc bệnh lý chuyển gốc động mạch khi vừa chào đời. Thời điểm đó, Bệnh viện Nhi Trung ương mới sơ khai mổ chuyển gốc động mạch. Khi đó, bác sĩ cảnh báo phần lớn những trẻ mắc bệnh này nếu không được mổ sẽ tử vong sau 2-3 tháng.

Nằm cùng phòng với cậu bé V. còn có 5 bạn cũng mắc căn bệnh tim nặng nề này và 4/5 bạn đã không qua khỏi sau 3 tháng. V. không mổ được, người mẹ ôm con về nhà trong tuyệt vọng. Sau này, mỗi khi ốm, gia đình đưa cậu bé đi khám, đến nơi nào bác sĩ cũng “lắc đầu” vì muộn.

Cậu bé Nguyễn Văn V. được PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường khám lại sau hơn 2 tháng mổ tim.

Cậu bé Nguyễn Văn V. được PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường khám lại sau hơn 2 tháng mổ tim.

Năm tháng trôi qua, cậu bé lớn lên với căn bệnh tim bẩm sinh khiến nước da lúc nào cũng xanh tím, mệt mỏi, thở dốc. Vào tháng 6/2024, trong chương trình khám sàng lọc “Trái tim cho em” ở Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Giang, các bác sĩ bắt gặp V. đang ngồi chờ cùng mẹ.

Cậu bé gầy gò, toàn thân tím nặng, mắt sung huyết, đôi môi tím khô, từng ngón tay phình ra như dùi trống khiến PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương bàng hoàng thảng thốt. Vị bác sĩ không hiểu điều kỳ diệu nào khiến cậu bé mắc chứng bệnh chuyển gốc động mạch có thể sống được từ khi mới chào đời tới giờ.

Như một cơ duyên may mắn, V. được BS Trường thăm khám. Tình trạng suy tim 16 năm khiến cơ thể em không phát triển bình thường do thiếu oxy nặng, ảnh hưởng tới cơ quan nội tạng, đặc biệt đường ruột kém phát triển. Để thích nghi, cơ thể em tự tăng huyết sắc tố để tăng vận chuyển oxy trong máu, vì thế gây ra tình trạng tím tái toàn thân. BS Trường nói với người mẹ: “Cho cháu về Hà Nội mổ, các bác sẽ có cách sửa tim cho cháu”.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành mổ tim cho V. Nhưng trước phẫu thuật, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng của cậu bé khiến cả ê-kíp e ngại vì chỉ số huyết sắc tố vượt ngưỡng rất cao (gấp đôi người bình thường), có nguy cơ tắc mạch não trong mổ.

Đây là ca mổ rất khó khăn, nhưng may mắn, quá trình phẫu thuật và hồi sức đều tương đối thuận lợi. Da dẻ cậu bé trở lại hồng hào sau mổ, quả tim hoạt động bình thường, thời gian sống hoàn toàn kéo dài hơn rất nhiều. Hơn 2 tháng sau, V. đến bệnh viện khám lại, mẹ cậu bé hạnh phúc chia sẻ: “Con đã trở lại trường đi học bình thường, còn có thể leo núi, chặt củi, làm nhiều việc nhà. Cuộc sống của gia đình tràn ngập tiếng cười, con đã tự tin hòa nhập với các bạn”.

“Những trường hợp như cháu V. trước đây không có khả năng điều trị, thì nay sự phát triển của y học, hoàn toàn can thiệp để cháu được sống bình thường. Cháu V. sống khỏe đến 16 tuổi đúng là kỳ diệu của tạo hóa, là một trường hợp vô cùng hiếm trong y học Việt Nam cũng như thế giới. Tôi nghĩ, số phận đã mỉm cười với cháu”, BS Trường chia sẻ.

Mở ra cánh cửa hy vọng cho trẻ em bị tim bẩm sinh nặng

Mỗi năm, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật cho khoảng 1.700 trẻ em tim bẩm sinh, riêng PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường trực tiếp mổ 700 ca. Từng can thiệp tim cho những em bé sinh non chỉ 700-800gr, trái tim chỉ như một quả nho nhỏ xíu, BS Trường gặp rất nhiều câu chuyện được coi là kỳ tích trong y học. Tỷ lệ tử vong của trẻ mắc bệnh chuyển gốc động mạch là 30% trong tuần đầu sau sinh, 50% trong tháng đầu và 90% trong năm đầu tiên.

Mỗi năm, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật cho khoảng 50-60 trẻ em mắc bệnh lý tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch, với tỷ lệ thành công ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Trẻ sau phẫu thuật được cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều, học tập, sinh hoạt như trẻ em bình thường và không cần đến bệnh viện khám liên tục.

BS Trường cũng chia sẻ thêm, gần đây, ngồi nhiều hội đồng hội chẩn, anh rất tâm tư khi nhiều trường hợp mắc tim bẩm sinh được các đơn vị tư vấn bỏ thai. Trường hợp một phụ nữ mang thai 20 tuần được chẩn đoán thai nhi thiểu sản thất trái, gia đình đã nhận được nhiều lời khuyên bỏ thai.

Nhưng từ góc độ bác sĩ phẫu thuật, khi sản phụ siêu âm thai nhi ở Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, khả năng cao là bào thai có hai tâm thất cân đối, động mạch chủ bị gián đoạn, tim hơi xoay bất thường nên có thể các bác sĩ siêu âm tim thai không nhìn thấy hết tổn thương. Vì vậy, các bác sĩ đã khuyên sản phụ vẫn giữ thai và hiện đang theo dõi, thai nhi vẫn phát triển bình thường, dự kiến sắp chào đời. Khi chào đời, các bác sĩ sẽ có hướng xử lý ngay sau khi đón em bé.

Nhiều bà mẹ mang thai khi siêu âm phát hiện con bị tim bẩm sinh đã được tư vấn theo dõi thai kỳ và được can thiệp “sửa chữa” trái tim ngay khi em bé chào đời. PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường và ê-kíp đã 2 lần vận chuyển máy móc sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để phẫu thuật đặt máy tạo nhịp cho 2 bệnh nhi tim bẩm sinh nặng ngay khi vừa chào đời, cứu sống tính mạng cho 2 cháu bé từ những giây phút đầu tiên đến với cuộc sống.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, dị tật tim bẩm sinh là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh, chiếm gần 7% nguyên nhân gây tử vong từ 20 tuần tuổi thai đến 1 năm sau sinh. Tim bẩm sinh là bệnh lý nguy hiểm thường gặp nhất trong tháng đầu sau sinh, đặc biệt một số bệnh lý về tim nếu không được hồi sức cấp cứu ngay sau sinh sẽ không còn khả năng cứu chữa.

Việc chẩn đoán bệnh trong giai đoạn thai kỳ rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định sự sống của trẻ khi ra đời. Đặc biệt, khoa học phát triển, các bác sĩ đã có thể can thiệp ngay trong bào thai. Tỷ lệ thành công mổ tim ở Bệnh viện Nhi Trung ương lên tới 98% ở tất cả các trường hợp phẫu thuật, kể cả những ca phức tạp nhất, nằm trong Top đầu khu vực Đông Nam Á, tương đương với kết quả tại các Trung tâm tim mạch của Hoa Kỳ.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/hanh-trinh-sua-chua-nhung-trai-tim-loi-nhip-i749187/