Hành trình Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành di sản của nhân loại

Đại sứ Ấn Độ tại UNESCO Vishal V. Sharma cho rằng, Việt Nam đã thuyết phục được thế giới bằng tính chân thực và giá trị sống động của Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Âm vang tiếng gõ búa cùng lời tuyên bố trang trọng của Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới: “Thay mặt toàn thể Ủy ban Di sản Thế giới, tôi chính thức ghi danh di sản này. Xin chúc mừng Việt Nam!” đã khiến đoàn đại biểu Việt Nam vỡ òa trong cảm xúc; khép lại một thời gian dài chuẩn bị hồ sơ, chỉnh sửa phụ lục, thuyết minh giá trị và đợi chờ.

Các đại biểu Việt Nam chia sẻ: "Tôi thấy rất xúc động và tự hào. Đây là kết quả của biết bao công sức, tâm huyết của nhiều thế hệ trong đó có cán bộ ngành văn hóa"; “Chúng tôi đã theo dõi trọn vẹn toàn bộ quá trình bỏ phiếu, nhận ra rằng là các nước có sự đánh giá rất cao đối với di sản của Việt Nam khi mà Chủ tịch phiên họp gõ búa công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức trở thành di sản thế giới thì lúc đấy là cảm thấy vỡ òa, rất là hạnh phúc, rất tự hào”.

Hành trình đưa Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh sách "Di sản thế giới" bắt đầu từ năm 2012.

Hành trình đưa Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh sách "Di sản thế giới" bắt đầu từ năm 2012.

"Hành trình" để quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới bắt đầu từ năm 2012 khi hồ sơ của Việt Nam được UNESCO tiếp nhận. Trải qua nhiều lần chỉnh sửa và mở rộng phạm vi, đến nay hồ sơ được công nhận với hai tiêu chí nổi bật về giá trị tư tưởng và ảnh hưởng rộng khắp của Phật giáo Trúc Lâm, dòng thiền thuần Việt gắn với Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới gõ búa ghi danh Quần thể di tích Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh sách "Di sản thế giới"

Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới gõ búa ghi danh Quần thể di tích Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh sách "Di sản thế giới"

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, khi được ghi danh, Quảng Ninh cùng Hải Phòng, Bắc Ninh càng cần gấp rút phối hợp chặt chẽ trong hoạt động xây dựng đề án bảo tồn, khai thác bền vững Di sản: “Tỉnh Quảng Ninh - địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với thành phố Hải Phòng và tỉnh Bắc Ninh triển khai xây dựng hồ sơ từ năm 2020. Tôi thực sự hết sức xúc động và tự hào khi di sản được ghi danh. Ngay sau đây thì tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ trì cùng với Hải Phòng và Bắc Ninh, chúng tôi sẽ xây dựng đề án để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vô giá này của đất nước Việt Nam chúng ta, để chúng ta xứng đáng với sự ghi danh của UNESCO”.

Đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Trụ sở UNESCO, Cộng hòa Pháp

Đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Trụ sở UNESCO, Cộng hòa Pháp

Từ năm 2020, hơn 100 cuộc họp, hàng trăm văn bản, hội thảo quốc tế đã được tổ chức với sự vào cuộc của Bộ, ngành Trung ương và chuyên gia quốc tế. Đây là một trong những bộ hồ sơ công phu nhất từ trước đến nay. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, cộng đồng quốc tế đặc biệt đánh giá cao giá trị Phật giáo Trúc Lâm với những triết lý hòa bình, hòa hợp và nhập thế, rất phù hợp với tinh thần của UNESCO.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói: “Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì Ủy ban Quốc gia UNESCO cùng với các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt với tổ chức UNESCO, các cơ quan chuyên môn của UNESCO để bảo đảm rằng hồ sơ đã đạt được các tiêu chuẩn để trở thành di sản thế giới. Cộng đồng quốc tế đặc biệt quan chuyên môn đánh giá rất cao ý nghĩa và giá trị của Di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn,Kiếp Bạc, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm được sáng lập bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông từ thế kỷ XIII với những giá trị về hòa bình, về hòa hợp, hòa giải, về tư tưởng “nhập thế”. Đây chính là những giá trị rất phù hợp với tôn chỉ, mục đích và những giá trị chung của UNESCO”.

Hơn 7 thế kỷ qua, các con đường hành hương, am, tháp, mái chùa cổ kính hay mỗi gốc cổ thụ vẫn luôn âm thầm lưu giữ triết lý sống hòa hợp của Phật giáo Trúc Lâm.

Hơn 7 thế kỷ qua, các con đường hành hương, am, tháp, mái chùa cổ kính hay mỗi gốc cổ thụ vẫn luôn âm thầm lưu giữ triết lý sống hòa hợp của Phật giáo Trúc Lâm.

Tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới, các quốc gia thành viên nhận định giá trị cốt lõi của quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính là sự kết tinh hài hòa giữa các yếu tố văn hóa, tâm linh, triết học và truyền thống dân tộc Việt Nam. Một dòng chảy bắt nguồn từ đỉnh non thiêng Yên Tử qua chùa Vĩnh Nghiêm với những tấm mộc bản vô giá, tiếp nối tại Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Đại sứ Ấn Độ tại UNESCO Vishal V. Sharma cho rằng, Việt Nam đã thuyết phục được thế giới bằng tính chân thực và giá trị sống động của Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: “Yên Tử - một thắng cảnh thiêng liêng của Phật giáo Trúc Lâm và liên quan trực tiếp đến vị vua đáng kính Trần Nhân Tông. Đó là lý do tại sao nó quan trọng với người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Đó cũng là lý do Ấn Độ luôn ủng hộ Việt Nam, và quyết định trình bản sửa đổi để được công nhận. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến các báo cáo đánh giá tác động di sản khác nhau, nhưng Việt Nam đã đáp ứng tất cả các điều kiện, và do đó chúng tôi cảm thấy rằng việc công nhận này là một quyết định rất đúng đắn của Ủy ban Di sản thế giới và Ấn Độ luôn sát cánh cùng Việt Nam, cùng người dân Việt Nam".

Ngày 12/7/2025, Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc bước vào hành trình mới, hành trình di sản của nhân loại.

Ngày 12/7/2025, Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc bước vào hành trình mới, hành trình di sản của nhân loại.

Từ non thiêng Yên Tử đến cổ tự Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vang vọng khí phách tiền nhân, hành trình trở thành Di sản thế giới không chỉ là vinh dự, mà còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Danh hiệu vừa được UNESCO vinh danh là sự khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, đồng thời cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại. Từng mái chùa, từng am thiền, từng vách núi và nếp sống đều ẩn chứa trong đó một triết lý hài hòa, nhập thế, đầy nhân văn của Thiền phái Trúc Lâm.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc; Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/hanh-trinh-yen-tu-vinh-nghiem-con-son-kiep-bac-tro-thanh-di-san-cua-nhan-loai-post1214732.vov